Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nỗ lực đạt mục tiêu đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong năm 2024

(VTC News) -

Một trong các nhiệm vụ quan trọng năm 2024 được Quốc hội nhấn mạnh tại Nghị quyết 103 là bảo đảm đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, sau dịch COVID-19 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế, với khối lượng lớn vấn đề tồn đọng cần giải quyết sau gần ba năm tập trung chống dịch.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ y tế từ trung ương xuống địa phương nhiều người vi phạm pháp luật; làn sóng xin nghỉ việc, chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo báo cáo WHO, thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng, không phải là hiện tượng mới. Thực trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân ngay ở các quốc gia có nền y tế phát triển như các nước như: Anh, Pháp, Ý, Mỹ.

Các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vaccine khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc – sinh phẩm từ huyết tường từ máu người... thiếu trầm trọng.

Nỗ lực đạt mục tiêu đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong năm 2024.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm.

Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn.

Ở Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả 3 cấp: ở cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc; cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đã nói ở trên, còn có nguyên nhân chủ quan như: hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả; đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành các luật liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng; các văn bản của Bộ Y tế, Tài Chính, KHĐT để tạo hành lang pháp lý.

Đặc biệt các Nghị quyết 80, 89 của Quốc hội; Nghị quyết 30, nghị định 07, Nghị định 75 của Chính phủ; các thông tư của bộ ngành, đặc biệt Thông tư 14 của Bộ Y tế.

Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đến nay các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng đánh giá, việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều so với mua sắm trang thiết bị vật tư tiêu hao y tế.

"Chúng ta đã chia được các nhóm thuốc để đấu thầu, do đó chỉ ít hiện tượng không có thuốc và tình trạng phải mua thuốc ngoài đã giảm đi. Trong khi đó, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối", theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu.

Ông Hiếu thừa nhận có một số văn bản ra đời giúp ngành y tế "chết đuối vớ được cọc", song số lượng những văn bản như vậy còn quá ít để tạo sự ổn định trong lĩnh vực này.

Chỉ ra nguyên nhân, vị đại biểu ngành y tế nêu thực tế có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này và "rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau".

Từ thực tế của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nơi ông làm giám đốc, ông Hiếu nói nhờ được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị tự phê duyệt và tự chịu trách nhiệm nên bệnh viện không bị thiếu dụng cụ, thuốc men.

Song khó khăn lớn nhất, theo ông Hiếu là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới.

"Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua khe cửa hẹp để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại mục lục để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu", ông Hiếu nêu thực tế và lưu ý cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ cho ngành Y tế trong năm 2024 phải có giải pháp đột phá giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập; bảo đảm duy trì tỷ lệ tiêm các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên 90%.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần nghiên cứu cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị; giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng bảo hiểm y tế.

Ngành y tế cần tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); hoàn thiện chính sách xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản.

"Thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong ngành Y tế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, từ đầu tháng 1/2023 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã đấu thầu thành công với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, cũng như thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh; riêng đối với thiết bị, vật tư là hơn 1.700 tỷ đồng và thuốc là 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều gói thầu giảm được từ 15 đến 30% giá thành so với giá kế hoạch.

Tương tự, với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau dịch COVID-19, số người bệnh đến khám, phẫu thuật tăng tới 200%, trong khi quy định về mua sắm, đấu thầu chỉ được vượt 130%.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung; nhiều vật tư y tế, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có một đến hai nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện.

Hà Cường

Tin mới