Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nỗi tủi hổ sau tấm áo blouse trắng, làm bác sĩ nhưng lương không đủ nuôi ba mẹ

(VTC News) -

"Tháng trước, em trai cưới vợ, bố mẹ gọi điện 'vay' 20 triệu để làm tiền dẫn cưới, tôi phải cắn răng đi vay bạn bè để hỗ trợ gia đình", một bác sĩ chia sẻ.

Nỗi tủi hổ sau tấm áo blouse trắng

7h sáng, chị Nguyễn Thu Phương (31 tuổi, bác sĩ bệnh viện ở Hà Nội) uể oải trở về nhà trọ sau ca trực đêm qua. Là bác sĩ nội khoa, làm việc tại khoa hồi sức tích cực, mỗi tuần chị phải trực từ 2 - 3 ca đêm.

Chị về viện công tác từ khi mới ra trường, đến nay được 5 năm, tiền trực đêm dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng/ca. Thêm một số khoản phụ cấp, trung bình tổng thu nhập mỗi tháng của nữ bác sĩ gốc Hà Nam vào khoảng 8 - 10 triệu đồng.

Nhân viên y tế hiện nay ngoài làm công tác chuyên môn còn phải phụ trách rất nhiều giấy tờ. (Ảnh: Như Loan)

Chị từng nhẩm tính, 6 năm học trường y cộng với gần 2 năm đào tạo chứng chỉ hành nghề, tiêu tốn khoảng 600 - 700 triệu đồng (đã bao gồm chi phí ăn ở do ba mẹ chu cấp). Với mức lương hiện tại, có lẽ chị phải đi làm liên tục trong vòng chục năm, không ăn không tiêu mới đủ hoà vốn bố mẹ đầu tư cho đi học. 

Gần đây, dù nói tăng phụ cấp từ 40% lên 100%, nhưng tiền tổng thu nhập của chị cũng chẳng thấm vào đâu so với khối lượng công việc, thời gian, tiền bạc mà chị Phương đầu tư vào nghề. Để đủ chi phí sinh hoạt, học nâng cao tay nghề, nữ bác sĩ này phải tận dụng thời gian ngoài giờ hành chính để làm thêm ở công ty chuyên về xe cấp cứu.

"Tháng trước, em trai cưới vợ, bố mẹ gọi điện lên 'vay' 20 triệu làm tiền dẫn cưới, tôi phải cắn răng đi vay bạn bè để hỗ trợ gia đình. Trong tài khoản lúc đó chỉ còn gần 10 triệu đồng, tôi tự thấy tủi, làm bác sĩ mà lương không đủ lo cho ba mẹ", nữ bác sĩ ngậm ngùi. Mỗi lần như vậy, chị thấy bản thân mình bất lực và suy nghĩ nhảy việc lại trỗi dậy trong đầu.

Ngoài câu chuyện lương thấp, anh Đỗ Thiệu Quảng (bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội) chia sẻ bản thân phải đối mặt với rất nhiều áp lực và trách nhiệm. Trong đó, áp lực lớn nhất đến từ chuyên môn, đồng nghiệp và cả bệnh nhân.

Anh còn nhớ như in ca trực đêm đầu tiên khi còn là sinh viên, tại khoa nội tổng hợp. Khi ấy, cả nhóm chia ra mỗi người trực một khung giờ. Ở phòng cấp cứu, bệnh nhân rất đông, đến giờ đi lấy máu cho bệnh nhân, anh hồi hộp nên lỡ làm một bệnh nhân bị chảy máu.

Lúc đó, anh bị người bệnh phản ứng rất nhiều. Anh vừa sợ vừa không biết phải làm sao vì chỉ có một mình ở đó, không ai giúp. "2h sáng, tôi chui vào phòng tắm, gọi điện về cho mẹ để khóc", Quảng nói. Những tưởng sẽ bỏ nghề, nhưng rồi công việc mỗi ngày đã níu chân anh trụ lại với chiếc áo blouse.

Nhiều lúc anh cũng suy nghĩ khi bạn bè cùng lứa học chỉ 3 - 4 năm là ra trường đi làm, thời gian học của họ chỉ bằng một nửa mà lương lại cao hơn gấp 2, 3 lần. Một công việc áp lực, phải đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức quá nhiều, thiết nghĩ phải có mức lương xứng đáng hơn.

Vì yêu nghề nên anh không cảm thấy hối hận khi theo đuổi, nhưng trong thâm tâm, bác sĩ luôn cảm thấy có lỗi với gia đình vì đồng lương không đủ phụ giúp bố mẹ, không xứng đáng với những gì bố mẹ đã bỏ ra để lo cho anh ăn học.      

Làn sóng bác sĩ nghỉ việc tiếp diễn

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 2 năm gần đây, cả nước có 9.680 nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập xin thôi việc, bỏ việc, trong đó 8.810 nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở. 

Bộ trưởng Y tế chỉ ra 3 nguyên nhân khiến làn sóng bác sĩ nghỉ việc vẫn tiếp diễn: áp lực công việc, lương thấp, môi trường làm việc. (Ảnh: Như Loan)

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hưng Yên hồi giữa năm nay, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang tư.

Thứ nhất, do áp lực công việc cao. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Thứ hai, tiền lương và chế độ phụ cấp thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định, bác sĩ sau khi học 6 năm và 18 tháng thực hành lấy chứng chỉ hành nghề sẽ được hưởng lương 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Tính thêm phụ cấp ưu đãi nghề 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

"Lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập", Bộ trưởng Lan nói.

Thứ ba, môi trường và điều kiện làm việc thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc, máy móc nhưng nhiều áp lực.

Nhiều cơ sở y tế thiếu máy móc, trang thiết bị y tế do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thời gian qua. Công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế bị tạm dừng, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập thiếu điều kiện, thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Trong khi đó, hệ thống bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện, có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Y tế, các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi. Đây chính là nguyên nhân các bệnh viện công bị chảy máu chất xám hiện nay.

Lương tăng nhưng bác sĩ vẫn nghỉ việc

Sau làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển từ khối công lập sang tư nhân, Chính phủ quyết định tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề cho các bác sĩ bệnh viện công từ 40% lên 100% (nghị định 05 năm 2023). Thế nhưng, hầu hết các bác sĩ đều chia sẻ dù mức phụ cấp tăng thêm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tối thiếu để họ yên tâm cống hiến.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi các bệnh viện công đảm bảo được nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ y tế, thì làn sóng chuyển việc cũng tự hạn chế. Các cơ sở cần nỗ lực cải thiện tình trạng này bởi nếu tiếp diễn thì sẽ gây rối loạn cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Nhiều kiến nghị đưa ra cần giảm một số gánh nặng không cần thiết cho nhân viên y tế. (Ảnh: Như Loan)

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trước mắt, các cơ sở y tế nên có sự hỗ trợ ngay cho nhân viên của mình bằng các hành động thiết thực để họ cải thiện đời sống, chẳng hạn như hỗ trợ thêm tiền thuê nhà cho nhân viên y tế.

Ông Nga cũng đề xuất cần cắt giảm cnhư các giấy tờ, thủ tục hành chính... tạo điều kiện để họ được làm việc đúng với chuyên môn.

Về lâu dài, cần có những chính sách mang tầm chiến lược của Nhà nước như cải cách tiền lương, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên y tế bằng việc trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, thuốc men, vật tư y tế; có định hướng phát triển rõ ràng cho những vị trí đặc thù như bác sĩ y tế dự phòng, điều dưỡng.

Các chuyên gia đều lo ngại về tình trạng bác sĩ bỏ viện công để sang viện tư làm. Sự dịch chuyển này ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội, nhất là đối với những người có thu nhập thấp, người dân chưa có điều kiện tiếp cận các phòng khám của bệnh viện tư, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững.

NHƯ LOAN

Tin mới