Với bác sĩ Việt Nam, 116 ngày điều trị cho nam phi công (người Anh, 43 tuổi) là những ngày “mệt nhất, căng não nhất, thót tim nhiều nhất”. Từ bệnh nhân tưởng chừng không còn hy vọng sống, các bác sĩ đã sử dụng những kỹ thuật quan trọng gì để giúp nam phi công hồi phục?
Kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO)
BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết những ngày đầu nhập viện, bệnh nhân diễn tiến không thuận lợi, liên tục sốt cao. Bệnh nhân buộc phải thở oxy qua mặt nạ.
Khi tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với nhau để can thiệp kỹ thuật ECMO, giữ lại mạng sống cho nam phi công.
Nam phi công được can thiệp kỹ thuật ECMO để giữ lại mạng sống. (Ảnh: N.H)
Từ đây, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức bước vào "đường hầm", đưa bệnh nhân 91 đi tìm "ánh sáng".
BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết những ngày đầu can thiệp ECMO, bệnh nhân 91 phải dùng thuốc kháng đông Heparin.
Tuy nhiên, bệnh nhân vừa rối loạn đông máu, vừa mắc Hội chứng giảm tiểu cầu do dị ứng với Heparin (HIT), nguy cơ chảy máu cao, đe doạ tính mạng.
Chỉ hai giờ sau khi sử dụng kỹ thuật "tim phổi nhân tạo", màng ECMO đông cứng máu. Các bác sĩ phải thay màng lọc khác. Hai ngày sau, màng lọc tiếp tục đông đặc. Chưa bao giờ đội ngũ ECMO của Bệnh viện Chợ Rẫy gặp trường hợp nào phải thay màng liên tục như vậy.
Những ngày sau đó, dù đã được can thiệp ECMO, tình trạng của nam phi công vẫn rất nguy kịch. Theo dõi tổng trạng bệnh nhân cùng với kinh nghiệm "chinh chiến" nhiều năm tại khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Linh quyết định giảm dần thông số ECMO. Mỗi ngày điều chỉnh một chút, đến khi bệnh nhân cai được hoàn toàn.
Ngày 1/6, các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị có thêm quyết định táo bạo: Cai ECMO cho bệnh nhân. Ngày 2/6, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh.
Mở khí quản, lọc máu
PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay ngoài ECMO, kíp bác sĩ trẻ có tay nghề cao còn thực hiện nhiều kỹ thuật trong hồi sức như mở khí quản, lọc máu, kỹ thuật hồi sức huyết động, hô hấp,... trong suốt quá trình điều trị.
“Trong 43 ngày, chúng tôi nhận thấy phổi của bệnh nhân diễn tiến rất nặng, có lúc xuống còn 10%", bác sĩ Thảo nói.
PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91. (Ảnh: Zing)
Thời điểm phổi chỉ hoạt động 10%, bệnh nhân còn tràn khí màng phổi, nhiễm thêm vi khuẩn. Các bác sĩ đánh giá có thể do phế nang bị virus xâm lấn, làm hoại tử, gây vi huyết khối, đông đặc phế nang.
"Các bác sĩ phải đọc tài liệu liên tục do mỗi ngày đều có thêm diễn tiến mới. Do có ECMO, chúng tôi xử lý kịp thời tràn khí màng phổi nên bệnh nhân vượt qua cửa tử", bác sĩ Thảo chia sẻ.
Khi nam phi công có cử động tay, ngưng ECMO, ngưng an thần, điều ê-kíp điều trị sợ nhất là bệnh nhân có tỉnh lại hay không vì ảnh hưởng đến tế bào não. May mắn, khi ngưng các loại thuốc, bệnh nhân phục hồi tri giác rất tốt.
Nhiều loại thuốc chưa từng dùng ở Việt Nam
Để điều trị dứt điểm tình trạng viêm phổi do vi khuẩn cho bệnh nhân 91, Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, quyết định dùng 3 loại kháng sinh kết hợp, tổng tấn công tiêu diệt vi khuẩn “cứng đầu khó trị” Burkholderia cepacia. Trong đó, một số kháng sinh được nhập từ nước ngoài về.
Đến nay, nam phi công đã dùng 4-5 loại thuốc được nhập từ nước ngoài, bệnh nhân Việt Nam chưa từng sử dụng.
Ngày 8/6, nam phi công nhớ mật khẩu điện thoại và iPad. Ông liên lạc với bạn bè và được họ kể lại quá trình điều trị trong thời khắc thập tử nhất sinh.
Nam phi công rơi nước mắt khi nghe bạn bè nói: “Nếu ở nơi nào khác trên Trái Đất, anh có thể đã chết”.
Ngày 13/6, bệnh nhân 91 được cai máy thở. Lần đầu tiên ông có thể tự thở khí trời sau hơn 2 tháng.