1. "Chỉ thông qua một trận đấu có tính giao hữu thì không thể đánh giá chính xác được điều gì", HLV Park Hang Seo chia sẻ sau khi U22 Việt Nam đánh bại U22 Trung Quốc ngay trên sân khách. Trận đấu ở Hoàng Thạch cách đây ít ngày chưa đủ chứng minh năng lực thực sự của hai đội tuyển, càng không phải căn cứ vững chắc để rút ra kết luận về tương quan hai nền bóng đá.
Đoàn quân do HLV Guus Hiddink dẫn dắt đã thua trận một cách bạc nhược, nhưng điều đó không thể ngay lập tức đưa bóng đá Việt Nam lên trên tầm, thậm chí ngang hàng với bóng đá Trung Quốc.
U22 Trung Quốc (áo đỏ) gây thất vọng lớn khi thất bại trước U22 Việt Nam, dù chỉ là trận đấu giao hữu.
Đội tuyển Trung Quốc đứng thứ 71 trên bảng xếp hạng FIFA, hạng 8 châu Á trong khi đội tuyển Việt Nam có thứ hạng tương ứng là 97 và 15. Trung Quốc có 64 câu lạc bộ chuyên nghiệp chia làm ba hạng đấu và luôn góp đại diện đến vòng tứ kết AFC Champions League.
Những bước tiến vượt bậc của bóng đá Việt Nam những năm gần đây nếu so sánh với Trung Quốc thực ra chỉ là xu hướng thu hẹp khoảng cách trình độ của các nền bóng đá thế giới. Truyền thông Trung Quốc, trong làn sóng chỉ trích nặng nề đội nhà, vẫn nhìn nhận như vậy. "Trình độ hiện tại của bóng đá Việt Nam chưa đạt đến tầm cỡ ông lớn ở châu Á", một bài viết trên trang Titan24 đưa ra bình luận.
2. Các đội tuyển trẻ Trung Quốc nhận hai thất bại trước Việt Nam ở các trận giao hữu cấp độ U19 và U22 chỉ trong vòng vài tháng. Lời cảnh báo nửa đùa nửa thật của cựu danh thủ Phạm Chí Nghị (Fan Zhiyi) năm 2013 được nhắc lại: "Sớm muộn bóng đá Trung Quốc cũng thua Việt Nam".
Nỗi sợ là có thật, chỉ có điều đó không hẳn là nỗi sợ thua bóng đá Việt Nam theo nghĩa đen. Việc Phạm Chí Nghị nhắc đến Việt Nam trong lời "tiên tri" cũng như trận thua ở Hoàng Thạch là sự minh họa, một cách cụ thể hóa cho nỗi lo về sự tụt hậu của bóng đá Trung Quốc trong tương lai ngày một gần, trong khi mục tiêu trở thành siêu cường bóng đá thế giới lại ở quá xa.
Trận thua U22 Việt Nam là đòn giáng mạnh vào hi vọng dự Olympic của bóng đá Trung Quốc.
"Các cổ động viên Việt Nam đang hạnh phúc vì chẳng có điều gì đáng lạc quan hơn là có hi vọng. Người hâm mộ Trung Quốc thì không được vui như vậy, vì chẳng có gì tệ hơn là không còn chút hi vọng nào", vẫn là bình luận trên Titan24. Không phải đến khi thua U19 và U22 Việt Nam, dư luận Trung Quốc mới giật mình.
Phạm Chí Nghị nhắc đến viễn cảnh "thua Việt Nam" năm 2013 thì đến năm 2014, đội tuyển U19 Trung Quốc suýt bị lứa Công Phượng, Xuân Trường đánh bại ở giải châu Á. Tính từ năm 2016, đội U19 và U23 Trung Quốc không vượt qua vòng bảng của đấu trường châu lục.
"Không có hi vọng" là để nói về mục tiêu tham dự Thế vận hội năm 2020 ở Tokyo, nhưng không chỉ có thế. Thành tích tồi tệ của các lứa trẻ liên tiếp gây ra nỗi tuyệt vọng về tương lai của đội tuyển quốc gia với độ tuổi trung bình cao nhất giải khi tham dự Asian Cup 2019.
3. Trung Quốc là một trong những cường quốc thể thao hàng đầu thế giới khi luôn nằm trong top 3 trên bảng xếp hạng huy chương Thế vận hội từ năm 1992. Tuy nhiên "đặc sản" của Trung Quốc là những chương trình huấn luyện từ nhỏ rất hà khắc lại không thể được áp dụng ở môn thể thao vua, dù bóng đá là môn phổ biến nhất ở đất nước đông dân nhất thế giới này.
Năm 2016, Trung Quốc công bố đề án "siêu cường bóng đá" với mục tiêu trở thành thế lực của bóng đá thế giới vào năm 2050. Đây là một chiến lược toàn diện được thực hiện từ nền móng cơ sở (thuật ngữ là grassroots). Tất nhiên họ cần thời gian vài năm chuẩn bị để đi vào vận hành và có thể thêm cả chục, thậm chí vài chục năm để nhìn thấy thành quả.
Bóng đá Trung Quốc có một thế hệ bị coi là "đồ bỏ"?
Nhưng liệu họ có thể kiên trì với tầm nhìn rất xa như vậy khi hiện thực trước mắt tạo ra cảm giác tuyệt vọng? Dường như bóng đá Trung Quốc đang bỏ mặc tình cảnh hiện tại để chờ những làn gió mới xuất hiện từ kế hoạch "siêu cường", bởi những nỗ lực cứu vãn chỉ mang tính hình thức.
Lấy ví dụ chính đội U22 Trung Quốc vừa thất bại trước U22 Việt Nam. Không phải tự nhiên HLV Guus Hiddink bị chỉ trích nhiều vì chỉ ngồi im một chỗ nhìn các học trò chơi kém cỏi như vậy. Cách đây không lâu, truyền thông Trung Quốc đã tỏ ý nghi ngờ về vai trò của nhà cầm quân nổi tiếng khi ông chủ yếu ở Hà Lan và dành rất ít thời gian theo dõi giải Super League cũng như các giải trẻ. Thậm chí lực lượng U23 Trung Quốc lần này cũng được cho là do trợ lý Tôn Kế Hải (Sun Jihai) tuyển chọn.
Việc Hiệp hội bóng đá Trung Quốc quyết định nhập tịch cầu thủ cho đội tuyển quốc gia cũng chỉ là giải pháp tình thế. Họ buộc phải dùng nhiều trường hợp tương tự như Ai Keson (Elkeson, cầu thủ gốc Brazil), Li Ke (gốc Pháp, có mẹ người Trung Quốc) để hướng tới World Cup. Điều đó cũng có nghĩa là bóng đá Trung Quốc đã coi lứa cầu thủ kế cận là "thế hệ bỏ đi".
Trận thua U22 Việt Nam không phải một "thảm họa", nhưng nó tiếp thêm một bàn tay đẩy bóng đá Trung Quốc tiến gần đến sự tuyệt vọng. Điều đó có thể dẫn đến sự từ bỏ, bắt đầu từ một thế hệ cầu thủ và biết đâu là cả giấc mộng "siêu cường" bóng đá.