Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những tín hiệu vui của nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Phúc

(VTC News) -

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất những năm gần đây giúp nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu mà Vĩnh Phúc hướng đến nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đây là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Chủ trương đúng

Thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 28 về việc triển khai Nghị quyết số 19.

Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể và định hướng, giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Theo đó, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc thực hiện tái cơ cấu theo hướng thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Theo định hướng chung, tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao…

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính; tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp đạt trung bình 2,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5 - 6%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước.

Tín hiệu vui

Với chủ trương và hành động đúng đắn, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tiến trình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tỉnh đã hình thành nhiều vùng, hợp tác xã sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.

Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng triển khai phần mềm VietGAP điện tử trong trồng trọt. Cụ thể, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những hợp tác xã đầu tiên trên cả nước ứng dụng triển khai phần mềm này.

Nhờ ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử trên máy tính hoặc trên điện thoại thông minh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trở nên khoa học, thuận lợi.

Các xã viên không phải ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay, thay vào đó, với phần mềm VietGAP điện tử, chỉ cần tra cứu trên điện thoại là tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ đều được hiển thị. Việc quản lý vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và việc giám sát quy trình sản xuất của xã viên cũng được thuận tiện, dễ dàng hơn. 

Cơ sở trồng nấm đùi gà công nghệ cao quy mô lớn nhất miền Bắc tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 11.033,8 tỷ đồng, tăng 0,56% so với năm 2021. 

Bước sang năm 2023 này, địa phương sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,… Cũng trong năm nay, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ giới hóa, các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật.

Trong chăn nuôi, tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới (về giống, thức ăn, thú y…), công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh.

Bảo Anh

Tin mới