Chiều 28/12, VKS Quân sự Trung ương công bố bản luận tội trong với 9 người kháng cáo trong vụ án liên quan cựu Tư lệnh Cảnh sát biển bảo kê xăng lậu.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh hầu tòa trong tâm thế "kêu oan" với cả hai tội danh, nhưng bất ngờ, trước phần xét hỏi sáng 27/12 đã thừa nhận tội danh "Nhận hối lộ", do đó chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, không kêu oan.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh tại tòa. (Ảnh: Trọng Đức).
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thế Anh lại khai mâu thuẫn, cho rằng tiền nhận của trùm xăng lậu là "quà bình thường", hơn nữa, không nhiều như mức mà tòa sơ thẩm cáo buộc (19,1 tỷ đồng).
VKS phân tích lời khai của bị cáo Nguyễn Văn An (em họ Thế Anh) khẳng định được Thế Anh giao đi nhận tổng 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng hối lộ do trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu đưa. Cơ quan điều tra có lời khai của An, Hữu và các cuộc gọi điện thoại giữa những người này làm bằng chứng.
Trong các lời tự khai, bị cáo An khai nhận số lần, địa điểm giao và số lần giao nhận tiền khớp với Hữu. Về lý do đưa số tiền lớn đến vậy, ông Hữu khai, Thế Anh yêu cầu đưa nhiều tiền để chi cho "sếp", do đó Hữu nhất trí.
VKS đánh giá bị cáo Thế Anh chỉ "thành khẩn một phần", ghi nhận trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã nộp khắc phục tổng 5,6 tỷ đồng nên đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ cho bị cáo tội danh nhận hối lộ, trước đó bị tuyên án chung thân.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: Trọng Đức).
Cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh xin HĐXX xét đến các yếu tố công lao lập được khi công tác: Triệt phá đường dây, thu giữ hàng trăm kg ma túy qua đường biển, chủ trì chuyên án chống ma túy xuyên quốc gia, 129 bằng khen "rất nhiều thành tích".
Bị cáo Thế Anh vẫn kêu oan tội danh còn lại - "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", song bị VKS đề nghị giữ nguyên mức án 2 năm tù. Bị cáo khẳng định không "cho tiền, xúi giục" bị cáo Nguyễn Văn An bỏ trốn để tránh truy tố. An cũng khẳng định tự sang Lào tìm việc, không liên quan đến Thế Anh.
Trong các bản khai, tự thú trước đó, An thừa nhận khi Thế Anh biết tin trùm xăng lậu bị bắt, đã đưa cho An 50 triệu đồng, dặn sang nước nào đó "lánh tạm một thời gian".