Video: Dịch châu chấu phá hoại mùa màng ở Nghệ An
Từ giữa tháng 4 đến nay, dịch châu chấu xuất hiện tràn lan và tàn phá hàng trăm héc ta rừng mét cùng hoa màu của người dân tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Huyện Tân Kỳ đã huy động lực lượng, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc diệt châu chấu. Tuy nhiên ở những vườn cỏ sữa, ngô làm thức ăn cho vật nuôi không thể phun thuốc nên người dân phải đi bắt thủ công.
Theo người dân địa phương, từ tháng 3/2023, khi phát quang các gốc cây thì phát hiện nhiều ổ châu chấu non nên chính quyền địa phương đã tiến hành phun thuốc diệt trừ trên diện tích 66ha mét. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, châu chấu từ rừng cây bắt đầu tràn về làng, phá hoại cây trồng của bà con.
Đau đầu vì “giặc cỏ” tràn về phá hoại mùa màng, anh Lục Văn Thể (48 tuổi, trú xã Nghĩa Bình) cùng nhiều người dân trong xã đã tự chế vợt, đội đèn đi bắt châu chấu xuyên đêm.
“Chúng tôi bắt đầu công việc này đã được vài tuần nay, ngoài việc để tiêu diệt châu chấu thì người dân còn bắt về bán, để làm thức ăn cho người hay phơi khô làm thức ăn cho gia cầm. Vừa có thêm thu nhập vừa có thêm nguồn thức ăn, lại tiêu diệt được loại côn trùng gây hại này”, anh Thể cho biết.
Châu chấu đang gây hại ở xã Nghĩa Bình là loại châu chấu lưng vàng hại tre. Loại châu chấu này chủ yếu sống trên rừng tre, mét, nứa, chúng ăn trụi lá làm cho cây trơ cành, khô héo và chết. Khi hết thức ăn chúng sẽ di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác như ngô, mía, cỏ chăn nuôi...
Do buổi tối châu chấu ít bay nhảy nên rất dễ bắt, chỉ cần dùng vợt quơ qua lại trên ngọn cây là có thể tóm gọn hàng trăm con châu chấu.
Dụng cụ người dân dùng để bắt châu chấu là túi nilon lớn, quấn vào thanh tre hoặc thép tạo thành chiếc vợt. Vợt có đường kính khoảng 50-60cm.
Mỗi đêm vợ chồng anh Thể bắt được 30kg châu chấu. Thương lái đến đặt hàng với số lượng ít loại to với mức giá 100.000 – 120.000 đồng/kg. Số châu chấu nhỏ còn lại sẽ được mang về làm thức ăn cho gia cầm.
Lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin tại xã Nghĩa Bình xuất hiện đàn châu chấu phá hoại cây trồng, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Nghĩa Bình, các phòng ban chuyên môn của huyện huy động lực lượng, phương tiện để diệt trừ, không thể để châu chấu phát triển mạnh gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.