Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những người Trung Quốc thất bại với 'giấc mơ Mỹ', lặng lẽ trở về nước

Nhiều thanh niên Trung Quốc mang chí hướng lớn sang Mỹ đã phải lần lượt trở về nước sau một thời gian bôn ba.

Người Trung Quốc theo đuổi giấc mơ ở Mỹ

Chung Cẩn Du sinh ra trong một gia đình kinh doanh nhà hàng, ông nội và bố mẹ cô có hơn 20 nhà hàng ở Vũ Hán, từ nhỏ cô đã yêu thích nấu ăn. Khi còn học đại học, cô theo lời khuyên của bố mẹ và sang Anh học ngành tài chính. Thời điểm xa xứ, cô dựa vào việc chế biến các món ăn có hương vị quê hương để xoa dịu nỗi nhớ nhà.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Anh, cô sang Mỹ học tại Học viện Ẩm thực Hoa Kỳ, đồng thời làm việc tại các cửa hàng nổi tiếng ở New York như Jean George's và Eleven Madison Park. Ước mơ của cô là mở một nhà hàng Trung Quốc cao cấp ở New York, để phản ánh bề rộng và chiều sâu của ẩm thực Trung Hoa.

Đầu năm, nhà hàng Trung Hoa cao cấp ấp ủ trong gần một năm của cô bắt đầu trang hoàng, chuẩn bị khai trương vào mùa thu. Cô dự định tập trung vào thực đơn hiếm có giá từ 150 đến 200 USD/người. Các món ăn này đã được cô cùng các đầu bếp tại nhà hàng gia đình nghiên cứu chế biến khi trở về Trung Quốc vào năm ngoái. Cô cũng đặt tên nhà hàng là Phác - nghĩa là "ngọc trong đá" giống như đồ ăn Trung Quốc trong tim cô. Nhưng vào tháng 6 và tháng 7, cô bắt đầu gặp khó khăn, và đến tháng 10, cô quyết định từ bỏ dự án và chuyển về Trung Quốc sau 5 năm sinh sống ở New York.

Chung Cẩn Du và mẹ trong cửa hàng gia đình ở Vũ Hán. (Ảnh: NYT)

Theo The New York Times (NYT-Mỹ), đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình là lý do trực tiếp khiến Chung Cẩn Du cuối cùng chọn ra đi, nhưng quan trọng hơn, cô nhận ra rằng trong bầu không khí Mỹ hiện tại, lý tưởng của cô rất khó thành hiện thực. "Sự cố này đã ảnh hưởng nặng nề đến tôi, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác", Chung nói. "Tôi nghĩ bây giờ càng nói về Trung Quốc, người khác càng thiếu thiện cảm, nhưng tôi chỉ muốn dùng đồ ăn để truyền bá văn hóa Trung Quốc. Tôi không muốn thay đổi hướng đi của mình".

Trong 5 năm qua, một số lượng lớn thanh niên Trung Quốc có trình độ học vấn cao và mang chí hướng lớn ở Mỹ giống như Chung Cẩn Du, đã bước vào ngành công nghiệp kinh doanh nhà hàng Trung Hoa mà trước đây dường như hoàn toàn xa lạ với họ.

Không giống như thế hệ những người nhập cư Trung Quốc trước đây thường dựa vào việc mở nhà hàng để kiếm sống, những người trẻ tuổi này vào bếp không phải vì những bữa ăn hỗn hợp, mà là không thể chấp nhận được khoảng cách quá lớn giữa hiện trạng của ẩm thực Trung Hoa ở Mỹ và sự phát triển của Trung Quốc. Họ mơ ước thay đổi hình ảnh ẩm thực Trung Hoa bình dân lâu nay ở Mỹ, muốn phản ánh một Trung Quốc hiện đại, thời trang, phong phú và đẳng cấp trong dịch vụ ăn uống.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giấc mơ này đã từng có lúc gần như sắp thành. Và bây giờ, nhiều người trong số họ cảm thấy ước mơ xa vời như Chung.

Chỉ riêng tại khu vực New York, nhiều thế hệ chủ nhà hàng Trung Hoa mới đã buộc phải đóng cửa hoặc chuyển hướng, và nhiều tài năng ẩm thực muốn mở nhà hàng cũng đã quay trở lại Trung Quốc.

Ngoài ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đối với toàn bộ ngành ẩm thực, mối quan hệ Trung-Mỹ và hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc ngày càng xấu đi trong đợt dịch, khiến họ cảm thấy rằng thời đại văn hóa Trung Quốc được chào đón ở Mỹ đã đi xa. Câu chuyện Trung Quốc mà họ muốn kể bằng ẩm thực đã bắt đầu mờ nhạt trong mắt người Mỹ, và điều này khó thay đổi ngay cả sau khi ông Joe Biden nhậm chức.

Triệu Dũng, Giám đốc điều hành của chuỗi nhà hàng Trung Hoa Junzi Kitchen cho biết: "Ẩm thực Trung Hoa thời đại mới hiện đang ở trong tình trạng có nội dung nhưng kể không được".

Ngành công nghiệp ẩm thực Trung Hoa ở Mỹ, bắt đầu từ năm 1849, với rào cản thấp về ngôn ngữ và công nghệ đã nuôi sống nhiều thế hệ người nhập cư Trung Quốc tay trắng lập nghiệp. Nhưng đối với những người có tham vọng trong số họ, lịch sử lâu dài này cũng đầy thất vọng.

Tháng 4 năm ngoái, phóng viên NYT đến thăm nhà của bà Giang Tôn Vân, người đã thành lập nhà hàng Trung Hoa cao cấp Mandarin ở San Francisco vào đầu những năm 1960 và được mệnh danh là "Nữ hoàng ẩm thực Trung Hoa", dù đã gần 100 tuổi nhưng vẫn không khỏi băn khoăn khi đề cập đến vấn đề này.

Bà Giang Tôn Vân. (Ảnh: NYT)

Năm đó, bà Giang - xuất thân từ gia đình giàu có ở Bắc Kinh đến Mỹ thăm chị gái, cảm thấy món ăn Trung Hoa kiểu Mỹ rất khó nuốt nên đã quyết định mở Mandarin.

"Thời điểm đó, tôi nghĩ, nếu cả đời tôi có thể hoàn thành một việc thì đó là cải thiện ẩm thực Trung Hoa", bà nói. Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng ở thời kỳ đỉnh cao của Mandarin, tiêu chuẩn chung về ẩm thực Trung Hoa ở Mỹ vẫn còn mờ nhạt. "Tôi đã ở Mỹ nhiều năm như vậy, ẩm thực Nhật Bản, Pháp và Ý đã được cải thiện. Chỉ có ẩm thực Trung Hoa là tiến bộ quá chậm. Người Trung Quốc nên cảm thấy hổ thẹn", bà nói. Vào tháng 10 năm nay, bà đã mang theo niềm hối tiếc qua đời.

Nhiều người trong ngành công nghiệp ẩm thực Trung Hoa cho rằng, điều này có liên quan đến việc những người nhập cư ban đầu hầu hết là công nhân nghèo và sinh kế của họ quá khó khăn nên chỉ cần chế biến qua loa là đủ.

Nhưng Willa Zhen, một Giáo sư tại Viện Ẩm thực Mỹ có cha mẹ thuộc thế hệ nhập cư làm việc trong các nhà hàng cho rằng, thế hệ người nhập cư đầu tiên nắm rõ về ẩm thực Trung Hoa nhưng do nhiều rào cản nên họ buộc phải thay đổi để phục vụ cho thị hiếu người bản địa.

Tuy nhiên hiện nay, quỹ đạo phát triển ẩm thực Trung Hoa đang chuyển sang một con đường mới trong những năm gần đây với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đến Mỹ.

Thách thức trùng điệp

Số lượng sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài tăng từ 157.000 trong năm học 2010-2011 lên 369.000 trong năm học 2018-2019; từ năm 2012 đến 2018, 80% trong số 10.000 thẻ xanh định cư diện đầu tư do chính phủ Mỹ cấp mỗi năm được cấp cho người nhập cư Trung Quốc.

Khi thế hệ những người lớn lên ở Trung Quốc đến Mỹ để học tập hoặc làm việc phát triển với tốc độ nhanh chóng, văn hóa ẩm thực Trung Hoa của người Mỹ chắc chắn bắt đầu thay đổi.

Vào năm 2011, Vương Di Minh đến từ Cáp Nhĩ Tân và các đồng nghiệp đã rất vất vả nhưng không thể tìm ra được nhà hàng ẩm thực thực sự mang hương vị ẩm thực quê nhà. Do đó, cô đã từ bỏ công việc tại phố Wall, cùng chồng thành lập nhà hàng đầu tiên của họ, Cafe China.

Bữa tối của Cafe China. (Ảnh: NYT)

Nhà hàng với các món ăn thuần Trung Quốc và được tự tay cô trang trí theo phong cách Thượng Hải cổ gồm đồ nội thất cổ, máy hát đĩa và áp phích phim đã giành được một sao Michelin - danh hiệu danh giá trong ngành ẩm thực - vào năm thứ hai hoạt động và tiếp tục được bầu lại vào năm ngoái. Nhưng Cafe China vẫn mang hơi hướng rất khác lạ trong lĩnh vực nhà hàng Trung Hoa ở New York. "Lúc đó chúng tôi rất cô đơn", Vương nói.

Nhưng vào tháng 2 năm ngoái, đã có hơn 20 khách tham gia khi Triệu Dũng tổ chức một tiệc trà với chủ đề kinh doanh nhà hàng Trung Hoa mới ở New York.

Hầu hết họ trong độ tuổi 20 và 30. Nhiều người trong số họ có bằng thạc sĩ. Họ đưa ra thắc măc về giá thành thấp của đồ ăn Trung Hoa, bày tỏ sự khó chịu của họ về việc ngành công nghiệp nhà hàng Trung Hoa gần như vắng bóng trên các diễn đàn ẩm thực chính thống ở Mỹ và chiến lược để ẩm thực Trung Hoa đoạt sao Michelin.

Như Triệu Dũng, người từng học bằng Tiến sĩ khoa học môi trường tại Đại học Yale, nói với bạn bè của mình tại cuộc họp, người lao động nhập cư Trung Quốc đang giảm, thế hệ người nhập cư cũ trong ngành nhà hàng Trung Hoa sắp nghỉ hưu và những người Trung Quốc thế hệ thứ hai lớn lên ở Mỹ không muốn tiếp quản khiến ẩm thực truyền thống Trung Hoa đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, trong khi sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được dự định sẽ giúp ẩm thực Trung Hoa tái diễn lịch sử như ẩm thực Nhật Bản từng lên ngôi ở Mỹ sau khi nền kinh tế Nhật Bản vươn lên.

Cuộc họp do Triệu Dũng tổ chức. (Ảnh: RONG XIAOQING)

"Ẩm thực Trung Hoa hiện đang ở bước ngoặt, và mọi người ở đây có thể nỗ lực cùng nhau để tạo ra một hình ảnh mới về ẩm thực Trung Hoa ở Mỹ trong năm năm tới, giành được nhiều giải thưởng nổi tiếng và giành lại quyền phát ngôn cho ẩm thực Trung Hoa", tinh thần của mọi người trở nên phấn chấn, dường như có thể nghe thấy tiếng siết tay chắc nịch của những người trẻ tuổi này.

Tuy nhiên, ít nhất ba trong số những người trẻ tham gia cuộc họp gần đây đã chuyển về Trung Quốc. Số còn lại đang gặp khó khăn hoặc đã điều chỉnh hướng đi. Tương lai ẩm thực Trung Quốc dẫn đầu lĩnh vực ẩm thực cao cấp họ từng mong muốn giờ đây rất bế tắc.

Điều này tất nhiên có liên quan đến thiệt hại nặng nề của ngành công nghiệp ẩm thực do dịch Covid-19 gây ra.

Hầu Dĩnh Tiệp, người vừa tốt nghiệp Học viện Ẩm thực Mỹ năm ngoái, ban đầu dự định ở lại thêm bốn hoặc năm năm để tích lũy kinh nghiệm, sau đó mở nhà hàng của riêng mình. Sau khi làm việc cho Per Se, nhà hàng nổi tiếng ở New York một thời gian, thì một nhà hàng Mỹ khác từng đạt ngôi sao Michelin đã chìa cành ô liu và sẵn sàng cung cấp visa công việc diện H1B cho anh. Nhưng ngay sau đó dịch bệnh ập đến, nhà hàng đóng cửa và visa trở thành một vấn đề lớn. Hầu đã đưa ra một quyết định khó khăn vào tháng 9 và trở về quê nhà Thâm Quyến, nơi anh hiện đang làm việc trong một nhà hàng phương Tây cao cấp ở Thâm Quyến.

Vào một ngày tháng 10, Hầu Dĩnh Tiệp đang đi mua sắm ở Thâm Quyến thì tình cờ gặp một người bạn cùng lớp ở Học viện Ẩm thực Mỹ, hai người đang trò chuyện sôi nổi thì đột nhiên một người chạy đến ôm chầm lấy hai người, hóa ra lại là một bạn học khác của Học viện Ẩm thực Mỹ. Cả ba người họ đều vừa tốt nghiệp và bắt đầu làm việc trong các nhà hàng ở Mỹ, nhưng họ đều đã về nước vì dịch bệnh.

Ngày hôm sau, họ liên lạc với các cựu sinh viên của Học viện Ẩm thực Mỹ ở Thâm Quyến và tổ chức một bữa tiệc với sự hiện diện của tám người.

Theo số liệu do Văn phòng Truyền thông của Học viện Ẩm thực Mỹ cung cấp, số lượng sinh viên Trung Quốc của trường này đã tăng từ 4 người trong năm học 2013-2014 lên 32 người trong năm học 2017-2018, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất của trường. Hầu Dĩnh Tiệp nói: "Dịch bệnh đã đưa một số lượng lớn sinh viên trở lại Trung Quốc".

Bên trong China Blue. (Ảnh: NYT)

Nhưng thách thức lớn hơn mà ngành ẩm thực Trung Hoa phải đối mặt là việc "kể những câu chuyện ẩm thực Trung Hoa" và "giành lại quyền phát ngôn" mà Triệu Dũng đã đề cập tại cuộc họp đó.

Nói về quá khứ của ẩm thực Trung Hoa, bà Lý Cạnh, cựu phóng viên của The New York Times và là tác giả của cuốn sách ẩm thực nổi tiếng The Fortune Cookie Chronicles nói rằng từ những năm 1920, giới trẻ Mỹ thích phiêu lưu thường coi việc đưa bạn bè đến nhà hàng Trung Hoa là mốt. Vào những năm 1970, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon bấy giờ đã gây nên một cơn sốt về ẩm thực Trung Hoa ở Mỹ.

Câu chuyện ẩm thực Trung Hoa được kể và định vị bởi những thực khách chính thống mặc dù đã mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà hàng Trung Hoa ở Mỹ, nhưng từ lâu đã trở thành nỗi niềm riêng trong lòng những người nhập cư Trung Quốc.

Lưu Hải Minh, Giáo sư Nghiên cứu người nhập cư châu Á tại Đại học Bách khoa Bang California cho rằng thành công của Tôn Giang Vân cũng là một "câu chuyện buồn vui lẫn lộn", bởi vì danh tiếng của Mandarin gần như hoàn toàn phụ thuộc vào lực đẩy của nhà báo Herb Caen của tờ San Francisco Chronicle. "Tại thị trường Mỹ, các nhà hàng Trung Hoa không thể kiểm soát văn hóa của chính họ", Lưu Hải Minh viết.

Đây là lý do khiến thế hệ thanh niên Trung Quốc này muốn giành lấy chiếc micro để kể câu chuyện về ẩm thực Trung Hoa.

NYT cho biết, vào mùa hè năm ngoái, mặc dù chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đã bắt đầu và mối quan hệ giữa hai nước ngày càng đi xuống, nhưng hầu hết mọi người đều tin rằng việc giao lưu văn hóa bình thường sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, sự cảnh giác của thế giới phương Tây do sự bành trướng của văn hóa Trung Quốc đã tăng lên từng ngày. Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy hơn 70% người Mỹ có ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc, điều đó có nghĩa là những câu chuyện Trung Quốc từng khiến người Mỹ tò mò, thậm chí săn đón đã dần mất đi khán giả.

Vương Di Minh hiểu rõ về sự thay đổi này. Cô cho biết, khi Cafe China mở cửa, rõ ràng văn hóa Trung Quốc đang nở rộ, sau khi Cafe China nhận được sao, cô và chồng đã mở hai nhà hàng China Blue ở Manhattan và Birds of a Feather ở Brooklyn. Trong số khách mời, có rất nhiều thực khách Trung Quốc đổ xô đi thưởng thức thử ngôi sao Michelin. Tuy nhiên, lượng khách nhóm này đã bắt đầu giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ bắt đầu.

Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng Trung Hoa ở ba khu phố Tàu lớn của New York giảm mạnh và một số đã bị đập phá. Đồng thời, một số người bạn Trung Quốc xung quanh cô cũng lần lượt trở về Trung Quốc. "Giờ đây, mỗi khi một người bạn gọi điện cho tôi, điều tôi sợ nhất là nghe được quyết định trở về Trung Quốc của họ, giống như nhìn từng sợi tơ trên tấm gấm bị rút dần từng sợ", cô nói.

Vương Di Minh chụp ảnh chia tay nhân viên. (Ảnh: NYT)

Một ngày giữa tháng 8, China Blue nổi tiếng đóng cửa. Vương Di Minh tổ chức một bữa tiệc trong cửa hàng cho hơn 30 nhân viên, sau đó đeo khẩu trang, chụp ảnh tập thể ở cửa. Sau khi nhân viên rời đi, cô tìm một góc không có ai để khóc. Cô nói: "Chủ nhà không bớt một xu trong khi khách ngày ngày càng ít đi. Chúng tôi không thể trụ được nữa".

Triệu Dũng thì nói rằng, ngay cả khi ông Joe Biden được bầu thì cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ cũng không thể thay đổi trong một thời gian nhất định, và sau trận dịch này, những thực khách bị ảnh hưởng nhiều hơn về kinh tế sẽ chuyển sang dùng bữa đơn giản, đồng thời, tầng lớp tinh hoa Trung Quốc từng sùng bái Mỹ cũng sẽ giảm. Trong tương lai, xu hướng nhập cư của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đến Mỹ có thể chậm lại, và xu hướng nhân tài Trung Quốc ở Mỹ về nước thì không thể đảo ngược. Tất cả những điều này đã mang đến những thách thức cho sự phát triển của ẩm thực Trung Hoa.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ẩm thực Trung Quốc như Liuyishou Hotpot và Bistro Na's đã hiện diện trên đất Mỹ nhưng Triệu Dũng cho rằng những "ẩm thực Trung Hoa ra khơi" như vậy khó có thể tập trung ở các nước phát triển tại châu Âu và Mỹ trong 5 năm tới. Tuy nhiên, ông cho rằng sau sự co giãn của văn hóa Trung Quốc, văn hóa của người Hoa bản địa ở Mỹ có thể sẽ phục hồi, ẩm thực Trung Hoa kiểu Mỹ có thể được "củng cố" và có một vị trí trong phả hệ ẩm thực Trung Hoa như ẩm thực Tứ Xuyên và Quảng Đông.

Dưới ý tưởng này, Junzi mùa hè năm nay, đã cho ra đời hai cửa hàng mua mang về Nice Day với mô hình kinh doanh hiện đại chính gồm hai món chính là General Tso's chicken (Gà tướng tả) và Beef with Broccoli (Bò xào bông cải). Họ cũng đang mua lại các cửa hàng bán đồ ăn mang về kiểu Trung Hoa đang trên bờ vực phá sản và có kế hoạch khai trương 20 cửa hàng đồ ăn mang về như Nice Day tương tự vào năm tới.

Dù Chung Ngọc Cẩn đã rời New York nhưng trái tim cô vẫn ở đây. Cô cho biết có thể sẽ đến các doanh nghiệp ẩm thực Thượng Hải để tiếp tục học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa chờ New York thay đổi tốt hơn, nhưng không biết sẽ đợi đến bao giờ. "Đây không chỉ là dịch bệnh, mà còn là thái độ của người dân", cô nói để người Mỹ thay đổi cái nhìn tiêu cực về văn hóa Trung Quốc có thể mất 3 đến 5 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Vương Di Minh vẫn lạc quan về câu chuyện ẩm thực Trung Hoa. Trước dịch bệnh, cô và chồng đã ký hợp đồng thuê nhà gần Quảng trường Thời đại ở New York, họ muốn mở một nhà hàng mới nhưng giờ họ định hợp nhất China Blue đã đóng cửa và Cafe China sắp đến hạn hợp đồng thành một cửa hàng chung và khai trương vào đầu năm sau, tên của nhà hàng vẫn chưa được chốt.

Cô tuyên bố: "Người Trung Quốc rất kiên cường. Miễn là chúng tôi không bỏ cuộc và kiên quyết chiến đấu ở đây, thể hiện những món ăn ngon nhất của Trung Quốc và bản thân tốt nhất trong nghịch cảnh, sự tồn tại của chúng tôi chính là câu chuyện".

Nguồn: Tổ Quốc

Tin mới