Câu nói cửa miệng của giới trẻ “Vui thôi, đừng vui quá” có lẽ cần được treo cao như một lời khuyến cáo trong ngày Cá tháng Tư để trở thành một cái phanh ngăn những trường hợp quá đà. Quá say sưa trong việc tìm ra kiểu đùa “độc” có thể gây sốc hoặc khiến càng nhiều người mắc lừa càng tốt, nhiều bạn trẻ có thể đi quá xa.
Cái giá phải trả có thể rất đắt. Đã có những người chỉ muốn đùa cho vui nhưng sau đó phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật do không nhận ra ranh giới giữa lời nói dối vô hại và lời nói dối độc hại.
Có ít nhất 2 án phạt vì tung tin giả, tin thất thiệt liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam vào ngày 1/4/2020, thời điểm cả nước đang hết sức căng thẳng vì chống dịch, cũng là ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng.
Thời điểm đó, việc phát hiện, cách ly các ca dương tính đang là giải pháp chống dịch cực kỳ quan trọng. Không chỉ cơ quan y tế, chính quyền mà cả người dân cũng theo dõi rất sát sao thông tin phát hiện người nhiễm virus SARS-Cov2. Vì thế, nhiều bạn trẻ muốn tạo ra một cú lừa khiến mọi người phải giật mình đã nghĩ đến chủ đề này trong ngày Cá tháng Tư năm 2020, trong đó có H., cô gái 22 tuổi ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
H. đăng lên Faecbook mấy dòng thông báo: "Hiện tại mình bị cách ly do nghi ngờ nhiễm COVID-19. Hôm qua mình có vào Vân Xô mua đồ lúc 12h và đi chợ Cơ Khí lúc 16h. Ai ở hai khu vực đó thì vui lòng đi khai báo y tế nhé. Hãy là một người có ý thức vì cộng đồng”. Bài đăng này lập tức được chia sẻ và gây hoang mang cho rất nhiều người. Ngay sau đó, cô gái bị xử phạt 15 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật.
Những câu nói dối quá trớn có thể làm người khác tổn thương, gây hại cho cộng đồng, hay biến chính bạn thành kẻ vi phạm pháp luật. (Ảnh: Meta)
Cùng ngày, một thanh niên ở Quế Phong, Nghệ An tự gây rắc rối cho mình và phiền toái cho cộng đồng khi đăng dòng trạng thái sau trên trang cá nhân: "Dương tính COVID-19 rồi, làm sao đây! Toang rồi bà con ơi".
Bị công an gọi đến làm việc và phạt 10 triệu đồng, người này mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Ngoài ra, việc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, thông tin giả mạo, sai sự thật gây những hậu quả khác cũng bị xử phạt. Đặc biệt, nếu thông tin giả đó xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác, người tung tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định của Bộ luật Hình sự.
Việc lấy thông tin mắc COVID-19 làm trò đùa Cá tháng tư cũng khiến một ca sỹ nổi tiếng Hàn Quốc bị lên án dữ dội và bị cơ quan pháp luật “hỏi thăm” trong ngày 1/4/2020. Sáng hôm đó, hàng loạt báo Hàn đăng tin anh viêm phổi do COVID-19, bản thân ngôi sao này cũng xác nhận trên trang cá nhân. Chỉ ít phút sau, anh sửa lại bài đăng và cho biết đây chỉ là trò đùa, nhưng đã muộn.
Lịch sử ngày Cá tháng Tư trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp phải trả giá đắt cho kiểu đùa quá trớn. Hai MC Mỹ Greg "Opie" Hughes và Anthony Cumia bị sa thải, chương trình Opie và Anthony mà họ dẫn cũng bị ngừng phát sóng do nói rằng thị trưởng thứ 53 của Boston, ông Thomas Menino, bị ám sát.
Khi chương trình phát sóng (1/4/1986), ông Menino đang trên máy bay nên không ai xác minh được sự thật. Xuống máy bay, thấy thông tin cái chết của mình tràn ngập khắp nơi, ông giận dữ yêu cầu trừng phạt. Lời xin lỗi của nhà đài không được chấp nhận; ngay cả giám đốc sản xuất chương trình cũng bị sa thải.
Năm 2003, nữ nhân viên một cửa hàng quần áo tại Columbus (Ohio, Mỹ) bị cảnh sát bắt giữ cũng sau trò đùa ngày nói dối ¼. Cô gọi điện cho ông chủ báo rằng một người có súng đang cướp cửa hàng, chưa kịp giải thích đây chỉ là trò đùa Cá tháng Tư thì chủ đã gọi cảnh sát. Bốn chiếc xe tuần tra và đội cảnh sát vũ trang ập đến mới biết chẳng có vụ cướp nào cả.
Trong thời của mạng xã hội ngày nay, việc tung ra trò đùa có thể khiến hàng nghìn, hàng triệu người mắc lừa có sức hấp dẫn lớn với nhiều cư dân mạng, nhưng hậu quả của những trò đùa lố, đùa ác cũng sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Vì thế, mọi người càng nên cảnh giác với chính mình để không đi quá xa khi trêu đùa bằng câu nói dối trên không gian số.
Trong đời thực cũng vậy, câu lừa mà bạn nghĩ là vô hại thật ra có thể gây tổn thương, tai nạn cho người khác mà bạn không biết. Đã có người kinh hãi lao ra đường khi bị lừa là thân nhân gặp nạn, để rồi chính họ bị tai nạn giao thông thật sự.
Những người khác nhận câu đùa tương tự tuy không gặp họa gì nhưng cảm giác rụng rời sợ hãi khiến ngày ¼ của họ không thể vui nổi nữa. Và rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi trò đùa chạm đến nỗi đau trong lòng họ, hay khi một vấn đề nhạy cảm với họ bị đưa ra làm trò cười nhân danh sự vui đùa ngày Cá tháng Tư.
Ranh giới giữa hài hước và vô duyên rất mong manh. Hãy dừng lại đúng lúc, đừng vượt qua giới hạn của người khác khi bạn muốn “troll” ai đó một chút trong ngày nói dối.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.