Để hiểu rõ hơn về định hướng của địa phương “khai sinh” nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam, VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đại Dương – Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.
- Khi còn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh và bây giờ trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến nghề câu cá ngừ đại dương. Vậy ông có lo ngại ngư dân sẽ từ giã nghề câu cá ngừ vì liên tục đối mặt với các chuyến biển thua lỗ?
Suốt hơn hai thập kỷ qua, ngư dân nói riêng và người dân toàn tỉnh nói chung lấy làm tự hào vì địa phương mình chính là vùng đất đã “khai sinh” ra nghề câu cá ngừ đại dương trứ danh. Do đó, tôi dành niềm tin tuyệt đối rằng nghề này sẽ không đến mức mai một rồi “xóa sổ” ở Phú Yên.
Để giữ được nghề khai thác cá ngừ đại dương trường tồn theo năm tháng, lãnh đạo tỉnh sẽ tận dụng, phát huy tối đa mọi tiềm năng sẵn có. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cố gắng kêu gọi sự chung tay, giúp sức của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cùng các cơ quan ban, ngành cấp Trung ương quan tâm, hỗ trợ để khôi phục, phát triển nghề câu cá ngừ đại dương. Đặc biệt, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp mang tính căn cơ và rất cần sự giúp sức của các Bộ, ngành từ Trung ương và các tỉnh, thành trên cả nước.
Sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên sụt giảm.
- Thực tế cho thấy tình hình khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân địa phương đang trong giai đoạn thoái trào, thưa ông?
Trước năm 2019, toàn tỉnh Phú Yên có trên 700 phương tiện chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương. Tuy nhiên sau năm 2019, theo quy định mới, những tàu không đạt chiều dài 15m thì không được ra vùng biển xa bờ. Lúc này, địa phương còn khoảng 500 tàu đủ tiêu chuẩn.
Do thay đổi phương pháp từ câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng, cộng với việc một số tỉnh tăng mạnh số tàu, trữ lượng cá ngừ đại dương sụt giảm nên thời gian gần đây, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên chỉ đạt khoảng 4.000 tấn/năm. Ngư dân tỉnh Phú Yên đạt năng suất đánh bắt cá ngừ đại dương cao nhất là năm 2012 (7.000 tấn) – thời điểm 100% phương tiện còn áp dụng cách thức câu vàng truyền thống.
Về giá tiêu thụ cũng giảm so với trước, hầu hết tàu câu cá ngừ phải kiêm thêm nghề lưới rê cá chuồn, câu mực,…để đảm bảo hiệu quả chuyến biển.
XEM THÊM:
>>Nỗi buồn của ngư phủ nơi khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam
>>Vì sao giá cá ngừ đại dương Phú Yên ‘rẻ bèo’ so với Nhật Bản?
- Việc tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương trong những năm qua thế nào, thưa ông?
Ngoài tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp tại Phú Yên chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản. Giá xuất khẩu bình quân từ 10 USD/kg đến 19 USD/kg tùy loại sản phẩm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt khoảng 50 triệu USD/năm, riêng cá ngừ đại dương chiếm khoảng 70%.
Trong năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu cá ngừ, có thời điểm ngư dân trên địa bàn tỉnh tồn kho hàng trăm tấn cá ngừ. Đầu năm 2021, tình hình có chiều hướng tốt hơn, hầu hết cá ngừ tồn kho đã được tiêu thụ.
- Vậy phương thức đánh bắt là nguyên nhân chính khiến giá thành cá ngừ đại dương của Phú Yên giảm mạnh, thưa ông?
Rõ ràng khi đánh bắt bằng phương pháp câu đèn, thịt cá không được tốt như câu vàng. Bên cạnh đó, quãng thời gian vươn khơi kéo dài cả tháng, trong khi điều kiện bảo quản cá mang tính thủ công, cũng là lý do khiến chất lượng cá giảm đáng kể. Mà chất lượng cá giảm thì kéo theo giá thành không được cao.
Ông Phạm Đại Dương và ông Kiyoshi Kimura “Vua cá ngừ Nhật Bản” trong buổi làm việc về hợp tác phát triển cá ngừ, thuỷ hải sản tại Phú Yên vào tháng 1/2020.
- Công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương từ lâu trở thành “bài toán” nan giải, vậy tỉnh có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Riêng tại Phú Yên, thời gian qua, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương có xu hướng giảm nên chuyến biển của ngư dân kéo dài nhiều ngày hơn. Bên cạnh đó, chất lượng cá giảm, chi phí tăng cao cũng là những yếu tố tác động đến tình hình khai thác và tiêu thụ sản phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo thêm động lực cho khai thác và tiêu thụ cá ngừ, phục hồi như thời kỳ hoàng kim những năm 2010 trở về trước, chúng tôi đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ được chú trọng đúng mức, bao gồm: Cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu, nâng cao tay nghề cho thuyền viên, liên kết theo tổ đội sản xuất trên biển để rút ngắn thời gian chuyến biển, liên kết giữa đội tàu với doanh nghiệp thu mua, chế biến để đảm bảo chuỗi gía trị bền vững, các bên cùng có lợi.
Riêng vấn đề đảm bảo chất lượng cá sau đánh bắt, thiết nghĩ ngư dân có thể bán trực tiếp ngoài khơi hoặc bán cho các nhà máy chế biến ngay khi tàu cập bờ.
Trong thời gian tới, các cơ quan ban, ngành của tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa cho ngư dân thông qua việc đảm bảo các điều kiện luồng lạch, cửa biển, cảng cá, dịch vụ hậu cần tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch.
- Ngoài cải thiện đánh bắt, bảo quản, địa phương còn chú trọng đến khâu nào khác để nâng tầm giá trị cá ngừ đại dương?
Không phải bây giờ mà mấy năm nay, chúng tôi hết sức trăn trở trước vấn đề làm sao để nâng tầm giá trị cá ngừ đại dương của địa phương. Trước mắt, tỉnh đang dự tính thành lập hợp tác xã khai thác cá ngừ đại dương. Tổ chức này sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật, kết nối doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân.
Ngoài ra, công tác quảng bá sản phẩm cũng được chú trọng. Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung quảng bá cá ngừ đại dương ra các tỉnh thành trên cả nước, tổ chức những phiên chợ đấu giá, các buổi trình diễn chế biến cá ngừ, mời các chuyên gia, đầu bếp Nhật Bản tham dự trong các bữa tiệc thịt tươi…
- Đầu năm 2020, đại diện lãnh đạo Phú Yên từng có buổi làm việc với ông Kiyoshi Kimura – người được mệnh danh là “vua cá ngừ” Nhật Bản để bàn về việc hợp tác, phát triển cá ngừ, hải sản tại Phú Yên. Vậy kết quả sau cuộc gặp này thế nào?
Thời điểm ấy tôi còn đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Kiyoshi Kimura chia sẻ kinh nghiệm 40 năm đánh bắt, bảo quản, chế biến cá ngừ nói riêng và thủy hải sản nói chung. “Vua cá ngừ” Nhật bày tỏ mong muốn hỗ trợ Phú Yên trong việc hợp tác đầu tư, phát triển lĩnh vực này.
Lãnh đạo tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng bởi ông Kiyoshi Kimura là chủ của chuỗi nhà hàng rất lớn ở Nhật Bản, hàng nằm đấu giá cá ngừ lần nào cũng thành công lên từ mức 3.000.000 USD/con. Ông có kinh nghiệm và có đội tàu chuyên đánh bắt, chế biến và xuất khẩu cá ngừ.
Sau cuộc gặp diễn ra tại Đà Nẵng, ông Kiyoshi Kimura được tỉnh mời về hợp tác để chuyển giao công nghệ trong đánh bắt và chế biến. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên kế hoạch sang Việt Nam của “vua cá ngừ” Nhật bị trì hoãn. Chúng tôi vẫn đang giữ liên lạc với ông Kiyoshi Kimura và sẽ xúc tiến khi dịch bệnh lắng xuống.
- Để nghề khai thác cá ngừ đại dương trở lại thời kỳ hoàng kim, Phú Yên cần làm gì, thưa ông?
Hiện tại, cùng với Bình Định và Khánh Hòa, Phú Yên là thủ phủ của cá ngừ đại dương theo luồng thuỷ văn lẫn kinh nghiệm đánh bắt.
Để góp phần vào việc khôi phục, phát triển nghề câu cá ngừ đại dương, Phú Yên đang mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư liên kết khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi tin rằng, trong tương lai việc khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho ngư dân, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Chúng tôi đang dành sự chú trọng vào công nghệ đánh bắt và công nghệ bảo quản. Trước đây, Nhật Bản đã từng hỗ trợ cho địa phương công nghệ bảo quản, tuy nhiên kết quả chưa được cao.
Ngư dân mình biết cách làm để đánh bắt được cá ngừ nhưng việc bảo quản sau khâu đánh bắt về đất liền với yêu cầu trong suốt thời gian từ 2, 3 tuần, thậm chí kéo dài đến 1 tháng, cũng cần phải có giải pháp để sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Định hướng đến năm 2030, Phú Yên sẽ triển khai đầu tư đội tàu để đánh bắt với quy mô lớn hơn.