"Kinh tế Việt Nam đang trở thành câu chuyện thành công duy nhất của Đông Nam Á trong kỷ nguyên COVID-19", tờ Nikkei Asian Review nhận định. Trong khi các nền kinh tế khác chật vật gượng dậy từ cuộc khủng hoảng, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương.
Trong quý III, GDP Việt Nam leo dốc 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đất nước đã ghi nhận 2 quý tăng trưởng dương liên tiếp giữa bối cảnh đại dịch. Quỹ Tiền tế Quốc tế (IMF) cũng dự báo GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ vượt Singapore, Malaysia và gần bằng Philippines trong năm nay.
Xuất khẩu gia tăng góp phần vào duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. (Ảnh: Reuters)
Tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19
Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc cũng giúp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng.
Trong tháng 10, xuất khẩu tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,7%. Bộ Công Thương cũng dự báo mức tăng cả năm là 3-4%.
Hồi cuối tháng 10, một siêu tàu container do hãng Maersk vận hành lần đầu cập cảng Cái Mép - cảng lớn nhất ở khu vực phía Nam. Trước đây, các tàu này thường chọn những cảng lớn trong khu vực, chẳng hạn như Singapore.
Tuy nhiên, xuất khẩu gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu vận tải biển tại Việt Nam. Điều này cho phép hàng hóa Việt Nam được vận chuyển trực tiếp đến người mua, giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển, từ đó gia tăng sức mạnh cạnh tranh.
Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Tờ Nikkei nhận định thương mại Việt Nam cũng hưởng lợi từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy ra khỏi đất nước tỷ dân để tránh đòn thuế từ Washington.
Ngay cả các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp Trung Quốc cũng chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lao động tay nghề cao, giá rẻ. Theo Nikkei, gã khổng lồ sản xuất Samsung Electronics cũng lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy tính cá nhân đến Việt Nam sau khi đóng cửa một nhà máy tại Trung Quốc.
Tính đến nay, Việt Nam mới báo cáo khoảng 1.300 trường hợp nhiễm COVID-19. Sau 3 tuần cách ly xã hội hồi tháng 4, đất nước trở lại sản xuất bình thường sớm hơn những quốc gia khác trong khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp hạn chế, trong khi chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định.
Thay đổi trật tự kinh tế khu vực
Trong khi đó, các quốc gia ASEAN khác vẫn chật vật vì cuộc khủng hoảng COVID-19. Hôm 19/11, bà Era Dabla Norris, Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF, cho biết kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 2,4% năm nay, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Hồi tháng trước, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 là 1,6%. Trong khi đó, nền kinh tế Singapore và Malaysia giảm 6%, Thái Lan lao dốc 7,1%. Riêng trong quý III, nền kinh tế Malaysia ghi nhận mức sụt giảm 2,7%, kéo lĩnh vực dịch vụ - vốn chiếm 60% GDP - lao dốc 4%.
Những ngành nghề liên quan đến du lịch đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Khách sạn Malaysia, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn nước này đã giảm xuống còn 20% trong tuần cuối cùng của tháng 10.
Tổ chức này cảnh báo rằng nếu không có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ, các doanh nghiệp du lịch "sẽ buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn và thực hiện các hành động quyết liệt để tồn tại", trong đó có cắt giảm việc làm.
Dữ liệu được Chính phủ Thái Lan công bố hôm 16/11 cho thấy GDP nước này sụt giảm 6,4%, đánh dấu quý thứ ba giảm liên tiếp. Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam (3.500 USD) vẫn thấp hơn nhiều so với Singapore (58.500 USD) và Malaysia (10.200 USD). Tuy nhiên, Nikkei nhận định đại dịch đang thúc đẩy sự thay đổi trật tự kinh tế khu vực.
Số ca nhiễm mới đang đạt mức cao tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, Malaysia chật vật với làn sóng thứ hai từ tháng 10. Một khi diễn biến dịch vẫn phức tạp, nền kinh tế sẽ bị đình trệ vì người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà, đẩy khả năng phục hồi kinh tế ra xa hơn.
"Một số quốc gia ASEAN được dự đoán sẽ phục hồi mạnh trong năm tới. Tuy nhiên, Việt Nam có thể vẫn là nền kinh tế duy nhất có mức tăng trưởng dương vào đầu năm 2021, tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh", tờ Nikkei nhận xét.
Tuy nhiên, Nikkei cũng cảnh báo một số rủi ro. Chẳng hạn, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có thể loại bỏ đòn thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này sẽ làm giảm tốc việc di chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.