Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NSND Tạ Minh Tâm từng sợ không lấy được bà xã

(VTC News) -

Hồi mới quen bà xã Bạch Vân, NSND Tạ Minh Tâm hay lo sợ được mất vì bạn gái quá xinh đẹp và được nhiều người theo đuổi.

Thời còn là sinh viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, NSND Tạ Minh Tâm thường được nhận xét là anh chàng đẹp trai, tài giỏi, hào hoa, mỗi lần ra đường đều có người hâm mộ theo đuổi. Thế nhưng ít ai biết rằng chính nam nghệ sĩ mới là người lo mất bạn gái vì "nửa kia" của ông - nghệ sĩ Bạch Vân - rất xinh đẹp và là diễn viên kịch nói đầy triển vọng.

“Tôi và vợ quen nhau lúc còn là sinh viên, đạp xe cọc cạch cùng nhau đi ăn chè, ăn kem. Cô học sân khấu còn tôi học âm nhạc, cả hai ở cùng ký túc xá. Chúng tôi đồng hành với nhau từ thuở cơ hàn và đến nay đã 40 năm rồi, chặng đường dài gần bằng con đường ca hát của tôi. Cho nên cô ấy là một phần không thể thiếu được đối với cuộc đời tôi”, nghệ sĩ Tạ Minh Tâm bộc bạch trong chương trình Lời tự sự.

Nói về thời gian đầu kết hôn, NSND Tạ Minh Tâm cho biết chính bà xã Bạch Vân chọn lui về phía sau làm hậu phương vững chắc để ông tiếp tục ca hát, hoạt động nghệ thuật. Lựa chọn này một phần là vợ tự nguyện, một phần là do hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn. Những năm 1980, hai vợ chồng chung nhau một chiếc xe đạp, chồng hát, vợ diễn kịch. Mỗi lần nghệ sĩ liên hệ show diễn là phải gặp trực tiếp chứ không có điện thoại di động để gọi như bây giờ, nên buộc phải có một người ở nhà chăm sóc gia đình và lo cho con cái.

Giọng ca gốc Long Xuyên luôn cảm kích trước hy sinh lớn lao của vợ cho gia đình: “Lúc đó chúng tôi có một cháu gái rồi nên rất khó khăn. Lúc sắm được mỗi người một chiếc xe máy thì cô ‘mất lửa’, cũng không còn nhiệt tình với nghề nghiệp mà cảm thấy công việc chăm sóc chồng để đi ‘chiến đấu’ như thế là niềm hạnh phúc. Sự nghiệp biểu diễn của vợ tôi là một nỗi niềm, là một sự hy sinh rất lớn để gia đình tôi, bản thân tôi có được ngày hôm nay”.

Gia đình NSND Tạ Minh Tâm

Ngược về quá khứ, trước khi gặt hái thành công trên con đường nghệ thuật và được công chúng cả nước mến mộ, NSND Tạ Minh Tâm cũng đã trải qua những khó khăn thử thách. Nghệ sĩ kể, ngày trước ông không  ước mơ trở thành ca sĩ, nhưng kể từ khi đất nước phát triển phong trào ca hát cho học sinh, sinh viên sau 1975, ông có dịp tìm hiểu, tự học âm nhạc, tập ca hát. Năm 1977, hội diễn ca múa nhạc không chuyên toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở TP.HCM, ông được Ban Văn nghệ tỉnh An Giang chọn đi tham dự và đoạt Huy chương Vàng. Đó là sự khích lệ to lớn khiến ông tìm hiểu sâu về việc học tập để trở thành ca sĩ.

NSND Tạ Minh Tâm gọi hành trình từ tỉnh lẻ lên TP.HCM học trường quốc gia về âm nhạc là cuộc du học dữ dội: “Từ một người không hiểu biết nhiều về âm nhạc, khi tiếp cận với môi trường đào tạo ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh thời bấy giờ, tôi ít nhiều bị sốc. Giai đoạn đầu, tôi không hình dung được mình phải học cái gì, xướng âm là gì, piano là gì. Cây đàn piano tôi chỉ nhìn thấy trên hình thôi lại khó đến thế đối với bàn tay vụng về của mình. Rồi những môn lý thuyết âm nhạc khác, tôi không hiểu nó có liên quan gì đến việc biểu diễn hay không. Mãi một thời gian, nhận thức cũng như trình độ chuyên môn của mình ngày càng tiến bộ lên thì lúc đấy mọi chuyện vỡ lẽ, mới thấy dễ dàng.

Từ năm 1977 bắt đầu trung cấp, tôi học liên tục đến năm 1986 mới tốt nghiệp nhạc viện và sau đó học tiếp cao học. Năm 1995 mới có khóa học cao học âm nhạc đầu tiên tại nhạc viện, chương trình cơ bản là 2 năm, có thể kéo dài đến 4 năm tùy theo sự nỗ lực của học viên. Tôi đã hoàn thành chương trình đó trong chưa tới 2 năm”.

Tạ Minh Tâm nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.

Được đào tạo về kỹ thuật hát cổ điển nhưng NSND Tạ Minh Tâm lại ghi dấu ấn với những ca khúc cách mạng. Nam nghệ sĩ tự hào rằng dòng nhạc cách mạng đã trao cho ông sứ mệnh lột tả chiều sâu cảm xúc của nó để truyền tải đến thế hệ trẻ trong thời đại mới.

Một trong những ca khúc cách mạng gắn liền với tên tuổi NSND Tạ Minh Tâm là Đất nước trọn niềm vui - tác phẩm mang đến cho ông Huy chương Vàng hội diễn văn nghệ quần chúng năm 1977. Ông hát bài này lần đầu tiên vào năm 1976, người đầu tiên nghe ông hát cũng là thầy giáo của ông sau này - NSND Trung Kiên. Thời 15-16 tuổi, ông đã tập hát Đất nước trọn niềm vui và đồng hành với ca khúc đến bây giờ.

Tuy nhiên, lần biểu diễn khó quên nhất đối với ông trong mấy chục năm đi hát chính là lần tình cờ gặp được tác giả, nhạc sĩ Hoàng Hà, trong một buổi diễn tại Vũng Tàu khoảng 10 năm trước. Ông hạnh phúc khi được bậc tiền bối mình ngưỡng mộ bấy lâu nhận xét: “Bài hát là tâm đắc làm nên tên tuổi của chú rồi, rất nhiều người hát hay từ thời chú sáng tác cho tới bây giờ, nhưng từ khi Tạ Minh Tâm hát thì chú thấy hình như chú sáng tác bài này dành riêng cho Tạ Minh Tâm".

"Đó là lời khen khiến tôi cảm thấy không có niềm hạnh phúc nào hơn” – nghệ sĩ Minh Tâm tự hào nói.

Hiện tại ở tuổi 62, NSND Tạ Minh Tâm vẫn cháy hết mình với âm nhạc, với nghệ thuật: “Có những chương trình tôi cũng mạnh dạn xin phép từ chối vì không phù hợp chứ không phải tôi muốn rút lui. Tôi chưa bao giờ muốn rút lui cả mặc dù tôi nghĩ theo tuổi tác thì mình đã làm xong nhiệm vụ rồi đó, bây giờ mình có thể vui vẻ hưởng thành quả một cách âm thầm ở nhà được rồi. Nhưng thực sự khi cuộc đời còn trao sứ mệnh, còn tin tưởng, còn tạo điều kiện thì chắc không ai nỡ làm điều đó. Tâm sẽ hát đến khi nào không nói nổi nữa!”.

Ngoài ca hát, NSND Tạ Minh Tâm còn là thầy giáo truyền lửa âm nhạc được các học trò ngưỡng mộ. 20 năm đứng trên bục giảng, NSND Tạ Minh Tâm góp phần bồi đắp tình yêu âm nhạc cho nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay.

NSND Tạ Minh Tâm cũng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật cổ vũ tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM thời gian qua. Đối với ông, hát ở bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.

Thu Trần

Tin mới