"Nhiều năm qua, sức khỏe ba tôi đã yếu. Ông bị nhiều bệnh nền như tim, huyết áp cao, thận. Gia đình và các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng tuổi cao, sức yếu, ba tôi đã không qua khỏi. Ở bên cạnh ba nhiều năm qua, nhìn ông ra đi, tôi xót xa vô cùng. Tôi cảm thấy hụt hẫng, mất mát quá lớn", Lý Hùng nói trong nước mắt.
Nam diễn viên cho biết thêm, ba anh từng phải nhập viện cấp cứu nhiều lần. Niềm an ủi của ba anh lúc qua đời là được gặp mặt đông đủ các con cháu. "Mẹ con Lý Hương đã về nước. Niềm mong mỏi lớn của ba gặp cháu ngoại đã thực hiện được", anh nói.
Trước khi làm phim, Lý Huỳnh là võ sư nổi tiếng.
Tang lễ của NSND Lý Huỳnh được diễn ra tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Ngày 24/10, linh cữu ông sẽ được đưa đi an táng tại Phúc An Viên, quận 9.
NSND Lý Huỳnh có sáu người con, trong đó Lý Hùng và Lý Hương nối nghiệp cha, tham gia nghệ thuật. Những năm qua, dù tuổi cao, đi lại khó khăn, ông vẫn cùng gia đình chăm chỉ làm từ thiện.
NSND Lý Huỳnh từng được đánh giá là một trong bốn ngôi sao võ thuật của miền Nam trước năm 1975. Ông là võ sư chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền, nổi tiếng với chiêu liên hoàn bát cước.
Từ năm 1972, ông chuyển sang đóng phim và làm nhà sản xuất. Ông là người đầu tiên đưa võ thuật vào phim ảnh Việt. Những bộ phim mang đậm dấu ấn của NSND Lý Huỳnh như Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709....
Thập niên 1990, ông tiên phong trong vai trò sản xuất, tự bỏ vốn làm phim và hợp tác với Hong Kong trong các phim Kế hoạch 99, Hồng hải tặc… Bộ phim cuối cùng ông tham gia với vai trò đạo diễn là Tây Sơn hào kiệt. Năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.