5 năm qua (từ năm học 2016 - 2017 đến nay), Việt Nam giành 162 huy chương ở kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực (51 huy chương Vàng, 67 huy chương Bạc, 44 huy chương Bạc và 7 bằng khen). Trong đó, hai năm 2021 và 2018 Việt Nam giành nhiều huy chương vàng nhất với 12 lượt học sinh đạt huy cương Vàng, các năm còn lại có 9 em.
Năm học | Huy chương Vàng | Huy chương Bạc | Huy chương Đồng | Bằng khen |
2017 | 9 | 14 | 11 | 2 |
2018 | 12 | 13 | 9 | - |
2019 | 9 | 19 | 9 | 1 |
2020 | 9 | 8 | 5 | 2 |
2021 | 12 | 13 | 10 | 2 |
40 năm đồng hành cùng Olympic Vật lý
Hơn 40 năm phụ trách ôn tập và dẫn đoàn Olympic Vật lý Việt Nam tham gia thi quốc tế, PGS.TSKH Nguyễn Thế Khôi chia sẻ bản thân "như trẻ ra" khi được đồng hành cùng các học sinh tố chất, cùng các thầy cô giáo nhiệt huyết qua các mùa Olympic.
PGS.TSKH Nguyễn Thế Khôi.
Thầy Khôi cho biết, năm 1982, Việt Nam lần đầu tham gia kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tại Bulgari. Thời điểm này, thầy trong đội ngũ giáo viên tuyển chọn, huấn luyện học sinh. Kể từ đó, hầu như năm nào thầy cũng tham gia quá trình huấn luyện đội tuyển. Đến năm 2003, thầy đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam dự thi quốc tế.
Đồng hành cùng đội tuyển, thầy Khôi cho biết, bên cạnh quá trình ôn luyện, trước mỗi kỳ thi, thầy cô thường chú ý đến văn hoá, quy tắc ứng xử và đồ ăn của nước đăng cai tổ chức để nhắc nhở học sinh. Ví dụ, nếu thi ở châu Âu, thầy cô dặn dò các em chớ nói to, gọi nhau ầm ĩ trên đường phố. Khi sang Ấn Độ, đoàn phải chuẩn bị thêm mỳ tôm, lương khô do sợ ăn đồ cay, nóng, ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu học sinh không quen.
Ngoài ra, thầy cô thường động viên, khích lệ tinh thần học trò khi phải thi đấu trên “sân khách”. Không có gia đình, bạn bè xung quanh, thầy cô vừa là người hướng dẫn vừa là chỗ dựa cho học trò.
Thầy nhớ lại, năm 2002, trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế tại Indonesia, học sinh Đặng Ngọc Dương giành huy chương vàng với điểm số khá cao. Song khi chấm lại, thầy cô đoàn Việt Nam phát hiện điểm số của Dương có thể cao hơn thực tế và thảo luận liên tục nhiều giờ với giám khảo kỳ thi. Kết quả, Dương được cộng khoảng 4 điểm và trở thành thí sinh giành điểm cao nhất.
Thành tích cao nhất trong lịch sử
PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Sinh học từ năm 2017. Trong 5 năm thầy Huy dẫn đoàn, đội tuyển Việt Nam đạt được nhiều thành tích cao. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam giành 3 huy chương vàng, xếp thứ 1 thế giới - thành tích cao nhất trong lịch sử; năm 2021 giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Đánh giá về những thành công của đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế những năm gần đây, thầy Huy cho rằng đó là đóng góp của tập thể thầy cô giáo giỏi đến từ các trường đại học đào tạo Sinh học đầu ngành.
PGS.TS Nguyễn Quang Huy (ngoài cùng bên trái) cùng đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế 2021.
Trong 5 năm dẫn đoàn, thầy Huy ấn tượng nhất với kỳ thi 2021. Olympic Sinh học quốc tế năm 2021 (IBO 2021) do Bồ Đào Nha đăng cai, được tổ chức theo hình thức thi trực tuyến với 304 thí sinh thuộc 76 nước và vùng lãnh thổ tham gia. Các thí sinh làm bài thực hành và lý thuyết trong 2 ngày thi (mỗi ngày thi làm trong 3 giờ trên hệ thống thi trực tuyến TestWe); máy tính dự thi của thí sinh được ảo hoá và có camera giám sát toàn bộ quá trình dự thi theo thời gian thực để bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan.
Năm nay cũng là kỳ thi đầu tiên các em học sinh làm bài hoàn toàn trên máy tính với nhiều kiểu, dạng câu hỏi khác nhau kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Trong số các thí sinh, thầy Huy ấn tượng với em Nguyễn Thị Thu Nga, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng em nỗ lực phấn đấu, tiếp tục được chọn vào đội tuyển thi quốc tế và xuất sắc đoạt huy chương Bạc. Đây là tấm gương sáng về lòng ham học và nỗ lực vươn lên mà các em học sinh cần noi theo.