23 tuổi, lần đầu tiên Phạm Thị Huế (SN 1998), điều dưỡng viên tại khoa Hồi sức tích cực, chống độc - thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để tóc tomboy tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0 ở Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.
Gia đình Huế ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) may mắn chưa ai phải đi cách ly nhưng những ngày làm việc ở Quảng Ninh, nữ điều dưỡng viên ấy vẫn luôn lo lắng, dõi theo tình hình dịch bệnh tại quê nhà. Huế luôn ấp ủ mong ước, được góp một phần sức lực nhỏ bé cho công cuộc chống dịch tại quê hương.
Huế quyết định cắt mái tóc dài để tiện chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Vì vậy, khi nhận được thông báo Quảng Ninh thành lập đoàn chi viện thứ 2, Huế xung phong và ghi tên trong danh sách người tham gia. Trước khi vào tâm dịch, Huế được tập huấn, tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
"Trong khoa nhiều anh chị từng tham gia chống dịch chia sẻ, khi điều trị bệnh nhân COVID-19 nếu để tóc dài sẽ nóng và bất tiện. Ngày 2/6, em quyết định cắt tóc ngắn. Em thấy mình như một người khác. Lâu dần thành quen, mái tóc ngắn không còn lạ lẫm, thậm chí trông em năng động hơn. Em sẽ nuôi lại tóc dài sau khi đợt dịch kết thúc vì mọi người bảo, tóc dài hợp với em hơn", Huế cười nói.
Mái tóc dài gắn bó với Huế suốt thời gian dài.
Ngày 3/6, Huế cùng 19 cán bộ, y, bác sĩ (6 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên xét nghiệm) của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (TP Uông Bí); Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả; Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) lên đường đến chi viện cho Bắc Giang. Trong số nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Phạm Thị Huế là người trẻ nhất khi mới 23 tuổi.
"Khi đăng ký tình nguyện đi chống dịch ở Bắc Giang em không thông báo cho gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng. Lúc biết chuyện, bố mẹ không giận mà gọi điện động viên em cố gắng", Huế nói.
Chiều 4/6, Trung tâm Hồi sức tích cực với quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang hoàn thiện sớm hơn dự kiến 1 ngày.
Ngày 5/6, cô gái nhỏ ấy với gương mặt xinh xắn ấy bắt tay vào công việc chăm sóc bệnh nhân F0 và khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ trong tiết trời nắng nóng. Với Huế, cái nóng mà bản thân chịu không thấm vào đâu so với những cán bộ, y, bác sĩ trực tiếp tham gia lấy mẫu trong cộng đồng.
Mặc dù trông năng động hơn với kiểu tóc ngắn nhưng Huế vẫn quyết định nuôi tóc dài sau khi kết thúc chống dịch tại Bắc Giang.
Huế nhẩm tính, trong ngày 6/6, tầng trên của Trung tâm Hồi sức tích cực có 9 bệnh nhân, tầng dưới 6 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân được đưa vào đây cách ly, điều trị chưa đông nhưng 2 ngày qua, được đứng chung chiến tuyến với các đồng nghiệp ở quê hương chống dịch COVID-19, Huế rất vui, những thấp thỏm trong Huế cũng vơi đi phần nào.
Cũng như những thành viên khác trong đoàn, quyết định chi viện đến Bắc Giang chống dịch của Phạm Thị Huế không ghi thời gian về. "Em chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được khống chế để cuộc sống người dân trở lại bình thường, em cùng các đồng nghiệp cũng trở về với guồng quay công việc của mình", nữ điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bắc Giang ghi nhận hơn 3.000 ca mắc COVID-19. Nhiều tỉnh, thành phố đã cử các đoàn y, bác sĩ tại các bệnh viện hay các cán bộ, giảng viên, sinh viên trường y lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang để nhanh chóng khoanh vùng, khống chế được dịch bệnh tại đây.