VTC News điểm lại những thành công tiêu biểu của Việt Nam trong năm qua:
1. Thành công Đại hội XIII của Đảng
Ngày 1/2/2021, Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc sau hơn 7 ngày làm việc (sớm hơn gần 2 ngày so với chương trình dự kiến ban đầu). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm 200 người, trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng bầu Bộ Chính trị gồm 18 người. Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 người được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 người.
Bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp; là một trong những Đại hội thành công nhất trên các mặt, truyền được cảm hứng và quyết tâm, ý chí, bản lĩnh để đưa đất nước phát triển ở tầm cao mới.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội.
2. Điểm sáng kiểm soát COVID-19
Việt Nam bước vào năm Canh Tý với mối đe doạ từ đại dịch COVID-19. Ngay khi dịch mới bùng phát và chưa vào Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Y tế đã có cảnh báo sớm. Cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân đoàn kết, đồng lòng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nhanh chóng kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng.
Việt Nam cũng đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch.
Cộng đồng quốc tế đánh giá: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác.
Việt Nam được thế giới ghi nhận là một hình mẫu chống đại dịch COVID-19.
Đáng chú ý, ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và tác động mạnh mẽ tới các hoạt động kinh tế-xã hội và người dân, Chính phủ đã triển khai, chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Hàng chục triệu người được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Chúng ta thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân và đón khoảng 45.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước an toàn, thể hiện đạo lý đùm bọc, chia sẻ trong khó khăn, hoạn nạn của dân tộc ta.
Những ngày cuối năm Canh Tý, Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với làn sóng dịch mới, nguy hiểm và phức tạp hơn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thông chính trị, những ổ dịch lớn đang dần được kiểm soát.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhưng với thái độ cương quyết, kịp thời nhất định chúng ta sẽ khống chế dịch bệnh thành công.
3. Ổn định kinh tế vĩ mô
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, Chính phủ đã đề ra "mục tiêu kép", thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu thiệt hại đối với người dân và doanh nghiệp, duy trì và phục hồi nền kinh tế.
Kết quả, trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN.
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh so với năm 2019 (với mức tăng 34% trong 11 tháng đầu năm 2020), đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong năm đại dịch COVID-19.
Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
4. Đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế
Năm qua, với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh COVID-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 trong tháng 11 đã thông qua số lượng văn kiện kỷ lục (hơn 80 văn kiện).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN 2021 cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam Pengiran Haji Sahari bin Pengiran Haji Salleh.
Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung của Hội đồng Bảo an; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; phát huy “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.
Việt Nam đã nâng tầm tham gia các hoạt động đa phương, đó là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương, phục vụ cho lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.
Minh chứng là ngày 27/12/2020, lần đầu tiên thế giới tổ chức "Ngày thế giới sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh" theo Nghị quyết được Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 7/12 theo đề xuất của Việt Nam, và được rất nhiều nước hưởng ứng tham gia đồng sáng kiến.
5. Khắc phục hậu quả thiên tai lịch sử
Trong khi bệnh dịch còn rình rập, tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” với cường độ chưa từng có xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại rất nặng nề cho sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân.
Theo thống kê, trong năm 2020 nước ta hứng chịu trên 458 trận thiên tai, làm 342 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành đã cố gắng vượt bậc, nhất là các địa phương và lực lượng quân đội đã tập trung toàn lực, thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp “4 tại chỗ” phòng chống, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiệt hại.
Bộ đội, công an xới đống bùn nhão tìm 14 người còn mất tích ở Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam vào tháng 10/2020.
Một lần nữa, Việt Nam lại ngời sáng tình đồng bào-đồng chí-đồng đội nhân văn, sẻ chia, đùm bọc, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Chính phủ đã chỉ đạo các cấp các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân; bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men; khắc phục nhanh các công trình hạ tầng, trường học, bệnh viện bị hư hỏng, ngập lụt; sớm phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, ổn định cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng.
6. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng
Năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 5 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng) do có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Phiên toà xét xử cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng các đồng phạm.
Một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý như các vụ liên quan tới Công ty Hải Thành - Quân chủng Hải Quân, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, BIDV, Sacombank, Công ty Gang thép Thái Nguyên, các vụ vi phạm về quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Đà Nẵng, TP.HCM.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án được nâng lên rõ rệt.
7. Nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế tăng
Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập và đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á.
Còn theo Ngân hàng Thế giới, Chỉ số Vốn Con người (Human Capital Index-HCI) của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69 trong vòng 10 năm 2010-2020, cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập (0,56), cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện các vấn đề về sức khỏe và giáo dục.
Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Với chỉ số HDI là 0,704 năm 2019 (công bố ngày 16/12/2020), Việt Nam xếp thứ 117 trong tổng số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam vào nhóm có HDI ở mức cao. Từ năm 1990-2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.
Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập và đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ số quyền lực châu Á (Asia Power Index) năm 2020 của Việt Nam, theo công bố từ Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Lowy của Australia, xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một bậc so với năm ngoái. Thứ hạng của Việt Nam được cải thiện nhờ tăng 3 bậc về ảnh hưởng ngoại giao và tăng 3 bậc về mạng lưới quốc phòng.