Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nội quy cấm sinh viên cạo đầu trọc đến trường: Chuyên gia nói gì?

Đồng tình với quy định cấm sinh viên cạo trọc đầu khi đến trường, nhưng chuyên gia cho rằng cần phải khảo sát ý kiến của sinh viên trước khi ban hành.

Mặc đồng phục cả tuần, cấm cạo trọc đầu là một trong những nội quy mới của Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Về vấn đề này, trả lời VTC News, PGS.TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, mỗi cá nhân có quyền tự do và được mọi người tôn trọng, nhưng khi đến trường, mọi người phải tuân thủ quy định của nhà trường.

Ở nước ngoài cũng vậy, họ coi trọng quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng họ cũng có những quy định buộc sinh viên phải tuân thủ khi đến trường. Với nước ta, các thầy cô giáo yêu cầu học sinh khi vào lớp học không được mặc quần rách, quần ngố phản cảm hoặc có trường quy định học sinh, sinh viên phải mặc đồng phục chỉnh tề và sơ vin... Tất cả những quy định đó đều nhằm tạo ra một môi trường giáo dục tốt hơn, lành mạnh hơn.

"Ngày nay việc mặc đồng phục trở thành trào lưu và mọi người thường mặc vào ngày lễ tết. Vậy nên quy định mặc đồng phục cả tuần tôi nghĩ các sinh viên nên thực hiện. Tuy nhiên nhà trường cũng cần phải thiết kế hình thức đẹp để sinh viên thích thú và cảm thấy hãnh diện với nó" - ông Tớp nói.

Sinh viên Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM buộc phải mặc đồng phục nguyên tuần. (Ảnh: HUFI) 

Về quy định cao trọc đầu, theo chuyên gia, việc này cũng giống như nhuộm tóc xanh, đỏ, tím, vàng vì thay đổi sự tự nhiên ở con người và nhìn rất nhố nhăng. Nếu quy định áp cho người tu hành hay đang điều trị bệnh thì nhà trường vi phạm.

"Mấy năm gần đây, các bạn trẻ nổi lên rất nhiều trào lưu như mặc mặc đồng phục đến đầu gối, cắt tóc rồi vẽ những hình thù kỳ quá trên đầu, nhuộm tóc đủ màu sắc, quần áo rách tả tơi... đều là những hình ảnh rất phản cảm. Tôi cho rằng những trào lưu này có thể nổi lên ngoài đường phố nhưng trong nhà trường thì sinh viên cần có thái độ, hành vi, nếp sống lành mạnh" - ông Tớp nói.

Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, Đại học Công nghệ Thực phẩm TP.HCM khi ban hành nên đưa ra khảo sát toàn thể sinh viên để lấy ý kiến. Nếu đa số đồng tình thì thực hiện còn phần đông không đồng tình thì xem xét lại trước khi ra quy định.

Các trường đều mong muốn có môi trường giáo dục tốt để sinh viên được thoải mái học tập, nên mỗi người hãy tôn trọng quy định của nhà trường.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Liên quan quy định trên, theo ông Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nội quy về đồng phục, tác phong của sinh viên nhưng không phải mới mà có từ nhiều năm nay.

Sinh viên của trường phải mặc đồng phục (áo đồng phục trường hoặc áo khoa) và đeo thẻ sinh viên khi đi học hoặc liên hệ làm việc với các bộ phận chức năng trong trường. Sinh viên cũng cần có quần áo sạch sẽ, chỉnh tề, đầu tóc nam nữ phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Sinh viên không được cạo đầu trọc đầu, trừ trường hợp đang điều trị bệnh hoặc nhà tu hành đang theo học, sinh viên nam không để tóc dài...

Theo ông Hoàn, mặc đồng phục là cách nhận diện sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM và không tạo ra sự phân biệt giàu nghèo.

"Trường vẫn cho phép sinh viên mặc tự do khi tham gia hoạt động ngoại khóa, vui chơi câu lạc bộ nên không thể nói trường cấm đoán, không cho sinh viên tự do. Việc cạo đầu trọc, nhuộm xanh đỏ, nam để tóc dài... đúng là những điều cấm mà trường quy định đối với sinh viên, ngoại hình như vậy không phù hợp với một sinh viên học trên giảng đường", ông Hoàn cho biết.

Những ngày qua quy định mặc đồng phục cả tuần và cấm đầu trọc của Đại học Công nghiệp Thực phẩm gặp nhiều phản ứng của nhiều sinh viên. Các em cho rằng trường nên khảo sát ý kiến sinh viên trước, làm như vậy thật bất công, bởi nội quy quá cứng nhắc, hạn chế tự do cá nhân. Một sinh viên gay gắt nói là sinh viên đại học chứ không phải học sinh cấp 2, 3 mà bắt mặc đồng phục.

Nhiều sinh viên khác lại đồng tình với nội quy của trường và cho rằng điều đó phù hợp trong môi trường giáo dục. 

Tùng Lâm

Tin mới