Ngày 04/4/2024, Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 1446/KH-BĐHCĐS triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh với chủ đề là “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: Thương mại điện tử-thanh toán không dùng tiền mặt; Số hóa các ngành kinh tế; Quản trị số; Dữ liệu số, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận xác định danh mục 12 nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số tập trung thực hiện trong năm 2024, gồm:
1. Xây dựng, hoàn thiện các quy định phục vụ triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu của tỉnh phục vụ công tác thu thập, tạo lập, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu mở.
2. Triển khai lộ trình ngừng sử dụng công nghệ di động 2G (thế hệ cũ) trên địa bàn tỉnh. Tận dụng tối đa lợi thế mạng 5G khi được thương mại hóa, tìm ra những ứng dụng mới, đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động đổi mới và thúc đẩy, phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
3. Triển khai Nền tảng Trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức.
Ảnh minh họa.
4. Xây dựng kho dữ liệu điện tử cá nhân.
5. Xây dựng kho học liệu số dùng chung phục vụ chuyển đổi số Ngành giáo dục và đào tạo.
6. Xây dựng chuyên mục, gương người tốt việc tốt, tuyên truyền, phổ biến về công tác chuyển đổi số đến người dân và doanh nghiệp.
7. Triển khai các Hệ thống chuyên ngành gắn với Hệ thống thông tin Giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung đưa vào vận hành Hệ thống thông tin Quản lý Đất đai có số lượng hồ sơ lớn, phức tạp, ảnh hưởng nhu cầu Người dân nhiều nhất.
8. Ra mắt ứng dụng Công dân tỉnh trên di động nhằm giúp người dân giao dịch với chính quyền tỉnh hiệu quả, thuận tiện, đơn giản.
9. Tiếp tục triển khai thực hiện mỗi cơ quan, đơn vị có tối thiểu một sản phẩm chuyển đổi số.
10. Triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử; đảm bảo mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%.
11. Mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản thanh toán số. Phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục làm thẻ, ví điện tử cho người dân. Tuyên truyền, khuyến khích các cửa hàng, cửa hiệu, bệnh viện, trường học hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. Có các chính sách ưu đãi cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai phong trào phường xã, khu phố ấp số không dùng tiền mặt và các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số khác.
12. Mỗi người dân có một danh tính số. Tuyên truyền, thúc đẩy người dân thiết lập tài khoản VNeID, đặc biệt là định danh mức độ 2. Lập danh sách các hệ thống thông tin phục vụ người dân; tích hợp sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng dịch vụ số.
Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh cũng xác định những nhiệm vụ thường xuyên đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu Kế hoạch đề ra. Những nhiệm vụ nêu trên được giao cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương gắn với thời hạn để theo dõi, đánh giá kết quả triển khai; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chuyển đổi số nhằm tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh.
Năm 2023 triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dần được hoàn thiện; cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành từng bước được hình thành; việc số hóa hồ sơ, tài liệu, số hóa quy trình được đẩy mạnh triển khai xây dựng; kết nối, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, quản trị ngân hàng, tài chính đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế số và xã hội số. Công tác truyền thông, tập huấn, hướng dẫn với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả tại các địa phương, cơ quan, đơn vị đã góp phần nâng nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và xã hội về chuyển đổi số.