Theo quy định, sang tên xe sau khi mua bán là bắt buộc nhưng tình trạng sử dụng xe không chính chủ vẫn khá phổ biến và cả người bán lẫn người mua sẽ phải đối diện với nhiều rắc rối.
Chủ cũ bị phạt lỗi không thu hồi giấy đăng ký, biển số xe.
Theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA, khi bán xe, chủ xe phải giữ lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, sau đó nộp cho cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi. Chủ xe tuyệt đối không giao giấy đăng ký xe, biển số xe cho người mua.
Thời hạn để chủ xe làm thủ tục thu hồi là 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán. Trường hợp để quá hạn 30 ngày mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho người mua làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng làm thủ tục cấp đổi biển số xe cho người dân. (Ảnh: Xuân Tiến)
Với lỗ này, chủ cũ sẽ bị phạt hành chính các mức:
Không thu hồi giấy đăng ký, biển số xe máy: Phạt tiền từ 800.000 - 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức (theo điểm e khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Không thu hồi giấy đăng ký, biển số xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức (theo điểm c khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Chủ cũ phải chịu trách nhiệm về vi phạm liên quan đến xe
Không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe, chủ cũ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 39 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định, xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15/8/2023 mà chưa làm thủ tục thu hồi thì số biển số đó được mặc định là biển số định danh của chủ xe, tức người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe (chủ cũ).
Khi phương tiện gây tai nạn hoặc có liên quan đến vụ án dân sự, hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ liên hệ với chủ phương tiện. Lúc này, người được mời đến cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc không phải người đang sử dụng xe mà chính là chủ cũ (người đang đứng tên trên giấy đăng ký do hệ thống quản lý).
Do đó, để không bị phạt cũng như vướng vào rắc rối khi phương tiện gây tai nạn, chủ xe cần nghiêm túc chấp hành thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe.
Chủ mới bị phạt lỗi không sang tên xe
Theo Điểm c Khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA, sau khi người bán làm thủ tục thu hồi thì người mua phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.
Nếu không làm thủ tục này, chủ mới sẽ bị phạt lỗi không đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua ô tô, xe máy.
Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng kiểm tra, xử lý phương tiện tham gia giao thông. (Ảnh: Xuân Tiến)
Mức phạt đối lỗi không sang tên xe được quy định như sau:
Không sang tên xe máy: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng với cá nhân, từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng với tổ chức (theo điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Không sang tên ô tô: Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng với cá nhân, từ 4 - 8 triệu đồng với tổ chức (theo điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Theo khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xác minh để phát hiện vi phạm về lỗi không đăng ký xe chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe chứ không xử phạt khi kiểm tra hành chính thông thường.