Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NSND Khải Hưng và những chuyện chưa kể về ‘Mẹ chồng tôi’

(VTC News) - NSND Khải Hưng và những chuyện chưa kể về quá trình làm phim ‘Mẹ chồng tôi’.

Gặp NSND Khải Hưng chẳng dễ, bởi vốn dĩ ông không thích gặp những kẻ ‘múa bút’ tào lao, nhưng người nào đã cùng làm việc, được ông ghé tai mà nói, mày là đứa làm nghề tử tế, thì kiểu gì cũng được nghe ông trút bầu tâm sự bằng hết, chân thành mà thực lòng đến độ.

NSND Khải Hưng miệt mài với công việc

Người ta vẫn nhắc đến đạo diễn Khải Hưng đi kèm danh xưng trọng vọng và cao quý: NSND, cùng hàng loạt những tác phẩm nghệ thuật gây tiếng vang như Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông, seri chương trình Gặp nhau cuối tuầnGặp nhau cuối năm cực kì ăn khách…

Mang những điều ấy đến gặp ông, nghe xong, ông chỉ tay lên một dãy những Bông sen vàng, Cánh diều vàng, kỷ niệm chương của hàng chục giải thưởng lớn nhỏ rồi bật cười: Kỷ niệm cả đấy, xếp gọn gàng trong ngăn ký ức rồi.

Rồi ông nói: Quan niệm của tôi đến ngày hôm nay là tôi làm cho vui. Chỗ nào vui, thích tôi thì tôi sẽ làm, ngược lại nếu đề tài đó tôi thích tôi sẽ làm. Mục đích cuối cùng có thể vẫn là thù lao, nhưng cái thù lao đứng thứ ba chứ không phải là mục tiêu thứ nhất.

Có lẽ, từ cái quan niệm giản dị mà thiết tha với nghề đó, mà tên tuổi ông đi vào lòng bao thế hệ khán giả, với những tác phẩm để đời…

- Còn nhớ, vào năm 1985, khi số nhà có tivi ở thành phố mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, văn hóa xem phim ngoài rạp còn là thứ xa xỉ hiếm hoi thì đạo diễn Khải Hưng đã bấm máy bộ phim video đầu tiên của Trung tâm Nghe nhìn - Đài truyền hình VN mang tên ‘Người thành Phố ?

Đó là thời kỳ bắt đầu thành lập trường Sân khấu điện ảnh, mà tôi lại lớp sinh viên khóa đầu tiên. Khi mới ra trường, có bao nhiêu nhiệt huyết sục sôi tôi ‘dũng cảm’ dành cả cho bộ phim Người thành Phố .

Khi ấy tôi chẳng phân biệt đâu là truyền hình, đâu là điện ảnh, vì tôi học đạo diễn phim truyện. Có mỗi cái máy quay, tự tìm tòi, mày mò, cuối cùng cũng cho ra đời bộ phim bằng chất liệu video chiếu trên truyền hình.

Thế mà hình thành nên xu hướng mới, làm phim xi nê bằng chất liệu khác chiếu trên truyền hình, vẫn sự đầu tư kỹ lưỡng, công phu và mất sức chau chuốt cho nội dung, nhưng kinh phí rẻ hơn hẳn.

- Sau thời kỳ trải nghiệm đó, ông bắt tay vào sản xuất bộ phim nổi tiếng ‘Mẹ chồng tôi’?

Sau thời kì trải nghiệm của phim truyền hình, năm 1994 tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam có đề nghị tôi làm chương trình Văn nghệ chủ nhật, trong đó có tiết mục phim truyền hình.

Lúc đó tôi lại vừa thực hiện xong bộ phim Mẹ chồng tôi, thực ra nó chỉ là một tập kéo dài, nhưng để phù hợp với thời lượng của chương trình nên tôi cắt đôi ra thành hai tập.

Bộ phim được tôi chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn khá đơn giản và gọn gàng trên một số báo cuối tuần. Câu chuyện nói về anh bộ đội lên đường ra mặt trận, còn cô vợ đang thì xuân sắc ở nhà với mẹ chồng.

Thế nhưng người vợ ở nhà đem lòng yêu anh làm phát thanh ở xã, rồi hai người có con với nhau. Bà mẹ chồng sau khi biết chuyện, đã khuyên giải, tha thứ và rộng lòng. Còn anh làm phát thanh sau này đi bộ đội và hy sinh ngoài mặt trận.

Cuối cùng, hai người đàn bà nuôi dưỡng đứa trẻ lớn lên.
 Một câu chuyện rất nhân hậu, đầy tính nhăn văn, nhưng khi tôi mang kịch bản tới đã không được duyệt vì thời ấy nhiều người nghĩ rằng như thế là động chạm đến những vấn đề nhạy cảm.

Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, nội dung tác phẩm hoàn toàn trong sạch và có tính tư tưởng, nên tôi mang kịch bản đến tận Ban Văn hóa tư tưởng để đề nghị. Các anh trên Ban Văn hóa tư tưởng đọc xong đã phê vào kịch bản là ‘tốt’, vậy là tôi bắt tay ngay vào sản xuất.

Vừa sản xuất xong thì chương trình Văn nghệ chủ nhật ra đời, nên tôi đưa ngay vào mà không ngờ nó được đón nhận rất mạnh.

- Lý do nào khiến ‘Mẹ chồng tôi’ nổi lên ở thời kỳ đó như một hiện tượng?

Ngoài nội dung rất dung dị, nhân văn, có thể cũng nhờ một phần may mắn.

Bởi vào năm 1994, sau một vài năm làm mưa làm gió trên thị trường, dòng phim ‘mì ăn liền’ mất dần vị trí. Đúng lúc đó ‘Mẹ chồng tôi’ – một bộ phim hoàn toàn khác với những thể loại tình cảm ủy mị sướt mướt ra đời, nó khắc họa lại cuộc sống thường nhật chân thực ngoài đời, nên rất được đón nhận.

Sau thành công đó, người ta mới tấp nập sản xuất phim truyền hình, guồng máy của cả hệ thống điện ảnh bắt đầu chạy.

- Mỗi khi nhắc lại bộ phim ‘Mẹ chồng tôi’, điều gì làm ông nhớ nhất?

Tôi còn nhớ rõ lắm, hình ảnh của hai người nghệ sỹ đã khuất núi, đó là bà Thu An và ông Văn Hiệp.

Vai diễn người mẹ chồng trong bộ phim dường như sinh ra là để dành cho bà Thu An. Gương mặt phúc hậu, lối diễn tự nhiên như không diễn đã khiến hình ảnh bà gắn liền với tên tuổi của ‘Mẹ chồng tôi’.

Đó cũng là lần đầu tiên ông Văn Hiệp vào vai một trưởng thôn, tay luôn cầm theo cái điếu cày.
Diễn xuất rất tự nhiên và có hồn của ông đã khiến tất cả những tiểu phẩm hài sau này tôi viết đều gọi ông bằng cái tên ‘trưởng thôn’ Văn Hiệp.
Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn là bác trưởng thôn đáng mến trong lòng khán giả.
Mẹ chồng tôi cũng là bộ phim được thực hiện hết sức gian khổ. Tôi còn nhớ những phương tiện cũ rích, lạc hậu đều được trưng dụng.
Đến nỗi cái bàn trượt để di chuyển máy quay cũng phải dùng bằng cái cân khiêng lợn, do tôi cùng ba người nữa trực tiếp khiêng ông quay phim di chuyển theo từng góc quay.

Rồi một cảnh rất trữ tình giữa Chiều Xuân và Trần Lực diễn ra trong một đêm mưa, mà máy phun nước không có, giữa đồng không mông quạnh. Ông họa sỹ phải đi mượn 4 cái bình ô zoa của nông dân, hai ông trèo lên tưới đến khi cảnh quay hoàn thành.

Mặc dù quay ngay quá Đông Anh (Hà Nội) một chút, nhưng phương tiện đi về không có, nên những ngày cuối cùng, khi tiền bắt đầu cạn cả ê kíp phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm. Đến giờ tôi vẫn không quên được những kỷ niệm đó.

Các diễn viên khi ấy, không ai quản ngại khó khăn gian khổ, mặc dù thù lao ít ỏi chẳng đáng là bao. Đến cao giá như Trần Lực mà gọi điện mời đi đóng phim cũng sẵn sàng đi ngay.

- Sau ‘Văn nghệ chủ nhật’, lý do nào khiến ông nảy ra ý tưởng thực hiện seri ‘Gặp nhau cuối tuần’ cực kì ăn khách lúc bấy giờ?

Đó là vào năm 1998, khi tôi đang làm giám đốc trung tâm sản xuất phim VFC. Trên đường đi làm, tôi có bắt gặp chiếc băng rôn treo trên phố Cửa Nam, với lời giới thiệu ‘Nam Bắc gặp nhau để cùng cười’, gồm những danh hài như Hồng Vân, Xuân Hinh, Minh Nhí…

Tôi nảy ngay ra ý tưởng, tại sao mình lại không làm chương trình này nhỉ, vậy là ngay trong ngày hôm đó, đề cương ra đời và được duyệt kèm lời hẹn hò sẽ lên sóng ngay. Tôi có một tháng để chuẩn bị.

Tôi chịu trách nhiệm về nội dung của chương trình và tôi trực tiếp làm đạo diễn các tiểu phẩm hài , dễ thường có tới  600, 700 tập phát sóng.
 - Làm sao để duy trì một chương trình dài hơi như vậy trên sóng truyền hình mà không bị ‘cạn vốn’ tư duy hài hước?

Thật ra, những tiểu phẩm hài mà chúng ta phát trên truyền hình, lấy chất liệu từ những tin tức thời sự báo chí diễn ra hàng ngày. Điều quan trọng là cách thức hài hước hóa những sự kiện thời sự để đưa vào hài kịch.

Ngoài ra, tôi còn dựa vào lực lượng cộng tác viên, để có thêm những góc nhìn mới mẻ.

- Có thể nói, hàng loạt tên tuổi danh hài bắt đầu được khán giả nhớ mặt thuộc tên bắt đầu từ thời kỳ đó, khâu ‘chọn mặt gửi vàng’ diễn ra như thế nào?

Thật ra mà nói, chương trình cũng ăn may nhiều, ở chỗ, nhiều diễn viên chưa chắc đã là diễn viên hài nhưng khi thử sức với chương trình, chất hài hước được bộc lộ..

Trước đó tôi làm Thư giãn đã có sẵn một số gương mặt như anh Phạm Bằng, chị Minh Vượng, anh Văn Hiệp …Thế nên khi làm Gặp nhau cuối tuần tôi chọn những gương mặt ấy và quy tụ thêm nhiều nghệ sỹ khác.

Ví dụ ông Phạm Bằng già thì phải có người trẻ, tôi chọn Quốc Khánh vào vai nhân viên.

Thế rồi, đàn ông phải có đàn bà mới có chuyện ghen nhau. Tôi chọn Vân Dung, Hương tươi…

Rồi mảng nông dân, tôi thấy gương mặt rất ‘nghệt’ là anh Quang Tèo. Anh Quang Tèo lại hay kết đôi với anh Giang Còi, thế là hai người đó tham gia

Anh Quang Thắng thì gặp gỡ do tình cơ và duyên số. Hôm đó cậu chàng đang ‘lớ ngớ’ đi xem lồng tiếng ở VFC. Khi gặp Quang Thắng tôi nhớ có lần gặp cậu này ở đoàn kịch Hải Phòng, ấn tượng bởi gương mặt khá ‘dị’, gọi vào nói chuyện thì cậu nói ‘cứ để cháu thử’. Lối diễn khá có duyên đã khiến thương hiệu Thắng Vẹo ra đời.

Rồi đến thế hệ sau Vượng Râu, Hiệp Gà, Thắng Ngao, Thành trung ….hàng loạt tên tuổi danh hài ra đời từ đó.

Phải nói họ rất có tình, ngay cả khi tôi về hưu rồi, làm cho đơn vị nọ đơn vị kia cho vui, khi cần - gọi các anh ấy, dù các anh ấy ở bất cứ đâu. Đó cũng là niềm an ủi của người đã rời khỏi chiến trường.

Kỳ 2: NSND Khải Hưng tiết lộ lý do ngừng phát sóng Gặp nhau cuối tuần

Nguồn:

Tin mới