Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Techcombank tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng

(VTC News) -

Dù nợ xấu giảm gần 18% so đầu năm nhưng nợ dưới chuẩn của Techcombank đang trên đà gia tăng.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoánTCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với kết quả khá ấn tượng. Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 4.212 tỷ đồng tăng 25%, lợi nhuận trước thuế của TCB đạt gần 3.121 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ 2019.

Hầu hết các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng khá. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 52% đạt 862 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác gần 354 tỷ đồng tăng 15%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt hơn 557 tỷ đồng, gấp 8,7 lần cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 13% chỉ còn hơn 73 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 28 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 9 tỷ đồng.

Theo báo cáo, chi phí hoạt động trong kỳ tăng 33% lên gần 2.138 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lương tăng 32%, chi phí dụng cụ, thiết bị và điện nước…

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Techcombank trong kỳ cũng tăng mạnh gấp 4,6 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 772 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy nợ xấu ngân hàng tại ngày 31/3 giảm 18% so với đầu năm, chỉ còn gần 2.530 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong khi nợ nghi ngờ giảm 4% chiếm 294,2 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn giảm 28% chiếm hơn 1.830 tỷ đồng, thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng 86% ghi nhận hơn 405,4 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ mức 1,33% hồi đầu năm xuống còn 1,09%.

Nợ quá hạn ở nhiều ngân hàng tăng vọt

Kết thúc quý I, nợ cần chú ý ở nhiều ngân hàng tăng đột biến.

Cụ thể, nợ cần chú ý của PGBank tăng hơn 320% so với đầu năm, Vietcombank tăng gần gấp đôi, Sacombank tăng 80%, còn MB tăng 65%...

Bên cạnh nợ cần chú ý phình to, tỷ lệ nợ xấu cũng có gia tăng ở nhiều ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, MB, Sacombank, cho đến các ngân hàng nhỏ hơn như PGBank, Kienlongbank...

MB, Vietinbank, TPBank là ba trong số các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh nhất trong ba tháng đầu năm vì Covid-19. Ở VietinBank, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 5 lần từ mức 2.060 tỷ lên 9.700 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này nhảy vọt từ 1,16% lên 1,83%. Còn ở MB, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng lần lượt hơn 90% và 47% đưa tỷ lệ nợ xấu lên 1,62%. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của TPBank cũng đều tăng hơn 60%.

Hòa Bình

Tin mới