Bác sĩ tư vấn Nguyễn Văn Chánh, Phó Quản lý khu vực 760, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, chia sẻ, người dân thắc mắc tại sao có tình trạng ở nhà vẫn lây nhiễm COVID-19 chủ yếu là do họ không phát hiện được nguồn lây từ đâu.
Theo BS Chánh, dù ở nhà, chúng ta vẫn tiếp xúc người giao hàng hay nhận thực phẩm, hàng hóa… đưa từ ngoài vào nhà hoặc người thân ra ngoài mang virus về.
Các bác sĩ cũng chia sẻ về một số thói quen dễ gây nguy cơ lây nhiễm nCov của người dân:
Không sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với những đồ vật có nguy cơ: Virus có thể tồn tại trên các bề mặt bàn, ghế, vật dụng, thực phẩm... Các F0 đi đến chợ có thể phát tán virus qua đường hắt xì, ho, thở… Khi bạn đi chợ, bàn tay bạn tiếp xúc lên các bề mặt đó rồi chạm lên mặt mình từ đó tạo nên nguy cơ lây nhiễm. Không chỉ đi chợ, khi ra khỏi nhà lấy thực phẩm, hàng mua online… tức là tiếp xúc với các vật dụng không đảm bảo, bạn cũng có nguy cơ lây nhiễm.
Không khử khuẩn đồ vật từ bên ngoài trước khi mang vào nhà: Sau khi mang các đồ vật ở ngoài về nhà, bạn nên sát khuẩn tay và tất cả các đồ vật trước khi bước vào nhà để đề phòng nguy cơ virus đã bám lên bề mặt các đồ vật này và theo về nhà.
Trực tiếp nhận hàng từ shipper: Theo BS Chánh, người dân nên giữ khoảng cách khi nhận hàng từ người giao hàng. Bạn nên nhờ họ đặt hàng ở tại một địa điểm nhất định sau đó bạn ra lấy, không nên tiếp xúc mặt đối mặt. Sau đó, bạn khử khuẩn tay và đồ đạc, hàng hóa trước khi mang vào nhà. Người dân cũng nên thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản online thay vì đưa tiền mặt. Với trường hợp shipper không tuân thủ 5K, bạn nên từ chối nhận hàng bởi họ là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân.
Thường xuyên chạm tay lên mắt, mũi, miệng: Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng và nhiều F0 trong cộng đồng, tốt nhất bạn nên hạn chế thói quen này và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn.
Đóng kín nhà: Virus ra ngoài môi trường rộng lớn, thông thoáng có khí trời, gió, ánh nắng… nồng độ sẽ thấp, có thể bị bất hoạt làm giảm khả năng lây nhiễm. Các gia đình có F0 vẫn được khuyên là nên mở cửa để căn nhà thông thoáng. Virus càng gây nguy cơ lây nhiễm cao nếu trong phòng kín, siêu thị, thang máy. Tốt nhất bạn nên giữ môi trường sống thoáng khí bằng cách mở cửa sổ, bật quạt hướng vào các khoảng không trong nhà để tạo luồng khí chuyển động từ trong ra ngoài nhà…
Đi thang máy đông người: Thang máy là môi trường dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài xịt khuẩn trước và sau khi chạm vào nút bấm, người dân không nên chạm, tựa lưng vào thành thang máy. Dù bạn đeo khẩu trang, xịt khuẩn nhưng khi vào chung thang máy với người khác, bạn đã có nguy cơ lây nhiễm vì không gian thang máy bức bí và nhỏ, kín nếu bạn vào thang máy cùng một F0 thì thật sự nguy hiểm. Bạn nên hạn chế đi thang máy, thay vào đó sử dụng thang bộ. Trường hợp phải đi thang máy, bạn nên đi một mình, không nên tiếp xúc với ai. Các nút bấm của thang máy nên được dán lớp bảo vệ ngoài và thường xuyên xịt khuẩn để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Chỉ khử khuẩn tay: Nhiều người dân chỉ chú trọng sát khuẩn bàn tay mà quên mất các vật dụng khác trên người như giày dép, quần áo. Theo BS Chánh, giày dép là bề mặt dễ chứa virus và quần áo, đồ vật như túi xách, mũ… cũng vậy. Khẩu trang có thể bảo vệ khuôn mặt bạn nhưng virus vẫn bám vào quần áo, đồ trên người… Về nhà, nếu không khử khuẩn, bạn chạm tay vào quần áo, vật dụng và đưa lên mặt cũng sẽ gây ra nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy ngay khi ra ngoài về nhà, bạn nên sát khuẩn tay, tắm rửa và thay quần áo trước khi thực hiện các hoạt động khác.
Sử dụng 1 khẩu trang y tế nhiều lần: Nhiều người dân vì tiếc nên không thường xuyên thay khẩu trang hoặc ra ngoài về không chịu bỏ khẩu trang cũng như bỏ không đúng cách, sau khi bỏ khẩu trang lại quên rửa tay lại. Cũng theo BS Chánh, một số người đeo khẩu trang nhưng chỉ che miệng nhưng không che kín phần mũi, nguy cơ lây nhiễm tương tự người không đeo khẩu trang. Vì vậy, chúng ta không nên tiếc một chiếc khẩu trang hoặc sử dụng khẩu trang không đúng cách mà làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Không khử khuẩn tiền, điện thoại: Về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi ở nhà, TS.BS Võ Văn Hải, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cũng khuyến cáo, hai vật dụng người dân thường dùng nhưng hay quên xịt sát trùng đó là tiền giấy và điện thoại cầm tay. “Điện thoại cầm tay, cũng như đôi bàn tay, bạn hạn chế đưa lên áp vào má nghe và cần thường xuyên khử khuẩn, nhất là khi ra ngoài đường về nhà, trước khi ăn uống...”, TS.BS Hải chia sẻ.
Cũng theo BS Hải, tiếp xúc tiền giấy không khác gì tiếp xúc với tay nắm cửa nơi công cộng – nguy cơ lây nhiễm cao. Người dân nên hạn chế tiếp xúc tối đa hoặc chỉ tiếp xúc khi tiền đã được khử khuẩn. Sau khi chạm tay lên bề mặt tiền, bạn phải tuyệt đối xịt sát trùng hoặc rửa tay với xà phòng khử khuẩn dù tiền giấy đó được khử khuẩn hay chưa. Ngoài ra, ví tiền, thẻ ngân hàng cũng cần lưu ý cẩn trọng khử khuẩn thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo BS Hải, khi bước vào nhà (dù đi ra khỏi nhà với thời gian ngắn hay dài) bạn cũng tuyệt đối tuân thủ đúng 5K. Chỉ khi nào bạn đã "khử khuẩn", bạn an toàn lúc đó mới được tiếp xúc các vật dụng và người trong nhà.
Do biến chủng này có khả năng lây lan nhanh, TS.BS Võ Văn Hải tiếp tục khuyến cáo người dân:
- Tiêm đủ 2 mũi vaccine càng sớm càng tốt và tiêm đúng theo khuyến cáo nhà sản xuất.
- Luôn luôn nâng sức đề kháng cơ thể.
- Luôn luôn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc hàng ngày và đúng cách.
- Luôn tuân thủ 5K và nhắc nhở mọi người chung quanh bạn thực hiện theo.