Hôm 4/11, trong lúc cả nước đang hướng mắt về miền Trung vì bão số 12 với sức gió trên 100 km/h, đêm Bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 vẫn diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà bất chấp đây là nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão.
Hình ảnh, tin tức về người dân gồng mình chống chọi lại thảm hoạ đối lập hoàn toàn với cảnh tượng diễn ra trên sóng truyền hình: hàng chục thí sinh thi nhau khoe sắc, ca sĩ khuấy hào hứng động cuộc thi, MC và khách mời vẫn tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình.
Phần đông ý kiến cho rằng đây là hành động vô cảm, quay lưng trước nỗi đau của đất nước. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm bày tỏ sự thông cảm với ban tổ chức, vì thảm hoạ là chuyện bất khả kháng, trong khi chương trình từng được lên kế hoạch từ lâu.
Trước sự việc này, nhiều khán giả thuộc nhóm phản đối đã dẫn những trường hợp khác trên thế giới như Mỹ và Hàn Quốc. Tại đó, nền giải trí các nước đều có những cách bày tỏ niềm tiếc thương đến những sự kiện thảm hoạ dù do con người hay thiên nhiên gây ra.
Huỷ công chiếu phim vì vụ xả súng tại Las Vegas
Cách đây một tháng, nước Mỹ chấn động vì cuộc khủng bố được cho là đẫm máu nhất trong lịch sử, khi có ít nhất 59 người chết và hơn 527 người bị thương trong vụ xả súng diễn ra ở đại lộ có nhiều sòng bài nổi tiếng tại thành phố Las Vegas.
Sự kiện này khiến 3 bộ phim gồm Blade Runner 2049, Marshall và Wonder Wheel phải hủy lễ ra mắt thảm đỏ trước một tuần công chiếu. "Chúng tôi vô cùng tiếc thương và xin gửi lời cầu nguyện đến tất cả nạn nhân, những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này", một đại diện của ê-kíp phát hành Blade Runner phát biểu.
Đột ngột nhất là Open Road, công ty sản xuất Marshall, khi chỉ còn cách vài tiếng để tiếp nhà báo, khách mời trong giới truyền thông, cũng đưa ra thông báo: "Hôm nay là ngày tang thương của quốc gia. Chúng tôi quyết định huỷ bỏ lễ công chiếu vào tối nay".
Người này cho biết sự kiện sẽ được thay thế bằng một buổi chiếu phim nhỏ dành cho dàn diễn viên, ê-kíp sản xuất và những khách mời. "Tâm trí của chúng tôi đang hướng về thảm kịch tại Las Vegas, những gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng tại đó".
Nền giải trí Hàn Quốc đóng băng vì vụ chìm phà
Tương tự, Hàn Quốc cũng từng trải giai đoạn tan thương vào năm 2014, khi vụ lật phà Sewol từng khiến hơn 304 người thiệt mạng và 9 người mất tích, trở thành tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất tại quốc gia 50 triệu dân.
Là đất nước có luật lệ vô cùng hà khắc, sự việc làm đóng băng cả ngành công nghiệp giải trí. Ba nhà đài đứng đầu Hàn Quốc gồm MBC, SBS, KBS đã cho dừng phát sóng các chương trình truyền hình cũng như những bộ phim đang trình chiếu.
Nhiều ngôi sao là ca sĩ, diễn viên, nhóm nhạc như Kim Soo Hyun, Jun Ji Huyn, Lee Min Ho, Park Shin Hye, Apink, BoA cũng quyết định huỷ tất cả hoạt động gồm hoà nhạc, fan meeting hay công chiếu phim.
Đối mặt với phản ứng từ ban tổ chức, đại diện của các ngôi sao trên đã kiên trì thuyết phục và chứng minh rằng thực hiện những sự kiện giải trí trong trường hợp đau buồn như thế là không phù hợp.
Không ăn mừng phim The Dark Knight Rises
Năm 2012, bom tấn khép lại series The Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan lẽ ra đã có cái kết tuyệt đẹp, nếu không có vụ nổ súng ngay buổi công chiếu, giết chết 12 người và làm cho ít nhất 38 người bị thương ở rạp chiếu phim của hệ thống Century 16, Aurora Mall, thành phố Denver, Mỹ.
Hãng Warner Bros, đơn vị sản xuất và phát hành của The Dark Knight Rises, buộc phải hủy những buổi chiếu ra mắt ở Paris, Pháp. Đồng thời, hoạt động quảng bá cho bộ phim tại Phần Lan cũng bị tạm ngưng. "Chúng tôi xin gửi sự đồng cảm chân thành tới gia đình và người thân của các nạn nhân trong sự vụ bi thảm này”, đại diễn hãng phim chia sẻ trên Twitter.
Sự kiện được ví như cơn ác mộng của chiến dịch marketing cho phim. Warner Bros. còn từ chối cung cấp doanh thu cuối tuần của bộ phim (một hình thức ăn mừng thành công của tác phẩm). Song song với đó, hãng phim cũng cho thu hồi lại trailer của Gangster Squad - một bộ phim về giới mafia thập niên 40 có một cảnh xả súng kinh hoàng.
Ca sĩ bị phá huỷ sự nghiệp
Cũng trong năm 2012, nước Mỹ bàng hoàng vì vụ xả súng tại một trường tiểu học khiến gần 30 người chết, phần lớn nạn nhân là trẻ em. Ngoài việc huỷ lễ công chiếu nhiều các bộ phim, hệ thống radio còn làm mạnh tay hơn khi cấm loạt bài hát có ca từ, nội dung liên quan đến việc hy sinh, chết chóc.
Chỉ vì phát hành ca khúc chủ đề mang tên Die Young (tạm dịch: chết trẻ), đĩa đơn mở đường cho album Warrior của Kesha đang ở vị trí thứ 2 trên Billboard Hot 100, đã tụt hạng không phanh vì bị xoá xổ khỏi các kênh radio bởi câu hát: "Hãy vui hết đêm nay/ Rồi ngày mai chúng ta sẽ chết trẻ".
Vì là đĩa đơn mở đường, sự thất bại của ca khúc kéo cả sự nghiệp của Kesha đi xuống. Đĩa đơn thứ hai là C'mon leo đến vị trí 27 trên Billboard Hot 100, trong khi album Warrior chỉ đạt hạng thứ 6 trên Billboard 200. Từ một ca sĩ đang có vị thế vững chắc tại làng nhạc, cái tên Kesha trở nên nhạt nhoà sau đó.
Phản hồi trước việc này, Kesha cho biết, cô hoàn toàn hiểu vì sao ca khúc của mình lại bị lên án và mong muốn gửi lời xin lỗi những người phải chịu ảnh hưởng từ thảm kịch. Cùng với Die Young, ca khúc Pumped Up Kicks của nhóm Foster the People cũng bị ngưng phát vì những ca từ liên quan tới súng.
Ám ảnh từ ngày đen tối 11/9
Khỏi phải nói sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 đã gây ảnh hưởng thế nào đến nước Mỹ nói chung và nền giải trí nói riêng. Việc thể hiện niềm tiếc thương, đau buồn về ngày này thậm trí còn trở thành cuộc cách mạng văn hoá tại Hollywood.
Có đến 45 bộ phim bị huỷ công chiếu hoặc phải sửa lại cái kết về hình ảnh của toà Trung tâm thương mại thế giới ở New York. Tượng đài Mariah Carey bị sụp đổ vì sự thất bại của bộ phi Glitter và album nhạc phim cùng tên của cô. Đài phát thanh dừng phát những bài buồn bã mà thay vào đó là những bài hát ca ngợi tình yêu cuộc sống.
Sự kiện 11/9 sau đó trở thành đề tài bi tráng để làm nên nhiều bộ phim và ca khúc, tạo thành một phần trong bức tranh tổng thể văn hoá Mỹ. Nội dung của chúng đều có điểm chung là ca ngợi sự hữu hạn của thời gian, hãy lan toả thông điệp yêu thương và gạt bỏ mọi hiểu lầm, hờn dỗi để có được những phút giây đáng quý bên nhau.
Những ca khúc tiêu biểu được lấy cảm hứng từ biến cố này có thể kể đến như I Was Here (Beyoncé), Didn’t They (Taylor Swift), Where Is The Love? (The Black Eyed Peas)... Về phim ảnh, nổi tiếng nhất là bộ phim tài liệu 11'09"01 September 11, sản xuất năm 2002.
Bộ phim được hợp thành từ những đoạn phim ngắn đến từ 11 quốc gia, với những đạo diễn khác nhau bao gồm Iran, Pháp, Ai Cập, Anh, Mexico, Israel, Ấn Độ, Mỹ, Nhật… Trong đó, mỗi quốc gia đều cho thấy cái nhìn và phản ứng của người dân mình trước biến cố xảy ra trong ngày 11/9 tại New York.