Bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng
Ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1319/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định tầm nhìn đến năm 2050, phát triển: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy.
Ninh Thuận có nhiều giá trị khác biệt, có bản sắc riêng.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Về mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 - 11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng; tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 53 - 54%; khu vực dịch vụ khoảng 34 - 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 - 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2 - 3%; Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030.
Du lịch là kinh tế mũi nhọn.
Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng đến năm 2030, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận xác định 05 ngành quan trọng, gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản.
Cụ thể, về ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh; phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Du lịch là kinh tế mũi nhọn
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030, Ninh Thuận phát triển trọng tâm khu vực phía Nam tạo tiền đề hình thành khu kinh tế ven biển; hệ thống cảng biển Ninh Thuận (khu bến Cà Ná và bến Ninh Chữ) là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực; đầu tư cảng hàng không Thành Sơn.
Tập trung phát triển các ngành quan trọng như năng lượng, năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo (ưu tiên với cảng biển và trung tâm logistics); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản…
Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng "bền vững - chất lượng cao - độc đáo" của Ninh Thuận.
Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.
Phát triển tập trung vào dải ven biển, khu vực đặc thù như cồn cát, sản xuất muối… tạo sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt.
Tạo dựng liên kết du lịch nội vùng và liên vùng, đặc biệt là giữa Nha Trang - Đà Lạt - Ninh Thuận. Trong đó, phát triển Ninh Thuận là một trong những điểm đến quan trọng trong vùng.
Nâng cao tỷ trọng công nghiệp - nông nghiệp - bất động sản
Về công nghiệp chế biến, chế tạo, phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP toàn tỉnh, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 25-30%. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu vực cảng biển và trung tâm logistics theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh.
Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 7-8% GRDP của tỉnh. Phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.
Về xây dựng và thị trường bất động sản, phấn đấu đến năm 2030, ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 19-20% GRDP toàn tỉnh. Phát triển ngành xây dựng đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của đô thị - nông thôn đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, đa dạng các loại hình bất động sản nhà ở, thương mại, du lịch, công nghiệp,… phù hợp nhu cầu của thị trường với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Xác định các vùng động lực phát triển của Ninh Thuận
Theo quy hoạch, 4 vùng lãnh thổ của Ninh Thuận gồm: vùng trung tâm (TP Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận); phía Bắc (huyện Thuận Bắc, Ninh Hải); phía Tây (huyện Ninh Sơn, Bác Ái) và phía Nam (huyện Ninh Phước, Thuận Nam).
3 vùng động lực phát triển gồm:
Vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm bao gồm TP này và các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với đô thị Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm.
Những đô thị vệ tinh phụ trợ có chức năng riêng biệt như: Lợi Hải - công nghiệp; Thanh Hải - du lịch; Phước Dân - thương mại dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước, là vùng phát triển công nghiệp - cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch.
Trong đó, đô thị Phước Nam là trung tâm vùng, các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt như: Cà Ná - công nghiệp, cảng biển; Sơn Hải - du lịch - dịch vụ.
Vùng phát triển phía Tây bao gồm 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái, là vùng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng, du lịch.
Trong đó, trung tâm vùng phát triển phía Tây là đô thị Tân Sơn, các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt gồm: Lâm Sơn - thương mại dịch vụ và năng lượng; Phước Đại - thương mại dịch vụ, đào tạo và điều phối năng lượng.
3 hành lang kinh tế gồm:
Hành lang phát triển đa dạng bám dọc theo quốc lộ 1, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đây là hành lang có tiềm năng phát triển quan trọng và đa dạng nhất, kết nối hệ thống đô thị, công nghiệp, cảng biển của Ninh Thuận.
Hành lang phát triển sinh thái bám dọc theo trục Đông - Tây, quốc lộ 27, 27B và dọc sông Dinh, Vườn quốc gia Phước Bình; nhằm kết nối phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các cụm công nghiệp phụ trợ, năng lượng...
Hành lang phát triển ven biển bám dọc theo tuyến đường ven biển từ Bắc đến Nam và khu vực vùng bờ. Đây là khu vực có mật độ thấp, phát triển du lịch là chủ đạo gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa.