Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nữ chủ nhân giải Nobel Y học 2023: 'Nhiều người từng nghĩ tôi bị điên'

(VTC News) -

Giành giải thưởng Nobel Y học 2023 danh giá những ít ai biết TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman từng trải qua thời gian dài không được công nhận.

Giải Nobel Y học năm nay được trao chung cho TS Katalin Karikó (SN 1955 ở Hungary) và GS Drew Weissman (SN 1959 ở Massachusetts, Mỹ) - hai nhà khoa học có những khám phá góp phần tạo ra dòng vaccine mới, đặt nền móng cho việc phát triển vaccine giúp chống lại đại dịch COVID-19.

Giải thưởng ghi nhận nghiên cứu tiên phong của hai nhà khoa học về RNA thông tin (mRNA) - chuỗi di truyền mang các thông tin tạo protein được mã hóa đến các vị trí trong tế bào. Từ đó các nhà khoa học tìm cách đưa được mRNA mang thông tin virus vào tế bào người. Hành trình đó đã trở thành tiền đề cho vaccine mRNA. 

TS Katalin Karikó (trái) và GS Drew Weissman (phải).

Từ ý tưởng cũ 

Hạt giống cho ý tưởng vaccine mRNA được bắt đầu những năm 1980, sau khi các kỹ thuật tạo ra các chuỗi di truyền trong phòng thí nghiệm được phát triển, nhưng các phân tử mRNA tạo ra trong phòng thí nghiệm lại kích hoạt loạt phản ứng miễn dịch có hại.

Từ ý tưởng cũ này, đến năm 1990, bà Karikó phối hợp với ông Weissman bắt đầu hợp tác giải quyết vấn đề này tại Đại học Pennsylvania. Họ kết hợp kiến thức nền tảng của bà Karikó về hóa sinh RNA và kiến thức về miễn dịch học của ông Weissman.

Hai nhà khoa học nhận ra rằng, phản ứng miễn dịch nói trên xảy ra liên quan đến sự khác biệt cơ bản giữa các mRNA được tạo ra trong tế bào động vật có vú và các mRNA được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Trong khi các mRNA tự nhiên có nhiều biến đổi hóa học khác nhau, các mRNA được tạo ra trong phòng thí nghiệm không có.

Các nhà nghiên cứu thử tái tạo một số biến đổi này ở mRNA trong phòng thí nghiệm và sau đó cho các phân tử thu được tiếp xúc với các tế bào miễn dịch gọi là tế bào đuôi gai.

Năm 2000, TS Karikó và GS Weissman chứng minh thành công việc có thể làm giảm phản ứng viêm của cơ thể đối với các mRNA bằng cách tạo ra những thay đổi hóa học cụ thể đối với các mRNA này.

Sau đó 5 năm, hai nhà khoa học này đã có bài báo trên tạp chí Immunity với nội dung thay thế một bazơ mRNA gọi là uridine bằng các bazơ đã được biến đổi, xuất hiện tự nhiên như pseudouridine, có thể làm giảm đáng kể phản ứng viêm.

Trong vài năm tiếp theo, họ tiếp tục phát triển nghiên cứu sâu hơn và thành công chứng minh việc sử dụng pseudouridine có thể làm tăng lượng protein các tế bào tiếp nhận mRNA tạo ra. Họ cũng làm sáng tỏ cơ chế tế bào đằng sau hiện tượng này. 

Kết quả nghiên cứu được một số công ty áp dụng vào những năm 2010, với trọng tâm ban đầu là vaccine chống virus Zika và MERS-CoV, loại coronavirus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông. Đặc biệt, gần đây nhất, nghiên cứu này đã trở thành chìa khóa cho sự phát triển nhanh chóng của vaccine COVID-19.

Không lâu sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, giấy phép quản lý đầu tiên đối với vaccine mRNA được cấp vào tháng 12/2020 cho Pfizer và BioNTech (các công ty đã tuyển bà Karikó làm phó chủ tịch cấp cao cho đến gần đây) và Moderna. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, hơn 13 tỷ mũi tiêm vaccine mRNA đã được thực hiện trên toàn cầu.

Cuộc gặp bất ngờ tại phòng photocopy

Tại cuộc họp báo sau khi nhận giải Nobel Y học 2023, ông Weissman chia sẻ, hiện họ vẫn tập trung vào công việc nghiên cứu dù có những thời điểm không nhận được tài trợ, báo cáo khoa học không được xuất bản và không thuyết phục được người khác rằng mRNA "rất thú vị và khả thi".

“Karikó thắp sáng ý tưởng rồi chúng tôi đã dành hơn 20 năm làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp”, ông nói và nhớ lại lần đầu hai người gặp nhau vào năm 1997, tại phòng photocopy tài liệu. Sau một hồi thảo luận về các nghiên cứu, cả hai đều chung dự đoán RNA có thể làm tất cả các loại vaccine, phương pháp điều trị và liệu pháp gene, đồng thời nhận ra nó có tiềm năng mạnh mẽ đến mức nào.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi nhận ra chỉ cần kiên trì và tiếp tục làm việc. Và giờ chúng tôi đã ở đây ngày hôm nay", ông nói.

Karikó thì luôn tin rằng mRNA có thể làm được bất cứ điều gì. “Trong những năm đầu khi nghiên cứu, tôi đã đến dự các cuộc gặp khoa học và tiếp cận mọi người. Mỗi khi gặp các nhà khoa học, tôi đều hỏi 'bạn đang nghiên cứu gì?', 'có lẽ công nghệ RNA sẽ có tác dụng đấy, dù là với một căn bệnh, hay thậm chí chứng hói đầu'... Có lẽ tất cả họ đều nghĩ tôi bị điên”, bà cười nói.

Cả hai nhà khoa học đều trải qua những khó khăn trong suốt giai đoạn đầu nghiên cứu khi không mấy ai quan tâm đến liệu pháp điều trị bằng RNA, khiến việc tìm kiếm tài trợ của họ trở nên vô cùng khó khăn.

Giáo sư Karikó từng bị thôi việc trong thời gian làm tại Đại học Pennsylvania, một thời gian dài không giữ vị trí chính thức nào.

Phát biểu sau khi biết về giải thưởng của mình, bà cho biết: "Ở tuổi 58, tôi đã thực hiện tất cả các thí nghiệm bằng tay. Tôi trực tiếp nuôi cấy plasmid và nuôi dưỡng tế bào".

Karikó từng chia sẻ với mẹ mình, người theo dõi các giải thưởng Nobel hàng năm cho đến khi qua đời vào năm 2018, rằng bà sẽ không bao giờ có giải vì không có đội ngũ, và "thậm chí còn không phải là giáo sư". 

Trước khi giải Nobel Y học gọi tên TS Karikó và GS Weissman, Giải thưởng VinFuture năm 2021 là một trong số ít giải thưởng khoa học công nghệ quy mô toàn cầu đầu tiên tôn vinh công trình nghiên cứu hai nhà khoa học này.

Việc VinFuture vinh danh TS Karikó và GS Weissman trước Nobel 2 năm thể hiện tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Mặc dù được vinh danh bởi nhiều giải thưởng quốc tế lớn, giải thưởng VinFuture vẫn có vị trí đặc biệt đối với TS Karikó.

Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6/2023, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Bà Karikó khẳng định rằng, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế. Những giải thưởng quốc tế như VinFuture không chỉ là nguồn cảm hứng cho những nhà khoa học nội địa mà còn tạo nên sức hút, sự quan tâm từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh tiến trình phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.

Giải Nobel có giải thưởng tiền mặt trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (1 triệu USD). Số tiền này đến từ di chúc của người tạo ra giải thưởng, nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel, sau khi ông qua đời năm 1896.

Việc công bố các giải Nobel 2023 sẽ tiếp tục với giải vật lý vào 3/10, hóa học vào 4/10 và văn học vào 5/10. Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào 6/10 và giải thưởng kinh tế vào ngày 9/10.

Phương Anh (Tổng hợp )

Tin mới