Từ một miền quê chịu nhiều đau thương, mất mát trong thời chiến, cái nghèo cái khó cứ như sợi dây quấn riết, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) trỗi mình mạnh mẽ.
Để rồi, sau hàng chục năm ròng rã nỗ lực, phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Linh hân hoan đón nhận niềm vui kép khi vừa được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, đồng thời đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước.
Vươn lên từ đói nghèo và chiến tranh
Để thu về “quả ngọt” như ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Linh đã phải trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hi sinh, mất mát.
Song, dù ở bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, người dân Vĩnh Linh vẫn luôn giữ vững lòng trung dũng, kiên cường, không chịu khuất phục trước quân thù xâm lược, sẵn sàng "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Cũng vì lẽ đó mà Vĩnh Linh được mệnh danh là vùng "đất lửa" của Quảng Trị.
Công viên văn hoá huyện Vĩnh Linh. (Ảnh: UBND huyện cung cấp)
Còn nhớ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều chiến sĩ ở Vĩnh Linh đã anh dũng hy sinh, cảm tử mở đường máu tiếp viện, bảo vệ đảo Cồn Cỏ giữa vòng vây “mưa” bom, “bão” đạn của địch.
Chiến tranh hủy diệt tàn khốc, Vĩnh Linh phải lùi sâu vào lòng đất để bám trụ chiến đấu. Cả Vĩnh Linh đào 114 địa đạo với hàng triệu mét khối đất đá, tạo nên những làng hầm dọc ngang trong lòng đất. Di tích địa đạo Vịnh Mốc là minh chứng rõ nét nhất.
Từ sự tàn phá của chiến tranh, Vĩnh Linh vươn lên mạnh mẽ để trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. (Ảnh: UBND huyện cung cấp).
Hoà bình lập lại, không còn lựa chọn nào khác, Vĩnh Linh phải nỗ lực vươn lên từ đống đổ nát – tàn dư do chiến tranh để lại. Ít ai biết rằng, gần 14 năm trước, nền kinh tế - xã hội của Vĩnh Linh xếp vào diện khó khăn bậc nhất của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 còn ở mức cao (12,1%).
Thế nhưng, bằng nỗ lực phi thường, Vĩnh Linh hôm nay gặt hái được nhiều thành tựu đáng khâm phục. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2024 ước đạt 14,3%. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng giá trị sản xuất năm 2011 là 40,5%, đến nay giảm còn 22,5%. Công nghiệp - Xây dựng từ 24,7% năm 2011 đến nay đạt 32,5%. Thương mại - Dịch vụ từ 34,8% năm 2011 đến nay đạt 46% tổng giá trị sản xuất.
Những con đường giao thông nông thôn ở Vĩnh Linh được bê tông hoá. (Ảnh: UBND huyện cung cấp)
Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện sau gần 14 năm đã giảm mạnh (còn 1,96%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18,2 triệu đồng (năm 2011) lên 60,80 triệu đồng và dự tính cuối năm 2024 đạt 62,7 triệu đồng. Huyện đạt 9/9 tiêu chí; có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo UBND huyện Vĩnh Linh, thời gian qua, nền kinh tế của địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh, sản xuất nông nghiệp phát triển đúng hướng, hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của địa phương, dần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường: Vùng sản xuất cây hồ tiêu, cao su, lúa, vùng trồng chuyên canh cây ăn quả,... qua đó giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Các hợp tác xã (HTX) ngày càng phát huy vai trò hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Hiện nay, tại Vĩnh Linh cũng lan toả nhiều mô hình HTX giúp người dân làm giàu. Nổi bất nhất là mô hình “sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ Đông Xuân 2022-2023” tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm. Mô hình này được triển khai trên diện tích 14 ha, gồm 17 hộ tham gia, sử dụng giống lúa có phẩm cấp, năng suất, chất lượng cao ST25.
Kết quả, so với lúa bà con canh tác theo phương thức truyền thông thì giống lúa được sản xuất theo mô hình này cho cây cứng, khỏe mạnh, bộ lá màu xanh vừa phải từ đầu vụ đến cuối vụ. Cây lúa sạch sâu bệnh từ gốc đến ngọn, màu sắc hạt lúa vàng sáng hơn.
Năng suất lúa tươi đạt 62 tạ/ha, Công ty thương mại Quảng Trị bao tiêu đầu ra với giá 12.000 đồng/kg lúa tươi, cho nông dân nguồn lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với lúa sản xuất theo canh tác thông thường.
Bên cạnh đó, một mô hình cũng được đông đảo nông dân địa phương quan tâm là "ứng dụng công cụ sạ cụm vào sản xuất lúa" tại HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy với giống lúa Bắc Thơm 7, quy mô 2 ha của 9 hộ dân.
Máy sạ cụm giảm lượng lúa giống, giúp bà con tiết kiệm chi phí mua giống (từ 80-90kg/ha, nay chỉ cần gieo 50-60 kg/ha); năng suất lúa đạt khoảng 62 tạ/ha, cao hơn so với đại trà 5-7 tạ. Mô hình đạt lợi nhuận trên 29 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa bằng sạ lan (chỉ đạt 22 triệu đồng/ha).
Ngoài ra, mô hình HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Điển hình là HTX Sa Trung với 512 thành viên chính thức, nguồn vốn hoạt động 15,327 tỷ đồng, doanh thu bình quân hàng năm 3,625 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, bình quân lãi hàng năm 350 triệu đồng, mang lại khoảng thu nhập 4,8 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên.
Không 'ngủ quên' trong chiến thắng
Ông Trần Nhật Quang - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh chia sẻ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài những thuận lợi, địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, huyện có ba xã miền núi: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, xuất phát điểm thấp, nhưng lại là địa bàn rất quan trọng.
Mặc dù vậy, nhờ vào cuộc đúng và trúng, kịp thời Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cùng với sự giúp sức của các sở, ban, ngành trong tỉnh Quảng Trị làm cho diện mạo ba xã này thay đổi rõ rệt, trở thành ba xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của Quảng Trị đạt nông thôn mới. Điều này góp phần để Vĩnh Linh đạt đủ các điều kiện cần thiết để hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới.
Cửa Tùng là thị trấn ven biển có tốc độ phát triển ở lĩnh vực kinh tế và du lịch cao ở huyện Vĩnh Linh. (Ảnh: UBND huyện cung cấp)
Theo ông Quang, tùy từng giai đoạn, huyện luôn có mục tiêu cụ thể để thực hiện. “Giai đoạn 2020-2025 được xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao có liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chú trọng hơn nữa phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, gắn nông nghiệp với dịch vụ thương mại nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững” – Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh nói và thông tin thêm, địa phương đang tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng đa dạng hóa với mục đích nâng cao chất lượng, tăng số lượng gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.
Những con đường hoa xuất hiện ngày một nhiều ở Vĩnh Linh. (Ảnh: UBND huyện cung cấp)
Huyện xác định đạt kết quả huyện nông thôn mới là sự cộng hưởng trách nhiệm từ cấp ủy đến người dân. Xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng nên cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững, nâng tầm sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Địa phương cũng đang chú trọng đầu tư, cải tạo cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, làng nghề và chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho rằng, Vĩnh Linh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo ông Hưng, huyện cũng cần thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện phương châm xây dựng nông thôn mới không chỉ riêng cơ sở hạ tầng, mà còn xây dựng con người mới với tư duy và tầm nhìn mới.
Chiến tranh đã lùi xa về quá vãng, niềm vui kép đang “gõ cửa”, tin chắc Vĩnh Linh “đất lửa” anh hùng sẽ tiếp tục vững tin trên chặng đường phía trước, dẫu còn lắm chông gai và thử thách đang chờ.