Sự công nhận này giúp "lôi kéo", giữ chân và động viên đội ngũ giáo viên có trình độ.
Giáo dục miễn phí
Tất cả trẻ em ở độ tuổi đi học ở Bhutan đều được tiếp cận nền giáo dục bình đẳng, chất lượng và miễn phí. Đây được coi là một trong những nhu cầu cơ bản cần thiết để đạt được thước đo hạnh phúc tập thể trong một quốc gia.
Giáo dục ở Bhutan hoàn toàn miễn phí.
Đi học không mất tiền nhưng nhiều người phải đi bộ hàng km để đến trường do địa hình đặc biệt của Vương quốc này (nằm trọn trên những dãy núi cao). Điều này thể hiện quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, tiếp thu tri thức của các bạn trẻ.
Khóa huấn luyện định hướng bắt buộc
Trẻ em ở Bhutan bắt đầu đi học mầm non từ lúc 5 tuổi, học tiểu học vào năm 7 tuổi và tốt nghiệp tiểu học vào năm 11 tuổi. Sau đó, các em sẽ chuyển sang trường trung học cơ sở khi 12-13 tuổi.
Sáng kiến Gyalsung của Quốc Vương Bhutan được công bố vào năm 2019.
Khi đủ 18 tuổi, học sinh sẽ bắt đầu khóa đào tạo Gyalsung - một sáng kiến của Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, công bố năm 2019.
Gyalsung là một chương trình đào tạo tổng hợp kéo dài một năm và bắt buộc đối với tất cả thanh niên Bhutan đủ 18 tuổi.
Khóa huấn luyện kéo dài một năm sẽ bao gồm ba tháng huấn luyện quân sự cơ bản, sau đó là chín tháng huấn luyện chuyên ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ xây dựng nhà ở, máy tính và kinh doanh đến phát triển các kỹ năng trong nông nghiệp.
Mục tiêu của Gyalsung là đưa ra định hướng và khuyến khích giới trẻ trở thành những nhà tư tưởng mạnh mẽ, độc lập, có khả năng phục vụ đất nước.
Đồng thời, khóa huấn luyện sẽ kết nối những người trẻ tuổi của Bhutan lại với nhau trong một trải nghiệm chung bất kể xuất thân.
Ước tính, mỗi năm gần 13.000 thanh niên Bhutan tham gia khóa học này.
Quốc phục là đồng phục
Người Bhutan tự hào khi mặc quốc phục đồng thời là đồng phục học sinh. Những đứa trẻ từ 5 tuổi khoác lên mình bộ quốc phục đầy trang nghiêm để tôn vinh văn hóa dân tộc.
Trang phục Gho dành cho nam và Kira dành cho nữ. Gho là một loại áo dài đến đầu gối và dùng một chiếc đai gọi là Kera để quấn quanh thắt lưng.
Nam mặc Gho và nữ mặc Kira.
Kira thực chất là một mảnh vải hình chữ nhật được trang trí với nhiều họa tiết phong phú. Nữ giới tại Bhutan dùng Kira quấn quanh cơ thể và đính chặt ở phần vai bằng một chiếc móc bạc gọi là Koma, sau đó cố định lại ở thắt lưng bằng đai vải hoặc đai bạc.
Tập hợp và cầu nguyện buổi sáng
Tập hợp buổi sáng là một phần không thể thiếu trong lịch trình của các học sinh Bhutan. Những buổi tụ họp nhằm phát triển ý thức đoàn kết, tính cộng đồng của học sinh và khen thưởng những em đạt thành tích để khuyến khích các em tiến bộ hơn.
Tuy vậy, khía cạnh quan trọng nhất của phần tập trung buổi sáng tại các trường học ở Bhutan là cầu nguyện Jampelyang hay cầu nguyện Văn Thù - vị Phật của trí tuệ.
Học sinh Bhutan cầu nguyện vào mỗi buổi sáng.
Jampelyang là một vị Phật tay phải cầm thanh kiếm rực lửa, tượng trưng cho khả năng cắt đứt ảo tưởng và vô minh trong khi tay trái Ngài cầm cành hoa sen, mang cuốn sách với giáo lý Bát-nhã Ba-la-mật. |
Cầu nguyện là hoạt động thường nhật đối với một quốc gia mà đạo Phật là quốc giáo như Bhutan. Việc thực hành cầu nguyện tại các trường học đã bắt đầu từ năm 1975.
Buổi sáng của học sinh từ mẫu giáo đến đại học sẽ bắt đầu với lời cầu nguyện. Các em sẽ tiếp tục thực hành cầu nguyện ngay cả khi cuộc sống học đường kết thúc.
Đề cao trách nhiệm xã hội
Các hoạt động tại các trường học ở Bhutan đều hướng đến xã hội. Các trường thường có Câu lạc bộ Văn hóa để thúc đẩy bảo tồn văn hóa dân tộc hay Câu lạc bộ Thiên nhiên nhằm thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường.
Học sinh được khuyến khích trồng cây vào ngày 2/6 hàng năm - Ngày Lâm nghiệp Xã hội ở Bhutan. Học sinh không chỉ trồng cây mà còn có trách nhiệm chăm sóc cho nó.
Được học tập và đào tạo trong một môi trường như vậy giúp giới trẻ Bhutan thấm nhuần ý thức trách nhiệm và tận tâm cống hiến hơn cho cộng đồng.