Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NSND Trần Hạnh: 'Mắt phải của tôi hỏng hoàn toàn, mắt trái không nhìn rõ'

NSND Trần Hạnh cho hay, bước sang tuổi 90 mắt phải của ông bị hỏng hoàn toàn, mắt trái không còn nhìn thấy rõ.

Ở tuổi xưa nay hiếm, NSND Trần Hạnh vẫn giữ được sự tỉnh táo. Thỉnh thoảng, ông vẫn nhờ con dâu đưa ra chỗ cửa hàng ở gần Ga Hà Nội để gặp gỡ mọi người, thư giãn đầu óc.

Ông luôn giữ được sự vui vẻ, lạc quan khi trò chuyện. Có người vì lo cho sức khỏe của ông, đề nghị ông ngồi vào phía trong cửa hàng cho thoáng mát, ông chỉ cười bảo: "Làm diễn viên mà còn sợ nắng nóng sao? Ngày xưa tôi đi làm phim còn cực hơn nhiều". Dường như trong những câu nói của ông, vẫn luôn ẩn chứa sự tự hào, kiêu hãnh về nghề diễn.

Video: NSND Trần Hạnh chia sẻ về việc mắt phải bị hỏng, mắt trái bị mờ

- Thời gian gần đây, vì lý do gì khán giả không còn được thường xuyên xem những vai diễn của ông trên màn ảnh nhỏ?

Tôi cũng bước sang tuổi 90 rồi, nếu tính cả tuổi mụ là 91 đấy. Đến cỗ máy nếu hoạt động lâu quá còn hỏng huống chi là con người. Hiện tại, tôi đang gặp một số vấn đề về mắt. Cách đây 10 năm, tôi mổ thay thủy tinh thể. Mấy năm đầu, mắt tôi rất tốt. Tôi còn đọc được báo Nhân Dân mỗi ngày.

Khoảng 2 năm trở lại đây, hai mắt tôi cứ mờ dần. Sáng nay tôi đi khám, bác sĩ kết luận, mắt bên phải hỏng hoàn toàn, mắt bên trái cũng chỉ còn nhìn được lờ mờ, cũng sắp hỏng rồi.

Tuy vậy, sức khỏe tôi vẫn ổn. Tôi vẫn sống vui vẻ với con cháu. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn ngâm thơ. Tôi rất thích một số câu thơ của nhân vật Nguyễn Trãi mà tôi từng đảm nhận trong trong vở Lam Sơn tụ nghĩa: "Mười năm biền biệt chẳng khi về/Gần trong gang tấc xa vạn dặm/Thân ở kinh kỳ, tấm ở quê".

Vai Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa là vai dài đầu tiên mà tôi đảm nhận trên sân khấu kịch. Khi vào vai đó tôi 28 tuổi, bằng đúng tuổi của ông Nguyễn Trãi trong khoảng thời gian mà vở diễn đề cập tới. Đây cũng là vai diễn mà tôi ưng ý nhất trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật. 

Tôi không thích nói về cuộc sống riêng, cũng không thích nói về bệnh tật. Khi nói về những vai diễn tôi cảm thấy vui hơn rất nhiều.

- Vậy ông có thể chia sẻ về những vai diễn gần đây nhất của ông? 

Cách đây mấy năm, tôi có tham gia một vai trong phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng. Vai của tôi cũng thường thôi, không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian quay phim đó khiến tôi có rất nhiều trăn trở. 

Những cảnh quay của tôi được thực hiện ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ở đó, tôi gặp rất nhiều cháu nhỏ đang điều trị bệnh. Có những cháu chỉ 2 - 3 tuổi. Đầu đứa nào cũng trọc lóc vì phải điều trị hóa chất, tóc rụng hết, không mọc được, thương lắm. Sau đó tôi còn tham gia thêm phim truyền hình nhiều tập Bão qua làng.  

Tôi yêu nghề diễn vì được hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đây là những cái mà không nghề nghiệp nào có được.

- Yêu nghề diễn là vậy nhưng trong suốt mấy chục năm làm nghề, có khi nào ông thoáng có suy nghĩ từ bỏ nó?

Đi đóng phim vất vả lắm, nhất là cách đây mấy chục năm, mọi điều kiện còn thiếu thốn. Nhiều lúc cực quá tôi phải kêu trời. Có những đợt quay phim trời giá lạnh, nhưng tôi vẫn phải nhảy ụp xuống ao. Trên bờ chỉ có một nồi nước đun sẵn để giúp tôi lấy lại sức lực.

Thời tôi còn là diễn viên sân khấu, nghệ sĩ được coi trọng lắm nhưng tiền thì không được bao nhiêu đâu. Tôi nhớ, khi đó lương của tôi chỉ có 40 đồng, đấy là lương bậc 2 đấy, oai lắm nhưng cũng không đủ để nuôi vợ con. Bà nhà tôi cũng phải chạy ngược xuôi hỗ trợ tôi nuôi 3 con khôn lớn. 

Vợ tôi cũng nhiều lần khuyên: "Anh xem thế nào, kiếm cái nghề khác để cho đỡ khổ". Nghe vợ nói, tôi chỉ ừ thôi, không cãi lại nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.

Tôi là người hiền. Đồng nghiệp của tôi có người cố len chân lên làm quản lý, tôi thì lại không thích bon chen, chỉ muốn được làm nghề.

Diễn viên Trần Hạnh có tên trong danh sách những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND lần thứ 9. (Ảnh: Hữu Dánh).

- Ông đóng kịch trên sân khấu và đóng cả phim. Thực lòng, ông thích lĩnh vực nào hơn?

Tôi thích đứng trên sân khấu hơn. Với tôi, đó chính là thánh đường nghệ thuật. Khi đứng trên sân khấu, người diễn viên phải làm hết sức để hoàn thành vai diễn. Họ không được phép mắc sai lầm, không thể cười trừ xin lỗi rồi được làm lại như khi đóng phim. Trên sân khấu người diễn viên được thỏa sức sáng tạo, được sống với cảm xúc của nhân vật.

 
Nếu thời gian có quay trở lại, tôi vẫn chọn làm diễn viên sân khấu.

NSND Trần Hạnh

Nếu thời gian có quay trở lại, tôi vẫn chọn làm diễn viên sân khấu. Đó là nghề giúp tôi nhìn được nhiều mặt của một con người, sống trong nhiều số phận, cảm xúc khác nhau.

- Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất khi còn là diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội?

Khi còn là diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi cũng thường đi lưu diễn. Tôi còn nhớ, có lần cả đoàn diễn ở vùng ngoại thành Hà Nội, kho xăng bên cạnh bị địch thả bom trúng và bốc cháy. Chúng tôi nằm cách đó chỉ một con đê, lửa cháy ngụt ngụt khiến ai cũng lo lắng.

Sáng hôm sau, diễn viên chúng tôi được huy động giúp lực lượng dân quân chuyển những đồ còn lại từ kho xăng ra.

Hay có khi đi lưu diễn ở Quảng Bình trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, chúng tôi phải dựng tạm sân khấu, rồi khởi động ô tô, chiếu thẳng đèn lên sân khấu tạo thành ánh sáng. Lúc đó làm gì có míc, chúng tôi phải cố gắng nói thật to để át đi tiếng động cơ của ô tô và để khán giả phía dưới có thể nghe thấy.

Quãng thời gian đó chúng tôi vất vả thật nhưng rất vui, vui vì được sống với các vai diễn, với đam mê của bản thân đồng thời cũng làm việc có ích cho đất nước.

NSND Trần Hạnh đã bước sang tuổi 90.

- Gắn bó với nghệ thuật và có nhiều vai diễn ấn tương nhưng ông nghĩ sao khi bước sang tuổi 90, ông mới được phong tặng danh hiệu NSND?

Trước đây người ta chưa nghĩ tới và vô tình bỏ qua tôi. Người ta không ác ý thì sao mình phải trách. Giờ tôi được phong tặng chứng tỏ Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm tới tôi, vẫn ghi nhận những đóng góp của tôi cho nghệ thuật. Thế là tôi hạnh phúc lắm rồi.

Tôi đã nhận được giấy mời tới tham dự buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hôm đó, dù có mắt mờ chân chậm, tôi cũng sẽ tới. Danh hiệu NSND không phải là mục đích của tôi khi làm nghề nhưng tôi thấy hạnh phúc và tự hào khi những nỗ lực của mình được ghi nhận.

Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Thu Giang, Video: Hữu Dánh

Tin mới