Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nông dân ồ ạt bỏ lúa trồng sầu riêng: Phải đầu tư có chiều sâu, có nơi tiêu thụ

(VTC News) -

Theo chuyên gia, việc phát triển cây sầu riêng phải theo chiều sâu từ đảm bảo chất lượng vùng trồng, đầu ra sản phẩm cho đến đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.

Nông dân Cần Thơ phá vườn mít 2 năm tuổi để trồng sầu riêng.

Trước sức hấp dẫn của giá sầu riêng trong thời gian gần đây, nhiều nông dân tại khu vực ĐBSCL đã ồ ạt bỏ lúa, mít để trồng loại cây này. Tương tự, ở Tây Nguyên, sầu riêng cũng đang thay thế nhiều diện tích hồ tiêu, cà phê.

Theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) thực hiện, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000ha. Tuy nhiên, hiện diện tích sầu riêng của cả nước đã lên 110.000ha và vẫn có khả năng tăng trong thời gian tới. Điều này dẫn đến lo ngại về điệp khúc trồng - chặt sẽ diễn ra với cây sầu riêng trong những năm tới như đã từng diễn ra với mít, thanh long…

Cần đầu tư cho chế biến, đa dạng sản phẩm

Vừa qua, TP Cần Thơ là một trong những địa phương được Bộ NN-PTNT cảnh báo về phát triển "nóng" cây sầu riêng. Năm 2015, diện tích trồng sầu riêng của thành phố chỉ hơn 500ha, đến nay đã tăng lên gần 2.500ha, tập trung tại các huyện Phong Điền, Thới Lai và Ô Môn.

Một nông dân ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đốn bỏ vườn mít để trồng sầu riêng.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp có khuyến cáo người dân thận trọng khi phát triển diện tích cây sầu riêng. Chỉ trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để bảo đảm vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc để xuất khẩu.

“Cuối năm 2022, sau khi nghị định thư với Trung Quốc được ký kết, thành phố tập trung làm mã vùng trồng. Hiện thành phố có 33 hồ sơ mã vùng trồng với diện tích khoảng 700ha. Việc sản xuất phải liên kết với doanh nghiệp, các mã vùng trồng hầu hết có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ”, ông Trần Thái Nghiêm nói.

Ông Trần Thái Nghiêm nhận định thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng là xuất tươi sang Trung Quốc nhưng đây là thị trường có yếu tố rủi ro rất lớn. Điều này đã từng xảy ra với khoai lang, mít, thanh long…

Để phát triển bền vững đối với cây sầu riêng, ngoài việc khuyến cáo người dân, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho bảo quản, chế biến sầu để đa dạng sản phẩm; mở rộng thêm thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc.

“Tiếp tục cùng các cơ quan chức năng, ví dụ như các Tham tán thương mại, các bộ, ngành mở rộng các thị trường sang các thị trường ngoài thị trường Trung Quốc”, ông Trần Thái Nghiêm nói. 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết thêm, hiện nay ngành nông nghiệp chưa có đầy đủ về số liệu cung cầu của trái sầu riêng. Hiện tại, chỉ có số liệu diện tích, sản lượng một số vùng trồng trong nước nhưng không có được số liệu vùng trồng ngoài biên giới như Thái Lan, Malaysia và các vùng có truyền thống trồng sầu riêng.

“Sở cũng mong muốn làm sao có đầy đủ thông tin về tổng nguồn cung sầu riêng để khuyến cáo. Thực ra năm 2014, huyện Phong Điền không có khuyến cáo trồng sầu riêng nhưng hiện nay, những người không nghe theo khuyến cáo đang bội thu vì giá sầu riêng mấy năm gần đây rất cao”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ thông tin. 

Sầu riêng đang mang lại lợi nhuận hấp dẫn.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho rằng, với diện tích trồng sầu riêng hiện nay vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của các thị trường. Tuy nhiên, ngoài việc giữ vững vùng trồng đạt chuẩn, việc đảm bảo bản quyền về cây giống cần phải được quan tâm.

“Những giống sầu riêng của mình phần lớn là nhập không chính ngạch, nguồn gốc không rõ ràng, không có hồ sơ về tạo giống. Khi một số nước yêu cầu khi xuất sang nước họ đòi hỏi nguồn gốc giống rõ ràng thì lúc đó mình sẽ thua”, TS Bùi Thanh Liêm nhận định.

Phải đảm bảo sản phẩm làm ra có điạ chỉ tiêu thụ

Dưới góc độ nhà nghiên cứu kinh tế, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, việc đầu tư cho cây sầu riêng đòi hỏi vốn cao, trình độ kỹ thuật và đặc biệt là thời gian để cho ra trái thu hoạch lần đầu kéo dài 4 đến 5 năm. Chính vì thế, nếu chạy theo giá cả ở một thời điểm nào đó mà không đầu tư theo chiều sâu thì nông dân giống như đang “chơi một canh bạc”.

Chỉ mới 5% diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng.

Hiện nay, chỉ mới 5% diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, điều này đòi hỏi các nhà vườn phải tính toán ngay ở giai đoạn đầu tư và phải có được chứng nhận về xuất xứ.

“Những mảnh vườn sầu riêng không có mã số vùng trồng. Những cơ sở chế biến, đóng gói kể cả sơ chế mà không được cấp giấy chứng nhận rất khó có thể xâm nhập các thị trường kể cả thị trường Trung Quốc hay các thị trường cấp cao như Mỹ, Nhật Bản”, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhận định.

Cũng theo tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, để được cấp mã số vùng trồng thì diện tích sầu riêng tối thiểu phải là 10ha, cho nên đòi hỏi nhà vườn phải liên kết với nhau thành hợp tác xã và gắn với các doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, bên cạnh việc đầu tư chế biến để đa dạng sản phẩm, việc phát triển các vùng trồng phải đảm bảo cân đối, gắn liền với hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics vào những cụm chế biến.

“Việc phát triển cây sầu riêng không phải là cái sai nhưng phải được tính toán trong một bài toán về cung cầu làm sao đảm bảo sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ. Nó đòi hỏi bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay chỉ nhìn ở lợi thế vùng trồng chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp phải tiêu thụ được và người nông dân có lời”, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nói. 

THANH TIẾN

Tin mới