Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nữ Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương và câu chuyện ‘muốn quên mà không thể’

(VTC News) -

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM kể những ngày tháng dông bão khiến bà muốn quên đi và cả những chuyện "muốn quên mà không thể".

Chứng kiến những bệnh nhân vật vã chống chọi với COVID-19, những em bé chào đời trong nỗi lo lắng, trong mối hiểm nguy và cả sự mất mát, với Bác sĩ Tuyết, nó giống như tháng ngày dông bão khiến bà muốn quên đi mà không thể. Bà bắt đầu câu chuyện với PV VTC News.

Làn sóng dịch thứ 4 để lại tổn thất rất lớn cho cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Đến bây giờ, những câu chuyện xảy ra ở thời điểm đó, tôi muốn quên dữ lắm, mà không thể, bởi nó quá tàn khốc đối với người dân của thành phố và nhất là với những người làm ngành y. Chỉ vấn đề giãn cách, Chỉ thị 15, 16, 16+ đã đủ thấy rất đau đớn.

Ngày đầu tiên điều trị cho bệnh nhân COVID-19, chúng tôi thiếu máy thở. Thông thường, ở bệnh viện một năm chỉ có vài ca thở máy nên sắm máy thở chủ yếu phục vụ cho khu vực trẻ sơ sinh. Khi chuyển nặng, bệnh nhân COVID-19 thở HFNC (liệu pháp oxy lưu lượng cao qua mũi) không hiệu quả phải chuyển sang thở máy xâm lấn, nhưng máy thở không đủ, khó khăn vô cùng. Sau đó, được sự hỗ trợ của UBND thành phố, Sở Y tế, các mạnh thường quân, dần dần bệnh viện có được hơn 10 máy thở xâm lấn.

Với những vũ khí đó, chúng tôi có thể yên tâm được phần nào trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nhưng phải khẳng định rằng, vai trò của con người vô cùng quan trọng trong công tác khám và điều trị bệnh.

Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản phụ khoa, nếu như dịch chưa bùng phát mạnh, các trường hợp viêm phổi hoặc COVID-19 sẽ chuyển sang các bệnh viện chuyên khoa về phổi, về hồi sức. Nhưng thời điểm ca nhiễm tăng quá cao, việc chuyển viện vô cùng khó khăn, bởi tất cả các bệnh viện đều quá tải.

Lúc đó, Ban Giám đốc ngồi cùng các y, bác sĩ và nói với họ rằng: “Chúng ta chỉ có hai con đường. Một là chờ bệnh nhân chết, không làm gì hết, vì không chuyển viện được, còn nếu chuyển được viện, có thể bệnh nhân cũng chết trước khi đi, bởi tất cả đều quá tải. Hai là mình phải tự học, tự tìm tòi, rồi vận dụng để giúp cho người bệnh”.  

Với vai trò, trách nhiệm cứu người, tất nhiên mọi người chọn phương án 2. Bệnh viện đã mời chuyên gia hướng dẫn từng việc nhỏ nhất, như cách sử dụng máy, đến các trường hợp cụ thể trong điều trị bệnh. Vào 11h trưa mỗi ngày, các y bác sĩ cùng học qua Zoom. Từ chuyên khoa sản, chúng tôi học thêm kiến thức bằng cách “học trực tuyến”. Ai cũng kiên trì, cố gắng học để có thể cứu bệnh nhân COVID-19 không chỉ bằng chuyên môn vốn có của mình.

Đi qua đại dịch có những điều BS Tuyết chỉ muốn quên đi nhưng không thể nào quên.

- Trong suốt 5 tháng chống dịch vừa qua, đã có khi nào bác sĩ muốn gục ngã?

Tỷ lệ tử vong ở Bệnh viện Hùng Vương hằng năm từ 1 đến 2 ca trên khoảng 50.000 bệnh nhân. Đây là con số rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lúc dịch cao điểm, bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong rất nhanh, trong tuần đều có 1, 2 ca tử vong. Đây là điều tồi tệ nhất đối với y bác sĩ bệnh viện.

Trong 2 tháng cao điểm đã có 8 người không qua khỏi tại bệnh viện. Con số đó khiến chúng tôi khó chấp nhận được, rất sốc, rất đau lòng và có lúc bế tắc. Nhìn bệnh nhân ra đi nhanh chóng là nỗi đau của người thầy thuốc, đau đến tột cùng mà không có cách nào cứu họ được.

Có trường hợp, bệnh nhân tới hoàn toàn tỉnh táo, rồi 3, 4 tiếng sau tử vong. Tử vong luôn cả mẹ lẫn con trong vòng tay chúng tôi. Quá đau đớn và tim như thắt lại vì không làm cách nào được khi bệnh đã rất nặng, diễn tiến quá nhanh.

Nhưng cũng có những trường hợp tiên lượng gần như chắc chắn tử vong, rồi chúng tôi không ai bảo ai đã cùng nhau cố gắng, kiên trì, nỗ lực, không bỏ cuộc, và cuối cùng điều trị cho bệnh nhân cai được máy thở, dần hồi phục.

Một ca cai được máy, cả bệnh viện vui mừng sung sướng. Cứu được bệnh nhân chính là động lực mạnh mẽ giúp chúng tôi có niềm tin rằng, dù không phải chuyên khoa nhưng “mình làm được” để chiến đấu với COVID-19.

- Điều gì khiến bác sĩ “muốn quên mà không thể” trong đại dịch COVID-19?

Sự ra đi của hai mẹ con sản phụ là hình ảnh khiến tôi luôn “ám ảnh” và không muốn nhắc lại. Một người phụ nữ mang thai mắc COVID-19 đòi bỏ con vì không thở được: “Bác sĩ lấy con ra dùm đi, lấy con ra đi!”.

Một người mẹ đã phải thốt ra những lời như vậy, khiến ai nghe cũng phải xót xa, đau đớn. Có thể thấy, bệnh viện sản là bệnh viện hạnh phúc nhất, bởi “đi một về hai” trong niềm hạnh phúc của một gia đình khi có thêm thành viên mới. Vậy mà giờ đây phải chứng kiến sự ra đi của hai mẹ con. Điều đó cho thấy COVID-19 tàn khốc và đau đớn thế nào, khiến chúng tôi muốn quên đi.

Bệnh COVID-19 diễn tiến rất nhanh, phải theo dõi sát, can thiệp sớm, càng sớm chừng nào càng tốt chừng đó. Sự ra đi đó buộc chúng tôi phải “làm cuộc cách mạng”.

Tôi cùng đồng hành với mọi người, giải quyết những khó khăn đó chứ không phải chỉ nói suông, hô hào. Và chúng tôi cũng đánh vào lòng trắc ẩn của nhân viên khi nhiều y bác sĩ có lúc chùn bước hay muốn bỏ cuộc: “Là thầy thuốc phải cứu người. Đó là sứ mệnh, là thiên chức”. 

“Là thầy thuốc phải cứu người. Đó là sứ mệnh, là thiên chức”. 

- Động lực nào giúp bệnh viện vượt qua những ngày “vạn sự khởi đầu nan”?

Đó là khi e-kip của bệnh viện giúp ca bệnh đầu tiên vượt qua được lằn ranh giới sinh - tử. Bệnh nhân bị rối loạn tiền mãn kinh, tăng sinh nội mạc tử cung, nghi ngờ ung thư tử cung phải nạo sinh thiết, phát hiện mắc COVID-19 rồi diễn tiến nặng phải thở máy xâm lấn.

Khi bệnh nhân COVID-19 phải máy thở xâm lấn, rất khó để cứu sống, thì ca này lại khác. Chị nằm hơn 2 tuần thở máy, rơi vào bão Cytokine, nhưng bằng sự nỗ lực của y bác sĩ, dần dần các chỉ số được cải thiện, rồi cai máy thành công và được xuất viện.

Chính việc cứu sống bệnh nhân này đã tạo niềm tin, động lực lớn cho những bác sĩ chuyên sản phụ khoa như chúng tôi rằng, “mình có khả năng cứu sống người nhiễm COVID-19, mình có thể đi đến thành công chứ không phải tất cả đều là vô vọng”.

Sau đó, đã có các ca thứ 2, thứ 3, thứ 4…, và nhiều ca thở máy xâm lấn được đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện cứu sống.

- Những hy sinh của y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch là vô cùng cao quý. Hình ảnh nào để lại ấn tượng với bác sĩ nhất?

Tôi nghĩ rằng tất cả hy sinh của lực lượng tuyến đầu đều rất cao cả. Các y bác sĩ đã hy sinh riêng tư của mình, tạm gác chuyện gia đình và cá nhân để túc trực, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân gần như 24/24h. Những điều đó với tôi đều rất đáng trân quý.

Từ bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, cho tới các anh bảo trì, thay oxy, tài xế..., đó là một bộ máy, gắn kết với nhau từng chi tiết. Chỉ cần một chi tiết nhỏ khiếm khuyết là cả một guồng máy không thể hoạt động.

Hồi tháng 8, số bệnh nhân tăng cao, số nhân viên y tế là F0 cũng tăng. Bất chấp bị nhiễm COVID-19, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý… vẫn đăng ký ở lại để chăm sóc người bệnh. Bản thân họ đang nhiễm bệnh, cần được chăm sóc, nghỉ ngơi nhưng vẫn căng mình “vật lộn với tử thần”, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Đó là sự hy sinh không thể diễn tả hết bằng lời.

Hay có thời điểm, đội bảo trì (thay oxy) của bệnh viện đều nhiễm COVID-19. Họ đăng ký ở lại khu điều trị, khu vực cách ly để thay bình oxy kịp thời khi bệnh nhân cần. Họ còn sửa điện, sửa đèn, sửa quạt…trong khu vực điều trị bệnh nhân. Đó là những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn.

Cả bệnh viện làm việc mà không hề có khái niệm thời gian. Một, hai giờ sáng hay thậm chí xuyên đêm vẫn phải hội chẩn để tìm cách cứu bệnh nhân, bởi sự diễn tiến của COVID-19 từ nhẹ sang nặng rất nhanh, chỉ cần nghỉ một chút thôi, lơ là một chút thôi là không kịp nữa.

Tất cả mọi người, ai cũng hết sức, hết mình, tạm quên gia đình, gác lại chuyện riêng để chiến đấu trong đại dịch. Tất cả họ đều xứng đáng nhận lời tri ân, tình yêu và sự khâm phục nhất.

- Điều ý nghĩa nhất mà bác sĩ và bệnh viện có được sau cuộc chiến vừa qua?

Tôi nghĩ rằng, trong tất cả khó khăn nói chung và khó khăn của đại dịch COVID-19 thì đoàn kết, sức mạnh của tập thể rất quan trọng. Lúc đó, nếu không có đội ngũ, không có tinh thần đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn thì không thể nào thành công được.

Tại Bệnh viện Hùng Vương có một tập thể rất đoàn kết. Giai đoạn đó nguồn nhân lực có hạn, chia ra nhiều mặt trận nên rất khó khăn, nhưng mỗi người cùng chia sẻ, cùng gánh vác một ít để cùng chống lại sự tàn khốc của SARS-CoV-2.

“Trong nguy có cơ”, y bác sĩ của bệnh viện có cơ hội để học hỏi thêm chuyên khoa hô hấp. Lúc đó không có con đường nào khác, bắt buộc phải học để cứu người bệnh và qua đó có thêm được kiến thức, kỹ năng về hồi sức, điều trị các bệnh liên quan đường hô hấp cấp tính. Đó là điều bệnh viện có được sau đợt dịch.

Đại dịch giống như cơn đại hồng thủy quét qua thành phố. Chúng tôi chỉ mong ước điều đó không bao giờ xảy ra nữa, vì quá kinh khủng, quá tàn khốc và quá đau đớn. Đã có hơn 23.000 đồng bào qua đời, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, đó là mất mát rất to lớn. Mong rằng, mỗi người lấy đó làm bài học, cố gắng giữ gìn thành quả chống dịch, cố gắng tuân thủ 5K và nhiều biện pháp khác để COVID-19 không có cơ hội làm chúng ta đau thêm lần nữa.

Chúng tôi chỉ mong ước điều đó không bao giờ xảy ra nữa, vì quá kinh khủng, quá tàn khốc và quá đau đớn.

- Với vai trò là nhà quản lý, đồng thời là đại biểu HĐND TP.HCM, bà có kiến nghị gì để góp phần vào “cuộc chiến” chống dịch của đất nước?

Trong đợt dịch vừa qua, chúng tôi đã trình với Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Ở những đợt tiêm vaccine đầu tiên, phụ nữ có thai và cho con bú bị trì hoãn, do vaccine khá mới, chưa có thời gian để đánh giá về lâu dài. Đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng rất nhạy cảm, nên chưa được tiêm.

Nhưng sau đó, chúng tôi đã trình kiến nghị lên Bộ Y tế đề xuất tiêm cho phụ nữ mang thai và cho con bú để giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, hoặc nhiễm sẽ không chuyển nặng. Nếu chưa tiêm cho cả nước, có thể tiêm cho đối tượng này ở tâm dịch TP.HCM. Những kiến nghị này xuất phát từ việc chúng tôi nghiên cứu tại bệnh viện, các hiệp hội về sản phụ khoa và họ cũng khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai.

Điều này đã được Hội đồng quốc gia về tiêm chủng thông qua ngay sau khi Bộ Y tế cho phép. Bệnh viện Hùng Vương là đơn vị đầu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Sau đó, chúng ta đã thấy ngay hiệu quả của tiêm chủng. Từ ngày 1/10/2021, số ca nhiễm giảm đi đáng kể, số ca nhiễm trở nặng cũng giảm đi, tương ứng với tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 giảm rất nhiều.  

Tuy nhiên, ngoài tiêm đủ liều vaccine, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, việc ngăn chặn lây nhiễm COVID-19, 5K rất quan trọng và còn nguyên giá trị đến thời điểm này.

Trung tâm H.O.P.E giải thể, ai cũng vui mừng. 

Thời điểm giường bệnh ở khoa Sơ sinh quá tải, với đề xuất của Bệnh viện Hùng Vương, trong vòng 1 tuần lễ, trung tâm H.O.P.E (Have only positive expectation - Nơi chỉ có những kỳ vọng tốt đẹp) ra đời để chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ đang điều trị bệnh COVID-19. Trung tâm được đặt tại Trường Mầm non Họa Mi 2, bên cạnh bệnh viện.

Từ 25/8 đến 1/11/2021, trung tâm đã đã chăm sóc cho 257 bé. Ngày 1/11, trung tâm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và chính thức “giải thể” khi tất cả các bé đều được đón về với gia đình.

“Chưa có trung tâm nào ra đời mà mọi người mong nó đóng cửa càng sớm càng tốt. Trung tâm đóng cửa chính là lúc các bé đã được gia đình tới đón, không phải “mồ côi tạm thời” nữa.

Trong thời gian cách ly khỏi mẹ và gia đình, các bé nhận được tình yêu thương rất lớn từ các cô bảo mẫu. Các cô thức khuya dậy sớm, chăm bẵm trẻ như chính con ruột của mình. Khi người nhà đến đón, tâm trạng các cô vừa vui vừa buồn. Buồn vì phải xa các con sau bao nhiêu ngày gắn bó, nhưng vui vì các con đã được về với vòng tay gia đình, khỏe mạnh và hạnh phúc sau những ngày tháng đầy tổn thương vì COVID-19”, Bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.  

MAI CÁT (thực hiện)

Tin mới