Trong quá trình làm nghề, NSND Minh Vương có kỷ niệm sâu sắc với NSND Bạch Tuyết khi cả hai cùng tham gia vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu. Trong đó, NSND Minh Vương vào vai Võ Minh Luân, con trai của cô Lựu do NSND Bạch Tuyết đảm nhận.
Ông kể trong kịch bản có đoạn bà Hai Hương kêu con trai lại gặp ba - là nhân vật Võ Minh Thành. Nguyên tác, sau khi đứa con chạy lại thì nhân vật Võ Minh Thành sẽ vô câu vọng cổ nhưng NSND Minh Vương cảm giác chưa thỏa đáng. Từ đó, ông đề nghị viết thêm một lớp tâm lý cho nhân vật Võ Minh Luân và dùng bản Văn thiên tường với 3 tiếng “ba hỡi ba” mang đậm dấu ấn Minh Vương.
Ông lấy câu chuyện này để nhắn nhủ các thí sinh về sự chủ động, sáng tạo hợp lý trong nghệ thuật để tạo nên những mảng miếng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng vở diễn, lưu dấu ấn với khán giả.
NSND Minh Vương và NSND Bạch Tuyết trong vở "Đời cô Lựu".
NSND Bạch Tuyết tiết lộ dành nhiều tình cảm, sự trân trọng cho NSND Minh Vương khi cùng diễn vở Đời cô Lựu. Bà tự nhận là “fan ruột” của NSND Minh Vương trong tuồng này.
Nữ nghệ sĩ tâm sự: “Nghệ sĩ phải luôn sáng tạo và tưởng tượng. NSND Năm Châu từng nói nghệ sĩ diễn giả nhưng phải để khán giả tin vì những cái giả đó là thật ở ngoài đời. Như câu chuyện của NSND Minh Vương trong vở Đời cô Lựu, một đứa bé sau mười mấy năm không gặp cha thì không thể đứng thụ động để nghe người cha ca vọng cổ”.
NSND Bạch Tuyết nhấn mạnh thí sinh phải làm cho chữ nghĩa sống động qua lời ca, phát âm tròn vành rõ chữ, tạo được sự chú ý. “Khán giả ngồi xa nên nghệ sĩ phải ca cho họ hiểu mới cảm rồi thương được”, bà lý giải.
Trong tập này, nghệ sĩ Thanh Hằng cũng xúc động với tiết mục Cải lương và nỗi lòng người xa xứ của các thí sinh. Nội dung bài ca nói về nỗi nhớ quê hương của người xa xứ, trong đó có đề cập đến nghệ thuật cải lương như một nhịp cầu “nối đất quê hương”.
Nghệ sĩ Thanh Hằng tâm sự chị thấy xúc động vì từng xa xứ 15 năm. Chị kể: “Ngày xưa khi định cư ở Úc, đến những cửa hàng bán băng đĩa, nghe cải lương vang lên tôi không dám đến gần. Tôi vì gia đình nên phải nén lòng lại. Có những lúc đưa con đi học, tôi đậu xe ở công viên rồi lấy nhạc ra để ca theo những vai diễn ngày xưa.
Khi xem tiết mục này, tôi nhớ lại 2 câu vọng cổ NSND Viễn Châu từng viết tặng: “Loài chim nọ còn thương cành nhớ tổ, sao kẻ ly hương không nhớ cội thương nguồn”. Hai câu này giúp tôi bình tâm lại, biết rằng cải lương vẫn sống bên trong mình”.
Học viện cải lương được sáng lập bởi NSND - Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng “thầy đờn” - nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình để đào tạo, truyền nghề.
Chương trình gồm 12 tập, trong đó 3 tập đầu là vòng tuyển chọn các thí sinh. 8 tập sau đó là các thử thách để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho họ. Từ 50 thí sinh ban đầu, giám khảo chọn ra 25 bạn đi tiếp, sau đó loại dần còn một số thí sinh trước chung kết. Tập 12 khép lại chương trình, tìm ra ngôi vị quán quân.
Sau đó, nhà sản xuất có kế hoạch tổ chức gala, tạo môi trường để thí sinh, người chiến thắng có cơ hội biểu diễn trước công chúng trên sân khấu chuyên nghiệp.
Chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp.