- Nhìn thần thái, có thể thấy bà rất khỏe khoắn. Cuộc sống của bà ở tuổi 85 thế nào, thưa bà?
Có lẽ đúng là như vậy, vì tôi ra đường được nhiều người khen: “Bà ơi, sao da bà đẹp thế, vẫn cứ hồng hào trắng trẻo”. Ở tuổi này thì phải tự biết mình rồi, nhưng thấy mọi người nói vậy, tôi cũng vui.
Tôi giờ đây chẳng phải làm gì nhiều, ngày ngày hai buổi ra ngồi trà đá ở đầu ngõ. Bà Xuyến (nghệ sĩ Kim Xuyến) ở Hàng Vải, ngày nào cũng lên đây ngồi cùng. Chúng tôi hàn huyên đủ thứ. Nhiều người đi đường trông thấy nghệ sĩ cũng vào xin chụp ảnh và cùng trò chuyện.
Lê Khanh nhiều năm nay đã dọn về đây ở căn nhà bên trong, liền cửa với nhà tôi. Lê Vy ở xa cũng rất chăm gọi điện. Các con thường xuyên thăm hỏi, động viên, nên tôi không có gì đáng phàn nàn.
Nghệ sĩ Lê Mai và nghệ sĩ Kim Xuyến cùng một người bạn trong một dịp gặp gỡ, trò chuyện.
- Ở tuổi 85 mới được nhận danh hiệu NSƯT, bà có bất ngờ?
Tôi bất ngờ lắm! Thú thật, tôi từng nghĩ mình sẽ không thể được. Đến khi mọi người xem tivi bảo tôi: “Bà ơi, bà được phong NSƯT, em trai bà, ông Lê Chức được phong NSND”, tôi vẫn bán tín bán nghi. Tới lúc Hội Nghệ sĩ mời lên gặp gỡ, tôi mới tin đây là sự thực.
Hai chị em tôi tay bắt mặt mừng, hạnh phúc và sung sướng tại buổi gặp gỡ của Hội Nghệ sĩ. Gia đình nghệ sĩ mà, được công nhận tôi vui lắm. Có lẽ tôi được Trời thương nên về cuối đời có nhiều điều mãn nguyện.
Nghệ sĩ Lê Mai trong ngôi nhà của bà tại phố Phan Đình Phùng.
- Trước khi có cuộc sống bình yên như hiện tại, bà đã trải qua không ít sóng gió. Những ngày tháng đó, bà làm thế nào để trải qua?
Khó khăn nhất là thời kỳ có mang con gái đầu Lê Vân mà tôi lại phải nghỉ việc ở Đoàn kịch Trung ương. Tôi có người bạn làm ở chợ Đồng Xuân nên có thể nhận hàng về may vá rồi hàng tuần mang ra cho cô ấy bán. Khi ấy, máy móc trong nước còn hiếm hoi lắm. Một người bạn ở Bungari mua cho tôi cái đầu máy khâu, rồi nhờ người xách tay mang về. Tôi lo tiền mua cái chân máy, đặt trên gác ngồi may vá. May được mấy hôm, hàng xóm kêu vì tiếng máy quá ồn, tôi mang xuống cái bếp chỉ vỏn vẹn 6 mét vuông ngồi làm. Ở đó thấp, nóng, tôi cứ lấy khăn mặt ướt trùm lên đầu, vừa lau mồ hôi vừa may vá.
May xong tôi ôm bọc hàng ra chợ Đồng Xuân giao cho bạn. Có lần trên đường đi, tôi bị phòng thuế giữ lại. Khi họ hỏi giấy phép kinh doanh, tôi luống cuống rút tờ giấy trong túi ra. Đọc xong, họ phá lên cười: “Đây là giấy mời bà đi đóng phim chứ ạ”. Thấy mình là nghệ sĩ, họ cho đi và không hỏi han nhiều nữa.
Nghệ sĩ Lê Mai cùng ba người con gái nổi tiếng: Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi.
- Đến khi nào bà bắt đầu biết tới phim ảnh?
Đó là năm 1980, khi đạo diễn Hà Văn Trọng bắt tay vào làm phim Đứa con người hàng xóm, mời tôi tham gia. Lúc đó, tôi chưa biết gì về phim ảnh, cứ nghĩ mình bé quá, có 34 kg, liền lấy áo len mặc độn vào bên trong, áo cánh mặc bên ngoài. Đến nơi, anh Trọng bảo tôi: “Trời ơi! Thế gian này có bao nhiêu người béo, tôi mời chính vì cô gầy đấy chứ”.
Sau đó, tôi được mời tham gia nhiều phim khác. Thời ấy, nghệ sĩ được đưa cát-sê bao nhiêu thì cầm bấy nhiêu. Quan trọng là thấy mình trên tivi, vui lắm. Ngày ấy phim còn hiếm, mỗi lần tới giờ phim là cả xóm tập trung đến nhà tôi xem, không khác gì rạp chiếu bóng.
Nghệ sĩ Lê Mai lưu giữ nhiều bức ảnh, bài báo làm kỷ niệm.
- Trước khi đến với kịch nghệ và điện ảnh, bà từng là một diễn viên múa. Vì sao bà rời bỏ lĩnh vực này?
Năm tôi 17 tuổi, bố tôi - nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh - từ Hải Phòng lên Hà Nội. Ông bảo: “Con lên đây, bố đưa con đi thi tuyển vào đoàn văn công”. Tôi mừng lắm, liền sắp xếp đồ đạc lên đường. Tôi được tuyển ngay vì lúc đó ngoại hình cũng được.
Tôi tiếp thu nhanh, nhưng mặc cảm vì bị chút tật ở cánh tay từ khi còn bé. Do ngã từ sập gụ xuống, xương của tôi bị trồi ra chữa không lành, một phần hơi bị cong. Ban đầu múa dân tộc, tôi mặc áo dài, cánh tay được che đi nên không ai phát hiện. Tới một ngày, cả đoàn chuyển sang múa Chăm Pa, mặc trang phục gần như áo yếm. Tôi xấu hổ quá, lại còn trẻ con, viết mấy chữ để lại tập thể 66 Quán Sứ: “Em chào các chị em về”, rồi đón ô tô quay lại Hải Phòng.
- Cơ duyên nào khiến sau đó bà quay lại với nghệ thuật?
Tôi quay lại vào đúng thời điểm nhạc sĩ Trần Hoàn làm Giám đốc Sở Văn hóa Thành phố. Bác Hoàn rất yêu văn nghệ và tâm huyết trong việc dạy bảo văn công. Tôi được bác cho đi dạy múa hát. Một thời gian sau, bố gọi tôi lên Hà Nội lần hai, giúp tôi xin vào Đoàn kịch Trung ương, nhà viết kịch Học Phi khi đó làm trưởng đoàn.
Nhớ lại thời điểm đứng trên sân khấu kịch, tôi cũng là người may mắn. Tôi đã trải qua rất nhiều dạng vai khác nhau, ăn xin có, quý tộc có. Không ít lần, mẹ con tôi được đứng cùng nhau trên sân khấu. Trong nhà tôi còn lưu giữ rất nhiều bức ảnh kỷ niệm của những lần hóa thân vào vai diễn, tôi vẫn xem lại.
Nghệ sĩ Lê Mai thời trẻ.
- Tại đây, bà quen và kết hôn với cố NSND Trần Tiến. Đây là mối tình đầu của bà?
Đúng thế! Chuyện chúng tôi khi ấy lãng mạn và thú vị lắm. Tôi ở một tổ, ông ấy ở tổ khác, cách nhau bức tường, có cái cửa đi qua đi lại. Một hôm, khi tôi đang dựa vào cửa, bỗng thấy lạch cạch ở sau lưng. Tôi quay lại và thấy một cọng rơm đưa tới phía mình. Tôi rút cọng rơm, ông ấy viết trên đó: “Anh yêu em”.
Những ngày sau, chúng tôi đi chơi với nhau rồi yêu thương, gắn bó. Tôi đồng ý ông ấy cũng nhanh bởi ông Tiến chỉ hơn tôi một tuổi, điển trai, lại là thanh niên Hà Nội gốc, văn minh, nho nhã.
Nghệ sĩ Lê Mai và cố NSND Trần Tiến khi còn gắn bó.
- Thời điểm ly hôn với ông, bà có buồn bã, suy sụp?
Tôi không bị như vậy. Đàn bà tuổi Hổ thường mạnh mẽ, cứng cỏi trước những biến cố. Ông Tiến là người đòi ly hôn, nhưng khi đưa đơn tôi ký xong thì ông cũng quên. Khoảng 3, 4 tháng sau, khi dọn nhà, tôi bỗng thấy tờ đơn rơi xuống trước mặt. Tôi liền đem nộp ra tòa. Nhận kết quả ly hôn, ông ấy rất bất ngờ.
Sau khi chia tay ông Tiến, cũng có nhiều người ngỏ ý với tôi nhưng thương các con, tôi đều từ chối. Nói chung, mọi chuyện cũng đã qua rồi. Ngày ông mất, tôi cùng các con tiễn ông đoạn đường cuối trọn nghĩa tình.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!