Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những nội dung cần biết của Đề án 'Doanh nghiệp vì người tiêu dùng'

(VTC News) -

Ngày 8/1/2021, Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025, với nhiều nội dung rất đáng chú ý.

Theo đề án, đối tượng tham gia là tất cả các tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, đang thực hiện hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại thị trường Việt Nam. Đối tượng thụ hưởng của Đề án bao gồm doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đề án chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; Nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin; Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về vai trò, ý nghĩa của chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình; Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia chương trình, xây dựng và thực hiện các chính sách, quy trình sản xuất kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng", hoàn thiện chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu của đề án nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng, kinh doanh lành mạnh, bền vững; Tạo điều kiện, cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng giá trị thương hiệu, định hướng để người tiêu dùng có thể lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ chất lượng, an toàn, tiết kiệm và giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Đề án cũng nêu rõ mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 là phát triển thêm các bộ tiêu chí chi tiết dành cho 5 ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đặc thù; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, đào tạo cho 5.000 doanh nghiệp; 50.000 doanh nghiệp được gián tiếp tiếp cận các thông tin, chương trình của đề án; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ thực hiện khảo sát, đánh giá và hỗ trợ nâng cao hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh vì người tiêu dùng.

Dự kiến, kinh phí thực hiện đề án là khoảng 27 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và kinh phí huy động tài trợ khác. 

PHẠM DUY

Tin mới