Từ thành phố Việt Trì, chúng tôi về Hanh Cù, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), quê hương của “cô bộ đội” Bùi Thị Mùi. Do chúng tôi đã hẹn trước nên cả sáng nay bà cứ thấp thỏm chờ đợi.
Đón tiếp phóng viên là cựu chiến binh Nguyễn Văn Long, chồng bà Mùi. Bà mới bị tai nạn nên chỉ có thể ngồi trên giường. Miệng nhoẻn cười đôn hậu, bà hỏi han sức khỏe khách đường xa tới thăm.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Long mang ra một rổ táo chín thơm phức, rót chén trà mạn của miền quê Phú Thọ mời chúng tôi.
Ngồi bên cạnh, bà Mùi chậm rãi kể về những tháng ngày chiến đấu oanh liệt chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 cùng cuộc gặp gỡ định mệnh với mẹ con bé gái trên trận địa Cao Bằng khói lửa.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hanh Cù, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô thôn nữ Bùi Thị Mùi đã dành tình cảm đặc biệt với màu xanh áo lính. Thấy các đơn vị hành quân qua làng, bà thường chạy ra trông theo và nuôi hy vọng một ngày nào đó được trở thành bộ đội Cụ Hồ.
Sau khi học xong phổ thông, bà Mùi làm đơn tình nguyện nhập ngũ, với mong muốn được tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Những năm sau 1975, số lượng phụ nữ tham gia nhập ngũ khá ít và thường bị kiểm tra sát hạch, sàng lọc rất kỹ.
“Bố mẹ không muốn con gái đi bộ đội, vì họ hàng hai bên nội ngoại có nhiều người tham gia Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã hy sinh tại chiến trường B. Bố mẹ tôi chỉ mong con đi học nghề, rồi về chăm lo việc gia đình. Do đó, tôi phải làm đơn “trộm”, giấu giếm bố mẹ xin đi bộ đội”.
Lúc đi khám sức khỏe, do không đủ cân nặng, sợ bị loại, bà Mùi phải năn nỉ người phụ trách cho tăng thêm 0,5kg nữa, để đạt tiêu chuẩn 40 kg. Và, khi nhận được giấy báo nhập ngũ, đối với cô thôn nữ, niềm vui khó diễn tả bằng lời.
“Gia đình tiếp tục khuyên can để tôi thay đổi ý định. Nhưng, với khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ là được tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tôi từ biệt gia đình lên đường nhập ngũ, sẵn sàng ra tiền tuyến”, bà Mùi nhớ lại.
Cuối năm 1976, bà Mùi cùng đồng đội bắt đầu chương trình huấn luyện ở Tuyên Quang. Một tiểu đoàn nữ luyện tập suốt cả mùa đông trên thao trường. Khó khăn, gian khổ nhưng đầy tiếng cười.
“Sau 6 tháng hoàn thành đợt huấn luyện, đơn vị nhanh chóng được di chuyển về đồn trú ở Hà Giang. Nhiệm vụ lúc đó chủ yếu là xẻ núi, mở đường dọc hành lang biên giới, nhằm hỗ trợ cho công tác tiếp vận từ hậu cứ đến tiền đồn”, bà Mùi kể.
Năm 1978, đơn vị bà Mùi được chuyển về Cao Bằng, biên chế vào tiểu đoàn 19, thuộc Sư đoàn 346. Lúc đó nữ quân nhân được cử đi học, phong hàm hạ sỹ và trở thành tiểu đội trưởng, tham gia huấn luyện các nữ chiến sỹ tại đơn vị.
Đại đội của bà đóng quân ở xã Bế Triều (huyện Hòa An), sau lên chốt biên ở khu vực Hà Quảng, rồi tiếp tục được điều về vùng giáp biên ở Nam Tuấn. Đây chính là nơi đơn vị của Hạ sỹ Mùi đụng độ và quần nhau với địch trong những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc 1979.
Ngày 17/2, khoảng 5h sáng, Hạ sỹ Mùi cùng đồng đội đi tuần gác thì phát hiện quân Trung Quốc xâm nhập qua biên giới, đoạn cửa khẩu Sóc Giang. Địch sử dụng xe tăng di chuyển nhanh về hướng thị xã Cao Bằng, trên xe có treo cờ đỏ sao vàng ngụy trang, nhằm đánh lạc hướng bộ đội ta.
“Cả tiểu đội ban đầu tưởng rằng, có đơn vị nào đó đang diễn tập mà không báo cáo trước. Nhưng khi phát hiện ra quân Trung Quốc xuất hiện hàng hàng, lớp lớp, chúng tôi mới sững người, rồi nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Mọi thứ diễn ra rất bất ngờ”.
“Mặc dù bị tiêu diệt nhiều, nhưng quân địch vẫn tràn lên liên tục. Chúng dùng chiến thuật “lấy thịt đè người”, quân lính dày đặc tiến lên như một đàn vịt. Đơn vị chúng tôi tiêu diệt hết nhóm này, tiếng kèn đồng thúc trận của địch vang lên, lại có nhóm quân Trung Quốc khác tràn đến”, bà Mùi nhớ lại.
Lúc đơn vị chống lại quân Trung Quốc tràn qua biên giới, ngoài nhiệm vụ tải đạn, bà Mùi cùng các đồng đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù.
“Súng AK nằm chắc trong tay, cả tiểu đội suốt mấy ngày liền quần nhau với địch tại một cao điểm gần biên giới. Cơm cũng chẳng kịp ăn vì địch tấn công liên tục.
Tôi nằm ngay sau một tảng đá lớn, dùng AK bắn liên thanh vào vị trí quân giặc tiến công. Bắn hết băng đạn, tôi di chuyển sang vị trí khác. Bất ngờ, khẩu M79 của địch phóng quả lựu đạn phá tan tảng đá lớn, chỗ tôi vừa thoát ra. Chỉ cần nán lại một chút, thì tôi đã hy sinh rồi.
Đúng là sống chết chỉ trong gang tấc. Nhưng, cả tiểu đội không ai tỏ ra nao núng, đều coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, người tiểu đội trưởng năm xưa trầm ngâm kể lại.
Khi khai hỏa đánh quân xâm lược, ai cũng dũng cảm gan dạ. Lòng căm thù quân giặc giày xéo quê hương, giết hại dân lành bùng lên, thiêu cháy tất cả.
“Gần 1 tuần lễ quần nhau với quân Trung Quốc xâm lược, cả đơn vị đều xác định: Không thể nhân nhượng giữa sự sống và cái chết.
Cả đơn vị trên dưới một lòng chiến đấu. Bởi vì, nếu chúng tôi có chết, thì cũng chết vì chính nghĩa. Chết để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc là cái chết oanh liệt”, giọng bà Mùi to hơn, chắc nịch.
Từ 17/2 đến 22/2, trên một ngọn núi độc đạo, nằm cạnh cửa khẩu Sóc Giang, đơn vị của bà liên tiếp đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân Trung Quốc, giữ vững cao điểm biên giới quan trọng. Mặc dù, một số đồng đội hy sinh, nhưng tất cả đại đội “thề sống mái” với quân thù.
Tuy nhiên, vì lực lượng quân giặc quá đông, bao vây tứ bề. Các đơn vị hậu cứ phía sau đều bị phong tỏa. Đơn vị chiến đấu của ta dần cạn kiệt đạn và lương thực. Tình thế vô cùng hiểm nguy.
“Đêm 22/2, tiểu đoàn 45 được điều lên tiếp viện, phá vòng vây, mở đường máu cứu lực lượng đồn trú thoát khỏi cao điểm bị quân thù bao vây. Chúng tôi được lệnh rút khỏi cao điểm, di chuyển về phía dưới, tiếp tục đánh địch.
Cả đơn vị lặng lẽ rút trong đêm. Xung quanh là địch, nên phải di chuyển từng nhóm nhỏ. Do đó cả đơn vị hầu như bị lạc nhau”, nữ tiểu đội trưởng kể.
Ban ngày, trên đường rút quân, bà Mùi và đồng đội gặp nhiều người dân tộc thiểu số tản cư ra khỏi khu vực kẻ thù tấn công.
“Sáng 23/2, lúc chúng tôi đi qua bản Tấn (huyện Hòa An), thì bắt gặp hai mẹ con nằm bên vệ đường. Cạnh đó có hai anh bộ đội đang loay hoay tìm cách giúp.
Người mẹ bị địch bắn vào đùi, máu me bê bết. Chị nằm nguyên một chỗ, ngất lịm đi. Cháu bé tầm 2-3 tuổi, ngồi cạnh bên mẹ, khóc khản cả tiếng, người lấm lem, đôi mắt sợ hãi. Trông thật đáng thương!”, bà Mùi kể.
Phía trên cao điểm, quân Trung Quốc vẫn bắn liên hồi, bà Mùi vội vàng bế cháu nhỏ, còn hai anh bộ đội thay nhau cõng người mẹ bị thương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Suốt cả ngày 23/2, chúng tôi đi men theo vệ đường, xuôi về cùng hậu cứ. Sợ cháu bé khóc khiến địch phát hiện, cho nên tôi ôm cháu thật chặt và tìm chút lương khô cho cháu ăn đỡ đói và dặn dò thêm. Cả chuyến đi, cháu bé ôm chặt lấy tôi, không khi nào buông. Ánh mắt cháu đã bớt phần sợ hãi.
Đi đến chiều tối, chúng tôi đã thoát ra khỏi vòng vây, về đến Tài Hồ Sìn, trên Quốc lộ 3. Chúng tôi đứng trên đoạn cầu, chờ chiếc xe lên chở thương binh về trạm dã chiến, để gửi hai mẹ con bị thương về xuôi”, bà Mùi kể về thời khắc cứu hai mẹ con cháu bé.
Chính tại thời điểm này đã diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh của những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến chống quân xâm lược: Nhà báo Trần Mạnh Thường, Hạ sỹ Bùi Thị Mùi và cháu bé.
Giây phút gặp gỡ ngắn ngủi đó đã cho ra đời bức ảnh nổi tiếng “Cô bộ đội bế bé gái” trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.
Sau khi đưa hai mẹ con bị thương lên xe về hậu cứ, bà tiếp tục quay lại chiến tuyến, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đến ngày địch rút chạy về bên kia biên giới.
Một tháng sau, bà Mùi nhận được bức ảnh trên tờ báo Quân đội Nhân dân, do đơn vị gửi về.
Không khỏi ngạc nhiên, nữ hạ sỹ băn khoăn tự hỏi, có khi nào sau chiến tranh, những con người trong bức ảnh có thể gặp lại nhau.
Sau thời gian quân ngũ, bà trở về quê hương. Đến năm 1981, bà lập gia đình với cựu binh Nguyễn Văn Long (SN 1954, người xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ).
Cuộc sống vật chất vốn đã rất khó khăn, hai vợ chồng bà lại không may mắn, khi không thể có con. Vết thương của chiến tranh vẫn dai dẳng, hằn sâu trong thân thể những con người quả cảm.
Bất hạnh tiếp tục ập xuống, khi tháng 3/2015, trong lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè trúng, đa chấn thương. Sau đó, bà phải nằm liệt ở nhà, mọi sinh hoạt cá nhân đều do chồng lo liệu.
Những năm tháng sống vất vả, bà Mùi luôn mong mỏi có ngày được gặp lại cô bé trong bức ảnh mà mình đã từng cưu mang, coi như con đẻ năm nào. Ước mong đó tưởng như không bao giờ thành hiện thực.
37 năm sau chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 2015, hai nhà báo Trần Mạnh Thường và Mai Thanh Hải tìm được địa chỉ của “cô bộ đội” trong bức ảnh.
Vợ chồng bà Mùi vô cùng xúc động và càng vui mừng hơn khi biết tin về cháu bé gái năm xưa. Đó là chị Hoàng Thị Thu Hiền (SN 1976), hiện là cán bộ địa chính xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, Cao Bằng.
Tháng 12/2016, một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa những chứng nhân lịch sử diễn ra ngay tại địa danh lịch sử - Cầu Tài Hồ Sìn, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An, Cao Bằng, nơi “cô bộ đội bế bé gái” trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Đúng 14h ngày 20/12/2016, chiếc xe cứu thương chở cô bộ đội đến cầu Tài Hồ Sìn gặp em bé năm xưa và nhà báo Trần Mạnh Thường.
Cô bộ đội từng ao ước sẽ có ngày trở lại chiến trường xưa và gặp lại em bé từng cưu mang. Nay, điều ước tưởng như mơ hồ đó đã thành hiện thực.
“Tôi ngồi chờ trong ngôi nhà nhỏ. Rất nhiều người bước vào, nhưng có linh tính, tôi nhận ra Hiền ngay. Tôi vẫn nhận ra vầng trán và đôi mắt sáng của cháu bé bế trong tay trên chuyến xe ở Tài Hồ Sìn năm nào.
Vừa nhìn thấy tôi, Hiền nhanh chân, chạy tới ôm chầm lấy và thốt lên trong nước mắt: “Mẹ ơi! Con Hiền của mẹ đây. Con đi tìm mẹ bao nhiêu năm trời”.
Giây phút đó, tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Tưởng chừng như bao nhiêu đắng cay, buồn tủi mà vợ chồng tôi chịu đựng trong thời gian qua bỗng tan biến. Tôi vội ôm con vào lòng, cái ôm chặt như 37 năm về trước”, bà Mùi nghẹn ngào kể lại.
Bà Mùi nhờ chúng tôi lấy hộ bức ảnh “Cô bộ đội bế bé gái” từ trong tủ kính. Bà lau nhẹ, rồi đặt ngón tay vào khuôn mặt bé, lặng lẽ khóc.
“Cảm ơn cuộc đời đã mang con đến bên mẹ. Con đã nhóm lên ngọn lửa hồng, thắp lên niềm tin yêu cuộc sống cho bố mẹ”, bà Mùi thổn thức.
Chúng tôi lặng nghe câu chuyện bà Mùi kể, tựa như đang nghe tiểu thuyết “Số phận một con người” của nhà văn Liên Xô Mikhail Sholokhov. Chuyện đời như một bức tranh cao đẹp, chan chứa tình yêu thương giữa người với người.
Chiến tranh đã lùi xa 41 năm, thật xúc động khi chúng tôi được biết số phận của những nhân chứng sống trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược phương Bắc năm 1979.
Được chồng bế qua chiếc xe lăn cũ kỹ, bà Mùi ra ngoài sân hóng gió.
Nhoẻn nụ cười phúc hậu, bà Mùi khoe với chúng tôi rằng, chị Hiền mới về thăm. Hầu như năm nào gia đình chị Hiền cũng từ Cao Bằng xuôi về Phú Thọ thăm nom ân nhân của mình.
“Ngày nào hai mẹ con cũng nói chuyện qua zalo. Hiền rất quan tâm và lo cho sức khỏe của bố mẹ. Hai người con của Hiền cũng rất quý ông bà ngoại”, bà Mùi chia sẻ.
Bà Mùi lấy điện thoại ra, cho chúng tôi xem bức hình của đứa con hiếu thảo. Rồi bà bấm số, gọi cho chị. Nhìn hai mẹ con nói chuyện ríu rít, giọng điệu thật ấm áp, chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng.
Cuộc đời người mẹ bao năm quen với gian lao, chịu đựng bao đắng cay của số phận, nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời, yêu người. Và, đến cuối đời, người mẹ ấy đã được đền đáp.
Phải chăng, tất cả là sự sắp đặt của số phận.