Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những sáng tạo 'vượt rào' trong đào tạo ở trường Đại học Y - Dược Thái Bình

(VTC News) -

Những sáng tạo “vượt rào” trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về “tam nông” để đổi mới mục tiêu đào tạo bác sỹ xã tại trường Đại học Y - Dược Thái Bình.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh đất nước bước vào công cuộc đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp, trường Đại học Y Thái Bình (nay là trường Đại học Y - Dược Thái Bình) đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách về những vấn đề nội tại và khách quan.

Thực hiện cơ chế quản lý mới, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20% (120-150 chỉ tiêu) so với những năm cao nhất của thời kỳ bao cấp.

Toàn cảnh trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Khát vọng vượt khó

Với trên 420 cán bộ, viên chức, người lao động thì chỉ tiêu tuyển sinh đó chỉ đáp ứng 30% định mức lao động. Hằng tháng, lương và học bổng của cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên thường chậm và chia thành 2-3 lần, đời sống gặp vô cùng khó khăn. Trong khi đó, những hạn chế, bất cập từ việc thực hiện cơ chế đào tạo mới gây phản ứng tiêu cực trong sinh viên giữa hệ A và hệ B.

Đặc biệt, việc hợp nhất rồi lại chia tách giữa trường Đại học Y Thái Bình với trường Cao đẳng Y tế Nam Định (1988-1991) không chỉ làm xáo trộn tổ chức bộ máy mà còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, tư tưởng giảng viên, cán bộ, công nhân viên, nhất là giữa chuyện ở, chuyện đi, tồn tại hay không tồn tại của một trường đại học đã gắn bó hơn 20 năm với vùng đất lúa.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với trách nhiệm người đứng đầu nhà trường, cố PGS.TS Lê Quang Hoành, hiệu trưởng khi ấy rất trăn trở trong việc tìm giải pháp ổn định tình hình và hướng đi mới cho trường.

Đúng lúc đó, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VII của Đảng (10/6/1993) về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn ra đời.

PGS Hoành tìm thấy ở Nghị quyết một điểm tựa, hướng đi rất mới cho trường. Đó là, vận dụng chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Phải chăng đây vừa là cứu cánh cho sự tồn tại của trường trong tình hình mới, vừa là cách để trường đền đáp lại những người nông dân từng đùm bọc, chở che cán bộ, sinh viên nhà trường trong những năm tháng chiến tranh gian khó.

Suy nghĩ đó thôi thúc PGS.TS Lê Quang Hoàng mạnh dạn cùng PGS.TS Trần Văn Quế, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy thống nhất chủ trương trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu và báo cáo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đổi mới toàn diện hoạt động của nhà trường cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và tình hình thực tiễn của nhà trường.

Sinh viên Đại học Y - Dược Thái Bình.

Những quyết sách đột phá chưa có trong tiền lệ

Thứ nhất, về công tác đào tạo, trường chuyển đổi mục tiêu đào tạo theo hướng chăm sóc sức khoẻ ban đầu và y tế cộng đồng hướng tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông), tức là chuyển từ mục tiêu đào tạo bác sỹ đa khoa tuyến huyện sang mục tiêu đào tạo bác sỹ phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nông dân tuyến cơ sở, đào tạo bác sỹ phục vụ cộng đồng tại cơ sở (xã, phường, thị trấn), gọi tắt là đào tạo bác sỹ xã - tiền đề cho việc dần hình thành hệ thống “bác sỹ gia đình”.

Việc chuyển đổi mục tiêu đào tạo có ý nghĩa quan trọng, về y tế là nhằm mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngay từ ban đầu ở cộng đồng hạn chế việc quá tải không cần thiết tại các cơ sở y tế tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng sức khỏe của người dân phù hợp với sự phát triển của mô hình, cơ cấu bệnh tật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Về công tác quản lý, việc đổi mới mục tiêu đào tạo là cơ sở để đổi mới toàn diện các khoạt động khác của nhà trường. Đây là hướng đi rất mới, vừa là đầu vào nhưng cũng là đầu ra của trường, chủ trương này tạo ra "đặc sản" riêng có của trường Đại học Y - Dược Thái Bình trong cả công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ sản xuất, tạo bước ngoặt, đột phá không chỉ giữ vững được sự ổn định mà còn tạo nền móng cho nhà trường phát triển sâu, rộng, vững chắc sau này.

Với quan điểm lấy sinh viên làm chủ thể trung tâm của tiến trình đào tạo, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải dạy những gì trường có sẵn, nhà trường đã đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cả nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp với đổi mới mục tiêu đào tạo.

Trong đó, tập trung xây dựng khung chương trình chuẩn với 80% nội dung (cứng) về chuyên môn theo đúng khung chương trình của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, lựa chọn thêm 20% nội dung (mềm) liên quan trực tiếp đến việc đổi mới mục tiêu đào tạo nhằm quản lý, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu tại cơ sở như: Xây dựng hệ thống y tế xã; vấn đề vệ sinh môi trường làng, xã; nước sạch nông thôn; kế hoạch hóa gia đình; các bệnh do ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa... để đưa vào chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trường bổ sung thêm một số môn học bổ trợ như tiếng Việt thực hành, pháp luật đại cương, tăng cường ngoại khóa cho sinh viên kiến thức về văn hóa làng xã, thuần phong mỹ tục, kinh tế y tế... giúp bác sỹ khi ra trường có đủ kỹ năng giao tiếp, năng lực tổ chức phong trào tại cộng đồng.

Đồng thời, nhà trường cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng đơn vị giảng dạy tích cực, áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến qua mô hình học cụ, máy chiếu overhead, video, labo, giáo án mới để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, khắc phục tình trạng học chay, giảng độc thoại.

Trường xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, đổi mới phương pháp lượng giá kết quả đào tạo; củng cố, mở rộng và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập tại các cơ sở thực hành ở Hải Dương, Phủ Lý, Nam Định và Thái Bình.

Đồng thời trường xúc tiến ý tưởng thành lập Trung tâm thực hành mẫu và Bệnh viện thực hành của nhà trường theo mô hình Viện – Trường. Trường còn mở mã ngành đào tạo chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa cấp I ở một số bộ môn có đủ điều kiện; thành lập Trung tâm Đào tạo và Phát triển tin học nhằm phát triển tin học trong cán bộ, sinh viên và học sinh trên địa bàn; thành lập Trung tâm Ngoại ngữ với 3 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp trong đó mở rộng đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Những vấn đề này, bây giờ trở thành bình thường nhưng cách đây 30 năm lại là những vấn đề rất mới, không dễ chuyển đổi và thực hiện ngay được, nhất là trong điều kiện nhà trường ở xa trung ương, đi lại khó khăn do cách trở đò, phà, đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học còn mỏng, luôn phải lo lắng về cơm áo, gạo tiền.

Thứ hai, về công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường thực hiện phương châm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xoay quanh mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân vùng "tam nông", đổi mới quản lý nghiên cứu khoa học từ kế hoạch định sẵn sang theo nhu cầu và hợp đồng.

Trường chú trọng gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường; chú trọng xây dựng phong trào tuổi trẻ sáng tạo tham gia nghiên cứu khoa học trong cán bộ và sinh viên.

Trong đó, trường tập trung vào nghiên cứu đặc điểm sinh thái, cơ cấu bệnh tật của vùng châu thổ sông Hồng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá với đột phá ban đầu là thành lập Trung tâm ứng dụng cấp nước vệ sinh môi trường sau đổi tên thành Trung tâm Môi trường, dân số, sức khỏe nông thôn theo mô hình tự hạch toán, lấy nghiên cứu nuôi nghiên cứu và đào tạo cán bộ.

Rất nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước và hợp tác quốc tế với Văn phòng Unicef, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội, Khoa nghiên cứu chăm sóc sức khỏe quốc tế (IHCAR) của Đại học Karolinska, Thụy Điển… được triển khai hiệu quả ở cộng đồng.

Đó là các nghiên cứu như: Nghiên cứu xây dựng mô hình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi với một số biện pháp áp dụng tại cộng đồng; Khống chế muỗi truyền bệnh xuất huyết bằng biện pháp môi trường tại một vùng sinh thái đồng bằng Bắc Bộ; Nghiên cứu thiết kế và xây dựng mẫu công trình vệ sinh trường phổ thông cơ sở; Nghiên cứu sự tác động của các nguy cơ gây nhiễm bẩn nguồn nước giếng khoan và giếng khơi ở nông thôn; Tổ chức cộng đồng tham gia khống chế vecter truyền bệnh bằng biện pháp môi trường.

Thứ ba, về công tác dịch vụ, lao động sản xuất, nhà trường mạnh dạn chuyển hướng gắn dịch vụ, lao động sản xuất với hoạt động chuyên môn. Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trình độ của đội ngũ thầy cô để làm dịch vụ thay cho việc làm Kế hoạch 3 trước đây là tổ chức chăn nuôi trâu, bò, lợn; mua bè tre, nứa, gỗ từ miền núi, trung du về Thái Bình bán; pha chế cồn thành rượu mỗi dịp tết đến, xuân về.

Mục tiêu của công tác dịch vụ, lao động sản xuất không chỉ nhằm cải thiện, nâng cao đời sống mà còn góp phần tạo điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của nhà trường. Bước đột phá đầu tiên là thí điểm làm dịch vụ khám bệnh theo nhu cầu của nhân dân ở một số bộ môn hệ ngoại (Răng hàm mặt, Tai Mũi họng, Mắt...), mở các lớp ôn luyện thi đại học ở bộ môn khoa học cơ bản.

Sau một thời gian thí điểm, trường đã tổng kết, rút kinh nghiệm thành lập các dịch vụ khám chữa bệnh đặt tại các bộ môn, từ đó đã hình thành ý tưởng xây dựng Trung tâm thực hành mẫu để vừa chủ động thực hành lâm sàng, vừa có điều kiện tiếp thu, chuyển giao kỹ thuật mới. Do biến chuyển của tình hình, trường chuyển sang xây dựng Đề án thành lập Bệnh viện bán công ban ngày (tức là chỉ làm việc theo giờ hành chính) có quy mô 50 giường bệnh, rồi lại chuyển tiếp sang mô hình bệnh viện bán công và bệnh viện công lập để dần dần hoàn chỉnh mô hình và các phân khu dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị như ngày nay.

Cùng với việc tổ chức thí điểm làm dịch vụ chuyên môn, trường mạnh dạn phá bỏ các hàng rào bảo vệ xung quanh trường để hình thành các dãy kiot cho cán bộ và người dân thuê bán thuốc, mở dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân, bán hàng thiết yếu (giá thuê mặt bằng tính bằng gạo, từ 6-9 kg gạo/m2/tháng), tổ chức chiếu phim video, dịch vụ coi xe, sửa chữa ô tô… Qua đó giúp đa dạng hóa công tác dịch vụ sản xuất trên cơ sở năng lực sẵn có để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, góp phần tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy có thêm thu nhập, có nguồn kinh phí đi học nâng cao trình độ chuyên môn tại Hà Nội.

Việc phá bỏ hàng rào xây kín quanh trường để hình thành khu dịch vụ phức hợp không chỉ thuần tuý giải quyết cơm áo, gạo tiền, đời sống hằng ngày cho cán bộ mà thực sự là cuộc cách mạng. Quyết sạch này cũng phá bỏ những rào cản cũ trong tư duy quản lý nhà trường và cả tư duy quản lý đô thị của địa phương nhằm thích ứng với sự nghiệp đổi mới đang diễn ra nhanh chóng của đất nước.

Song song với đổi mới công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ sản xuất, công tác xây dựng cơ sở vật chất được nhà trường chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp có trọng tâm, trọng điểm.

Từ quan điểm coi sinh viên là chủ thể chính của tiến trình đào tạo, nhà trường đã tập trung tranh thủ nguồn vốn ngân sách hành chính sự nghiệp kết hợp nguồn vốn CK (Lào –Camphuchia) triển khai đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất bắt đầu từ khu ký túc xá sinh viên (cả ký túc xá sinh viên Việt Nam và ký túc xá Lưu học sinh Lào, Campuchia) với việc xóa bỏ nhà vệ sinh tập thể, cải tạo phòng ở tập thể sinh viên thành phòng ở có vệ sinh khép kín (bước đầu là xí xổm dội nước) để sinh viên tiện lợi trong sinh hoạt và dần hình thành ý thức về vệ sinh môi trường trong cộng đồng sau này.

Trường cũng xây dựng hệ thống giảng đường, thư viện, trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ mới khang trang, hiện đại giúp cho cán bộ, sinh viên có điều kiện tiếp thu cái mới, nâng cao trình độ...

Sinh viên Y Dược Thái Bình hiến máu nhân đạo.

Vươn lên thành trường đại học top đầu ngành Y

Với những đột phá đó, số lượng và vùng tuyển sinh của trường ngày càng mở rộng ra tất cả các địa phương khác, không còn bó hẹp trong một số tỉnh duyên hải phía Bắc (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh, Thái Bình) như trước đây.

Hình thức đào tạo cũng phát triển phong phú như dài hạn (chính quy), ngắn hạn (chuyên tu), sau đại học (chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa cấp I), đào tạo lại, đào tạo liên tục, đào tạo theo địa chỉ (cử tuyển) cho các địa phương miền núi, trung du và một số bộ, ngành (Bộ đội Biên phòng) có nhu cầu, nhất là về các chuyên khoa y học công cộng, trực tiếp phục vụ mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nông dân.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy từ chỗ chỉ có khoảng 7- 10% trình độ sau đại học của những năm 80 thì đến cuối những năm 90 đã có 30% cán bộ giảng dạy trình độ từ cao học trở lên. Đời sống cán bộ, công nhân viên, sinh viên được từng bước cải thiện, nâng cao; trong trường luôn có không khí phấn khởi, yên tâm, tích cực giảng dạy, học tập và công tác; nhà trường ổn định, không còn tình trạng chảy máu chất xám như những năm trước.

Sau gần 40 năm đổi mới, đến nay đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và trường Đại học Y - Dược Thái Bình cũng đã có bước trưởng thành vững chắc. Qua đó khẳng định được vị thế của một trường đại học Y Dược vùng châu thổ sông Hồng - đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, chiếc nôi đầu tiên đào tạo bác sỹ hướng tới “tam nông”.

Đồng thời, những bài học kinh nghiệm về một tập thể đoàn kết, đồng cam, cộng khổ; về tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung để hiện thực hóa một cách khoa học chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn sinh động ở cơ sở.

Các thế hệ lãnh đạo nhà trường luôn chất chứa tâm huyết, trách nhiệm và đầy trí tuệ, bản lĩnh trước những thời khắc khó khăn đến nay vẫn còn nguyên giá trị và luôn là những tài sản quý, là hành trang, động lực quan trọng giúp trường ổn định, vững vàng vượt qua thử thách trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Phạm Thành Nam (Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng T.Ư Đảng)

Tin mới