Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM khai trương hoạt động và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.
Xuất phát từ “mảnh đất trống”, sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua biết bao thăng trầm để có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng.
Từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiền, số lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên 3 sàn tới cuối tháng 6/2020 đạt 1.640. Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết ngày đầu tiên là 270 tỷ đồng nhưng tới cuối năm 2019, vốn hóa đạt gần 190 tỷ USD, tương ứng gần 73% GDP - vượt mục tiêu 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020.
2006: Chứng khoán Việt Nam nhảy vọt
Chứng khoán Việt Nam có bước nhảy vọt trong năm 2006 với hàng loạt sự kiện quan trọng. Cụ thể, tháng 1/2006, Vinamilk chào sàn và giúp giá trị vốn hóa của của HoSE tăng gấp đôi ngay trong một ngày.
Trong năm 2006, có 74 doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn HoSE giúp giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 7.400 tỷ đồng lên 148.000 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index lên mức 752 điểm, tăng 144% sau một năm.
Ngày 12/3/2007: VN-Index lập đỉnh lịch sử
Ảnh minh họa. (Nguồn:Thuonggiaoonline)
Ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử khi kết phiên ở 1.170,67 điểm. Từ mức chỉ 300 điểm thời kỳ đầu năm 2006 thì chỉ hơn 1 năm sau, VN-Index đã gấp khoảng 3,9 lần. Nếu như năm 2006, vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì năm 2007 đã lên tới hơn 40% GDP.
Tác động chính khiến VN-Index lập đỉnh ngày 12/3/2007 đến từ làn sóng IPO của doanh nghiệp nhà nước mà điển hình là IPO của Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam..
Tuy nhiên, sau đó thị trường bắt đầu trồi sụt, không còn tăng phi mã như trước. Cuối năm 2007, VN-Index đóng cửa ở 927 điểm, tăng 23% so với cùng kỳ nhưng mất 21% so với mức đỉnh.
2008: năm đen tối nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam
Tác động mạnh mẽ của cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu và lạm phát cao kỷ lục, VN-Index kết thúc năm 2008 với mức giảm 66%, rơi xuống 316 điểm. Giá trị vốn hóa trên HoSE theo đó “bốc hơi” 195.000 tỷ đồng.
2010: Lập kỷ lục số doanh nghiệp niêm yết
Đúng 10 năm ra đời thị trường chứng khoán Việt, năm 2010 lập kỷ lục số doanh nghiệp niêm yết mới với 81 cổ phiếu chào sàn HoSE. Số lượng công ty chứng khoán cũng đạt kỷ lục với con số 102.
2017: "Tràn ngập” kỷ lục
Năm 2017 thực sự là một năm đáng nhớ và rất nhiều cảm xúc của thị trường chứng khoán Việt Nam khi hàng loạt con số liên tục “lập đỉnh”. VN-Index tăng 48% lên 984 điểm; vốn hóa thị trường tăng hơn 70%, tỷ lệ trên GDP lần đầu vượt 50%; tổng giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài hơn 31 tỷ USD.
2018: VN-Index vượt đỉnh cũ sau 10 năm và thiết lập mức đỉnh mới
Sau 10 năm tạo đỉnh 1.170 điểm, VN-Index thiết lập đỉnh mới 1.204 điểm vào ngày 9/4/2018. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2018 VN-Index giảm còn 893 điểm. Cũng trong năm 2018, thị trường chứng khoán Việt được Tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán toàn cầu (FTSE) đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Tới 2019, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở 961 điểm, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Thị trường Việt Nam ghi nhận mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Và năm 2020, chứng khoán Việt đang trải qua những phiên suy giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.