Báo Vietnamnet dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội cho biết, mít là loại cây phổ biến với người dân Việt. Thành phần hóa học và dinh dưỡng của mít tốt cho sức khỏe người dùng. Thành phần múi mít có nước 72,3%; protein 1,7%; glucid 23,7%; lipid 0,3%.
100g múi mít có canxi 27g; phốt pho 38mg; sắt 0,6mg; natri 2mg; kali 407mg, các vitamin và cung cấp cho cơ thể 94 calo. Theo quan điểm Đông y, mít vị ngọt, mùi thơm, hơi chua, tác dụng kiện tỳ, ích khí, làm đẹp mặt mày, khỏi phiền khát.
Người ta sử dụng mít chín để giải rượu. Ngoài quả mít, các bộ phận khác của cây mít như gỗ, nhựa, lá đều có tác dụng làm bài thuốc chữa bệnh. Lá mít được dùng làm nước uống để lợi sữa cho sản phụ sau sinh và lành các vết thương hở.
Mít là loại quả ngon, bổ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được
Những trường hợp nên hạn chế ăn mít
Mít tuy tốt cho sức khoẻ nhưng có một số trường hợp dưới đây được khuyến cáo nên hạn chế ăn mít:
- Người mắc bệnh đái tháo đường
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TTND. Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y cho biết, mít có thể làm tăng lượng đường trong máu do có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza.
Do đó, người tiểu đường không nên ăn nhiều. Khi ăn cần được theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và điều chỉnh liều lượng thuốc trị bệnh nếu cần thiết.
- Người bị dị ứng phấn hoa
Những trường hợp này nên tránh ăn mít do có thể phản ứng chéo với mít.
- Người có cơ địa nóng trong:
Theo TTND. Trần Văn Bản, mít nhiều đường làm tăng chuyển hóa trong cơ thể, có thể gây tình trạng nóng trong, khó chịu. Với người vốn có sẵn cơ địa nóng trong, ăn mít có thể gây mẩn ngứa, mụn nhọt.
- Người bệnh suy thận mạn
Bệnh nhân suy thận mạn nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Ở người suy thận, kali ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu. Tăng kali máu đột ngột có thể làm ngừng tim. Vì vậy, các bệnh nhân bị suy thận mạn tính không nên ăn mít. Ngoài ra, người bệnh thận còn kiêng nhiều loại hoa quả khác như măng cụt, chuối.