Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nợ 300 triệu, Đào Anh Khánh không làm Đáo xuân 2011

(VTC News) - Mệt mỏi và đang chịu gánh nặng kinh tế, Đào Anh Khánh quyết định không tổ chức Đáo xuân vào đầu năm 2011.

(VTC News) - Mệt mỏi và đang chịu gánh nặng kinh tế, Đào Anh Khánh quyết định không tổ chức Đáo xuân vào đầu 2011 như mọi năm. Anh cũng chia sẻ, năm 2012 sẽ tổ chức Đáo xuân tại Lạc Sơn, Hòa Bình như một lời cảm ơn tới hai bản người Mường đã giúp đỡ anh trong nhiều năm qua.

- Trong năm 2010, anh tổ chức hàng loạt sự kiện đương đại lớn chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Nhìn lại thành công đó, ảnh cảm thấy hài lòng chứ? 

- Dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long là thời điểm mà tôi chuẩn bị khá kỹ sẽ phải làm gì từ trước đó khá lâu. Và, Dự án Dòng chảy nghìn năm ra đời với 3 sự kiện lớn: Hội tụ ánh sáng, Cầu âm thanh, Cây đời. 3 sự kiện đó được tổ chức thành công, phần nào thỏa mãn mong muốn của tôi, của các nghệ sỹ làm nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Đào Anh Khánh luôn xuất hiện khác lạ trong các lần tổ chức Đáo xuân. 

 
Hỏi rằng, tôi có hạnh phúc không? Tôi cho đó là niềm vui, hạnh phúc cá nhân, vì qua sự kiện, tôi nhận được nhiều lời bình luận, nhận xét khen ngợi lớn lao, quan trọng. Tuy nhiên, nói hài lòng không, thì tôi cảm thấy không hài lòng lắm. Với một dự án quan trọng như thế, tôi đòi hỏi tính đồng bộ, hiệu quả, giá trị nghệ thuật cao hơn rất nhiều và tôi sẵn sàng quên đi tất cả những lời khen dành cho mình. Thiết nghĩ, nghệ thuật trước tiên là thứ thưởng thức, chơi bời nhưng nó đầy thử thách và vô cùng khắt khe. Do vậy, nếu nhìn góc độ một nghệ sỹ khắt khe, nhiều khi tôi còn thấy buồn vì những điều làm được, đôi khi không như mong muốn.

- Sau khi hoàn thành 3 sự kiến lớn trong dự án Dòng chảy nghìn năm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, có thông tin vì nợ nần, anh không làm Đáo Xuân 2011 nữa?

- Tôi luôn muốn Đáo xuân được làm thường niên vào đầu năm mới, ngày 24/2.  Đây là một hoạt động nghệ thuật đương đại được tổ chức 5 năm qua, thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng, cũng là cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa các nghệ sỹ đương đại trong cả nước.

Quy mô tổ chức Đáo xuân tùy theo mỗi năm, theo điều kiện kinh tế của tôi. Thực sự, tôi muốn duy trì hoạt động này như một nếp văn hóa đầu năm mới của mọi người. Tôi vui, khi nhiều năm qua, không ít người so sánh Đáo xuân giống như một hội làng đầu năm tổ chức tại Gia Lâm. Năm 2011 này, có 2 nguyên nhân, khiến tôi phải hoãn tổ chức Đáo xuân.

Đáo xuân 2011 không được tổ chức vì lý do kinh tế và sự mệt mỏi khi tổ chức loạt sự kiện lớn trong năm 2010.

Thứ nhất, trong năm 2010, tôi thực hiện liền ba sự kiện lớn trong dự án Dòng chảy ngàn năm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long tiêu tốn gần 4 tỷ đồng, khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, hơi quá tải nếu làm tiếp Đáo xuân. Thứ 2, tôi vẫn mang gánh nặng kinh tế, còn nợ 300 triệu khi tổ chức Dự án Dòng chảy ngàn năm, nên chưa có điều kiện thực hiện tiếp Đáo Xuân 2011 nữa. Tôi sẽ thực hiện Đáo xuân vào năm sau, đúng tháng 2/2012 tại Lạc Sơn, Hòa Bình, nơi có 2 bản của dân tộc Mường mà tôi từng lấy hơn 100 diễn viên về Hà Nội trình diễn suốt mấy năm qua.

- Nghệ thuật của Đào Anh Khánh không phải công chúng xem là hiểu ngay. Trong khi ở Hà Nội, sau nhiều năm nỗ lực anh đang có một số lượng nhất định công chúng quan tâm, thì tại sao anh lại chọn một nơi xa xôi như Hòa Bình để tổ chức Đáo Xuân?

- Tôi làm Đáo Xuân 2012 ở Lạc Sơn, Hòa Bình, bởi đó là món quà tặng 2 bản người Mường giúp đỡ tôi trong suốt nhiều năm qua mà chưa một lần họ có điều kiện về Hà Nội xem tôi và con cháu họ biểu diễn. Hơn nữa, ở Hòa Bình, không gian rất hùng vĩ và đẹp.

Tôi nghĩ, một hoạt động nghệ thuật luôn cần tính rộng mở. Mục tiêu của tôi là đưa nghệ thuật tới tất cả người dân, để họ tiếp cận văn hóa mới, chứ không không bao giờ quan niệm, với công chúng có tầm hiểu biết hạn chế, chúng ta chỉ cần đưa họ món ăn nghệ thuật tầm tầm, vừa vừa, hay hơi phế phẩm một tý là phù hợp. Nhiều khi chúng ta đưa đến nơi công chúng xa xôi thứ văn hóa cũ kỹ, với lý do họ khó tiếp cận được văn hóa mới. Đó là quan niệm sai lầm.

Diễn viên của tôi là người dân tộc Mường, là nông dân thuần túy, tại sao họ về làm việc với tôi trong một thời gian ngắn, lại có thể biểu diễn nhiều sự kiện đương đại tinh xảo cho công chúng ở Hà Nội xem? Vậy thì ở đây có vấn đề nhận thức không? Nhiều người tự cho mình là hiểu biết lại đóng cửa với mọi thứ văn hóa mới, cho rằng kiến thức mình biết là đủ rồi, điều đó khiến cho họ trở nên tụt hậu. Tất nhiên, tôi không hy vọng việc tổ chức Đáo Xuân 2012 ở Hòa Bình ngay lập tức làm cho công chúng ở đây hiểu, cảm nhận được, nhưng ít ra, họ sẽ được nhìn thấy một thế giới mới.

- Năm mới, hỏi chuyện cũ một chút nhé! Chắc chắn, rất nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao anh đang hoạt động trong lĩnh vực an ninh quản lý văn hóa, “đùng” một cái lại trở thành một nghệ sỹ “điên” hết mình với nghệ thuật đương đại?

- Phải nói rằng, đó là một chặng đường biến đổi không ngừng của tôi. Tôi vốn là một công an bảo vệ văn hóa và gắn bó tới 18 năm trong công tác an ninh. Đối với tôi, mọi thứ đều có một quá trình chuyển hóa, chứ không phải tôi nhảy “bụp” một cái vào nghệ thuật đương đại. Ngay trong thời gian làm công an, tôi đã thích nghệ thuật rồi.

Năm 1993, tôi rời ngành công an, đến gần 6 năm sau, tức năm 1998, tôi mới bắt tay vào hoạt động nghệ thuật đương đại một cách sơ khai. Khoảng thời gian từ năm 1993 đến 1998, tôi chủ yếu làm hội họa, điêu khắc. Thời điểm đầu làm nghệ thuật đương đại, tôi không hình dung đó là con đường mà mình sẽ dấn thân. Tôi đến với nghệ thuật đương đại bằng một hành vi tạt ngang, muốn làm gì đó thấy lạ và vui.

 Từ một công an trong lĩnh vực văn hóa, Đào Anh Khánh trở thành một nghệ sỹ đương đại.

- Trong năm tới, vợ anh Jenny sẽ phải ra nước ngoài làm việc tới 3-4 năm. Là chồng, anh sẽ theo chăm sóc cô ấy chứ?

- Đúng vậy, vợ tôi sẽ làm việc ở Đông Timor khoảng 3-4 năm và chắc chắn, trong một năm, tôi phải có một vài tháng sống ở nước ngoài cùng vợ. Tất nhiên, nếu sang đó, tôi vẫn làm việc bình thường. Đã là họa sỹ, chỉ cần ít màu và toan thì sống ở đâu chẳng được. Nhưng tôi vẫn sống ở Việt Nam là chủ yếu.

- Anh và người vợ Thụy Điển Jenny đã có một con trai hơn 3 tuổi. Anh có lo lắng sau này lớn lên, con anh sẽ cảm thấy “ái ngại” với bạn bè khi người ta gọi anh là một “nghệ sỹ điên khùng”?

- Với trẻ con, những điều người lớn sợ thì chúng lại không hề cảm thấy vậy. Trẻ con có thể học nói một lúc 3-4 thứ tiếng, mà không hề thấy khó khăn, chúng chấp nhận sự đối nghịch một cách rất tự nhiên. Nên, tôi không ái ngại việc sau này con mình sẽ có cái nhìn sai lệch về nghề nghiệp của bố. Tôi muốn con mình phát triển tự nhiên, đồng thời sẽ trang bị cho cháu kiến thức văn hóa nghệ thuật từ sớm. Nếu cháu thích đi theo con đường nghệ thuật của tôi cũng được, nhưng phải bắt nguồn từ sự yêu thích của chính nó.

Văn Trinh

Nguồn:

Tin mới