Ngày 27/9, tại Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh là việc "không mất đồng tiền nào nhưng vô cùng cần thiết".
Theo ông Lực, thời gian qua chúng ta đã làm tốt nhưng có một số phát sinh mới gây khó cho doanh nghiệp, như đề xuất áp giá sàn vé máy bay. "Đề xuất nhận nhiều ý kiến không đồng thuận vì cho rằng vi phạm luật giá cả, luật doanh nghiệp Nhà nước vừa thông qua năm ngoái là bình đẳng các khối doanh nghiệp với nhau", ông Lực nói.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, quan điểm áp giá vé máy bay là không công bằng.
“Hãng 3 sao phải bán giá như 5 sao, vậy thì ai mua hãng 3 sao? Áp như vậy là giết chết hãng hàng không. Chính sách khi ban hành phải công bằng, tạo ra bình đẳng chứ không tạo ra bất hợp lý”, ông Dũng nêu quan điểm.
Lý giải về vấn đề này tại tọa đàm, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho rằng về bản chất, hiện tất cả các hãng hàng không đều đang không bay được. Toàn bộ các hãng bay của Việt Nam hiện có khoảng 250 máy bay thì đang đậu ở tất cả các sân bay, thậm chí nhiều máy bay không có chỗ đậu.
Chính vì vậy, theo ông Hòa, khi thị trường có khả năng bay thì các hãng sẽ bay lại và đưa ra mức giá vé chủ yếu là để “đỡ hỏng máy bay”.
“Giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu của một chuyến bay nhưng doanh nghiệp vẫn phải bay vì nếu không bay thì không có chỗ đậu và máy bay hỏng. Việc bay cũng giúp có ít dòng tiền để trợ giúp hãng hàng không”, ông Hoà bày tỏ.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines.
Đánh giá về giá vé máy bay thấp như hiện nay, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho rằng, việc giá vé thấp có thể sẽ liên quan đến an toàn hàng không.
Theo ông Hoà, hiện nay an toàn hàng không đang ở tiêu chuẩn cực kỳ cao, nếu các hãng cứ cạnh tranh mà hạ giá vé máy bay, thậm chí còn thấp hơn giá xăng dầu của một chuyến bay thì ảnh hưởng đến chi phí về an toàn hàng không là rất lớn. Nếu có vấn đề về sự cố an toàn xảy ra thì không phải riêng từng hãng bị ảnh hưởng mà ảnh hưởng đến toàn quốc gia.
“Chúng ta thấy như Indonesia, khi một số hãng hàng không hạ giá vé máy bay thấp thì đã bị Mỹ và châu Âu cấm bay. Chính Indonesia đã phải đưa ra mức giá khống chế không để ảnh hưởng đến an toàn”, ông Hòa nói.
Một vấn đề nữa theo ông Hòa, hiện nay giá vé máy bay thấp thì tất cả các hãng hàng không đều yếu. “Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau chứ chưa nói gì ra khu vực và quốc tế”, ông Hòa phản biện.
Chủ tịch Vietnam Airlines cho rằng bất kỳ hãng hàng không nào phá sản sẽ ảnh hưởng chung đến nguồn lực xã hội. Ông Hòa cũng dẫn chứng hiện nay nhiều nước đã áp dụng không chế giá vé máy bay như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. “Đây không phải áp giá sàn mà chống phá giá, chống giảm giá vé dưới chi phí”, ông Hòa nhấn mạnh.