Báo cáo hợp nhất tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2013.
Báo cáo hợp nhất tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, trong nhóm tập đoàn, tổng công ty “ăn nên làm ra” nhất đều “điểm danh” các “đại gia” viễn thông.
Theo đó, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) có doanh thu 193.003 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) có doanh thu 68.495 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông Mobifone đạt 36.258 tỷ đồng. Đây cũng là những đơn vị có số thu vào ngân sách nhà nước lớn như Viettel (24.080 tỷ đồng), VNPT (6.441 tỷ đồng).
Đây cũng là những đơn vị nằm trong danh sách các tập đoàn có lợi nhuận kế toán trước thuế đạt cao trên 2.000 tỷ đồng: Viettel 42.184 tỷ đồng, Mobifone 6.373 tỷ đồng.
Các đơn vị này cũng có tỷ suất Lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu đạt cao như: MobiFone đạt 53%; Viettel đạt 40%; Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) đạt 35%.
Dù phải tiến hành tái cấu trúc trong năm 2015 nhưng VNPT vẫn đạt kết quả kinh doanh khá khả quan. |
Báo cáo của Công ty mẹ, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013. Trong đó nợ phải thu khó đòi là 9.569 tỷ đồng, tăng 19,4% so với thực hiện năm 2013, chiếm 4,3%/Tổng số nợ phải thu.
Theo báo cáo, nợ phải thu khó đòi theo báo cáo của công ty mẹ thuộc lĩnh vực viễn thông như : Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT là 2.249 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone là 345 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) có nợ phải thu khó đòi có giá trị tuyệt đối không lớn nhưng tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu cao. VTVcab có nợ phải thu khó đòi 54,223 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng nợ phải thu.
Hay như Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Truyền hình K+) âm (-) vốn chủ sở hữu 1.552 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC lỗ lũy kế đến nay là 200 tỷ đồng.
Báo cáo này cũng nhận định, VNPT và MobiFone không bảo toàn được vốn chủ sở hữu hoặc âm (-) vốn chủ sở hữu do tách doanh nghiệp và thực hiện Đề án tái cấu trúc đã được Chính phủ phê duyệt nên vốn chủ sở hữu năm 2014 giảm so với năm 2013 dẫn đến hệ số bảo toàn vốn (H) nhỏ hơn 1 nhưng trên thực tế các doanh nghiệp này vẫn bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Theo đó, VNPT chỉ còn hệ số bảo toàn vốn H=0,84, MobiFone H= 0,91
Nguồn: Baodautu