Triệu chứng của bệnh nhân COVID-19 khá tương đồng với những người mắc bệnh lý viêm đường hô hấp thông thường khác. Vậy làm thế nào để tránh bỏ lọt bệnh nhân COVID-19 khi thăm khám lâm sàng?
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai phân tích về vấn đề này trong buổi tập huấn cho các nhân viên y tế về “Tăng cường biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh”.
Dấu hiệu
Phó giáo sư Cường giải thích virus tấn công trực tiếp tế bào phổi và niêm mạc (mắt, mũi họng, tiêu hóa) vào máu, tới các cơ quan, nội mạc mao mạch.
Ở trong máu, virus tấn công trực tiếp tế bào lympho. SARS-CoV-2 tấn công vào hầu hết cơ quan trong cơ thể. Do đó, ngoài biểu hiện ho, sốt, bệnh nhân còn gặp phải triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, tiêu chảy.
Theo số liệu từ Cục Y tế Dự phòng đánh giá trên 240 bệnh nhân mắc COVID-19 trong đợt dịch mới bùng phát, 71,31% không có triệu chứng.
Số còn lại gặp các triệu chứng như sốt (28,31%), ho (21,02%), mệt mỏi, đau người (12,22%), rát họng (9,66%), khó thở/tức ngực (5,68%) và sổ mũi (1,7%).
Phân tích số liệu này, phó giáo sư Cường đánh giá triệu chứng sổ mũi chiếm tỷ lệ nhỏ ở các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam. Do đó, chúng ta cần có sự phân biệt nó với người nhiễm nCoV và bệnh lý đường hô hấp thông thường khác. Các triệu chứng điển hình bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam thường gặp là sốt, ho, khó thở, mất khả năng ngửi.
Mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Chí Linh, Hải Dương.
Triệu chứng thay đổi rất nhanh
Ở các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, sốt chiếm đa số với 80-90%. Trong khi đó, các biểu hiện lâm sàng khác là ho khan (60-80%), khó thở (50-80%), mệt mỏi (30-40%), ỉa chảy (20-40%), đau đầu (25%), đau họng, đau cơ, chảy nước mũi (7%) và mất khứu giác, vị giác…
Bệnh nhân nặng sẽ gặp phải tình trạng suy hô hấp, có thể kèm theo triệu chứng cơ quan khác. Trường hợp nguy kịch sẽ phải thở máy xâm nhập, lọc máu, can thiệp ECMO.
Đặc điểm tổn thương phổi của bệnh nhân COVID-19 khó tiên đoán, xác định vì rất đa dạng, thường ở hai bên phổi, lan tỏa ngoại biên với những kính mờ, khối đông đặc, dễ nhầm với tổn thương do vi khuẩn gây ra.
Đặc biệt, phó giáo sư Cường lưu ý các triệu chứng có thể thay đổi rất nhanh, trở nặng từ tuần thứ 2 trở đi, tỷ lệ tử vong từ 2-25% (theo lãnh thổ và tuổi). Thời gian tử vong thường xảy ra sau 2-8 tuần mắc bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân COVID-19 trên thế giới còn gặp các triệu chứng lâm sàng khác về tiêu hóa (mất khứu giác, bụng chướng, đau bụng, tiêu chảy…), thần kinh (nhồi máu não, viêm não, liệt), suy gan, tổn thương thận, tổn thương da, chi khác… Đây là cơ sở để chúng ta lưu ý, phát hiện sớm người nhiễm SARS-CoV-2.
Theo bác sĩ Cường, người nhiễm SARS-CoV-2 thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Ở dạng nhẹ, các bệnh nhân nhiễm cúm, rhinovirus, myxovirus, adenovirus, cảm lạnh do coronavirus thông thường cũng có triệu chứng tương tự. Bệnh nhân nặng cũng có thể xuất phát từ viêm phổi do cúm (H1N1, H5N1, H7N9), MERS, các vi khuẩn không điển hình.
Do đó, mọi trường hợp nghi ngờ, có sốt hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng nguyên nhân khác; có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, cần được xét nghiệm để sàng lọc, tránh bỏ sót bệnh nhân.