Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

NSND Bạch Tuyết: Tôi thương các nghệ sĩ cải lương trẻ

"Tôi rất kính trọng những bạn trẻ ở thời đại này. Tôi có nhiều người bạn thân trẻ tuổi và thấy họ sống rất trách nhiệm" – NSND Bạch Tuyết nói.

Mới đây, tại chương trình Lần đầu tôi kể, NSND Bạch Tuyết đã tâm sự về chuyện cải lương với thế hệ trẻ hiện tại.

'Tôi rất kính trọng các bạn trẻ thời đại này'

Hiện nay, người ta hay nói có một bộ phận những người trẻ quay lưng lại với cải lương, với văn hóa dân tộc. Tôi cũng theo đuổi vấn đề này để tìm hiểu bản chất của sự việc là gì và tôi thấy không phải như thế.

Tôi rất kính trọng những bạn trẻ ở thời đại này. Tôi có nhiều người bạn thân trẻ tuổi và thấy họ sống rất trách nhiệm. Ở thời đại này, cuộc sống quá bận rộn, người ta phải chen chúc nhau để sống. Với một cuộc sống áp lực, chạy đua liên tục như vậy không thể đòi hỏi người trẻ phải thế này thế kia.

Hơn nữa, đã nhiều năm qua chúng ta chưa có được vở cải lương nào kinh điển, có trách nhiệm với thời đại, xã hội, với người trẻ để họ thấy được rằng họ cần phải đi coi.

Từ vài chục năm qua cho tới bây giờ, chúng ta còn lại bao nhiêu nhà hát cải lương?

Trước đây, cải lương có thương hiệu, do những bầu gánh tư nhân bỏ tiền ra làm. Của đau con xót nên họ phải làm chỉn chu. Họ phải đầu tư vào tác giả giỏi thì mới có được những vở cải lương hay. Tác giả ngày đó mỗi khi viết ra một vở cải lương sẽ được nhận 70% số tiền lời trong mỗi show diễn ra hàng đêm. Cứ mỗi khi viết ra được một vở cải lương hay, họ sẽ cất được một cái nhà lầu.

Nhờ đó chúng ta mới có vở cải lương hay, chuyên nghiệp, theo sát xã hội để khán giả có hứng thú đi xem, thấy được mình trong đó.

'Tôi rất thương nghệ sĩ cải lương trẻ'

Có những vở tuồng, bài vọng cổ được khán giả nhớ còn nhiều hơn người nghệ sĩ diễn nó vì nó quá hay, xuất sắc. Ví dụ như bài Phượng hoàng trong vở Nửa đời hương phấn. Bài này được viết phần nhạc trước khi có lời. Nếu không có phần âm nhạc cải lương trước khi viết lời thì làm sao có được những vở cải lương hay, thuyết phục khán giả như vậy.

Bầu gánh còn đầu tư để viết ra những bài vọng cổ hợp với giọng của từng nghệ sĩ và mỗi nghệ sĩ đều có cách hát riêng. Ví dụ, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu cứ hát ra là khiến khán giả phải nhớ.

Nghệ sĩ chúng tôi được đầu tư để có được những bài vọng cổ hợp với giọng từng người. Trên thế giới này không có giọng hát nào vào vai nào cũng hay, ca bài nào cũng xuất sắc.

Mỗi nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới này được khán giả nhớ đến qua vài bài thôi cũng là hạnh phúc rồi.

Vì thế, tác giả cải lương ngày đó phải nghe từng giọng nghệ sĩ để viết theo. Có người hát không dài, tác giả phải nương theo để viết bài ca vừa đủ. Có những người hơi rất dài, tác giả sẽ viết những bài vọng cổ dài bất tận.

Bây giờ không còn những vở cải lương hay nữa vì không còn các đoàn hát tư nhân chịu bỏ tiền, công sức đi tìm vở diễn hay, hợp thời đại, phản ánh đúng mối quan tâm của khán giả trẻ. Cái đó mới đúng như lời nghệ sĩ Năm Châu nói: "Nghệ thuật vị nhân sinh, nhờ khán giả mà nghệ thuật ra đời".

Tôi rất thương cho những nghệ sĩ cải lương trẻ ngày nay vì phải tự bơi. Thế hệ chúng tôi được bao bọc, được bầu gánh lo cho đầy đủ, được đặt cho những tác phẩm, vở diễn hay, phù hợp với giọng hát của mình. Các bạn trẻ bây giờ phải tự làm hết mọi thứ, tự bỏ tiền thuê tác giả, đạo diễn, sân khấu, phục trang…

Đó là cái không may của cải lương trong thời đại này. Nhận ra được điều đó rồi thì chúng ta hãy thương nhau, giúp nhau, nâng đỡ nhau, tha thứ nhau, đừng nói nặng lời, làm tổn thương nhau. Có như vậy, người trẻ mới không quay lưng lại với cải lương.

Nguồn: Tổ Quốc

Tin mới