Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những người lính huyền thoại và lời thề trước cờ Đảng

(VTC News) -

Họ, những chàng trai giơ nắm tay thề trước cờ Đảng từ bảy chục năm trước và nhờ giữ vững lời thề ấy, đã trở thành người lính huyền thoại.

 

Nâng niu tấm huy hiệu Đảng, ký ức 73 năm trước lại ùa về với nhà tình báo huyền thoại Tư Cang - Đại tá Nguyễn Văn Tàu, nguyên Cụm trưởng cụm tình báo H.63. Khoảnh khắc đứng trước lá cờ Đảng tuyên thệ tưởng như đang diễn ra trước mắt ông...

Tháng 9/1950, anh lính trẻ Nguyễn Văn Tàu xúc động hay tin mình được chọn vào hàng ngũ những quần chúng trung kiên, dự kiến được kết nạp Đảng. Theo lệnh trên, ông rời Bà Rịa - Vũng Tàu, xách súng lên Bến Cát (Bình Dương) học lớp cảm tình Đảng.

Lúc đó, do tình hình chiến sự nên lớp học được tổ chức rất bí mật, luôn phải chuẩn bị tư tưởng vừa học vừa sẵn sàng đánh lại sự vây ráp của địch. Nội dung học tập là về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Đảng, lý tưởng của Đảng…

Qua khóa học, các quần chúng ưu tú phải xác định rõ: Vì sao mình phấn đấu vào Đảng, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng? Khi vào Đảng, mình sẽ làm công việc gì thiết thực để cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân, cho Đảng?

 

Nhà tình báo Tư Cang nhớ lại: “Năm 1945, tôi đăng ký vào Đội Thanh niên Tiền phong của xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu để bắt đầu con đường cách mạng. Tuổi 17 xông xáo, không ngại hiểm nguy, tôi được cấp trên đặc biệt để ý đào tạo. Sáng 25/8/1945, bên ta tổ chức giành chính quyền ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ hình ảnh vị chỉ huy oai phong lẫm liệt trên yên ngựa hô to: “Hôm nay chúng ta đi giành chính quyền” rồi dẫn đoàn đi trước, dân làng chạy bộ theo sau.

Trong đoàn người chạy bộ 7 cây số đó, có tôi. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được nghe bài hát Tiến quân ca:Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng đằng xa chen khúc quân hành ca…”.

Ba tháng sau (tháng 12/1950), tại Phòng Quân báo Quân khu 7, chiến khu D, người lính trẻ Nguyễn Văn Tàu được kết nạp vào Đảng ở tuổi 22.

Lúc đó kết nạp chỉ có hai người, tôi và một cô nữa. Ban Chi ủy có 2 - 3 người, khi trao nhiệm vụ thì nói giản đơn nhưng thấm thía và ân tình lắm. Chúng tôi đều hiểu thấu gia nhập Đảng là sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Lời thề lúc đó cũng rất đơn giản. Tôi giơ cao tay thề trước cờ Đảng suốt đời chiến đấu, hy sinh cho Chủ nghĩa Cộng sản tới giọt máu cuối cùng, hơi thở cuối cùng. Hồi đó không nói nhiều, tình hình đâu cho phép tập hợp đông, thời gian dài mà nói nhiều”.

Nhà tình báo huyền thoại Tư Cang khẳng định, hơn 70 năm theo Đảng, trong suốt cuộc đời vào sinh ra tử, dù có lúc cận kề cái chết, ông vẫn mãi nhớ lời thề trước cờ Đảng thiêng liêng.

Dù lời tuyên thệ ngắn gọn, nhưng từ trong lòng mỗi người đều có một niềm tin khắc cốt vào thắng lợi cuối cùng do Đảng lãnh đạo, phải tự dặn mình phấn đấu nhiều hơn nữa.

Một điều được ông nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện là dù tinh thần trước đó đã rất vững, nhưng sau khi được kết nạp Đảng, tinh thần đó lại tăng gấp bội. Bởi trong suy nghĩ của ông, mình đã là đảng viên, đã thề, được nhận niềm vinh dự lớn thì không có lý do gì từ chối bất cứ một nhiệm vụ nào Đảng giao. Bởi vậy, trong suốt cuộc đời vào sinh ra tử, dù có lúc cận kề cái chết, ông vẫn mãi nhớ lời thề, cùng lời thơ của Tố Hữu để trung thành với con đường cách mạng mà mình theo đuổi: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim…”.

 

Năm 1965, hai thập kỷ sau ngày Đại tá tình báo Tư Cang tham gia cách mạng, cậu trai Nguyễn Huy Hiệu cũng vừa tròn 17 tuổi, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chẳng ai ngờ thanh niên đó sau này trở thành vị tướng trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ở tuổi 40.

Ngày 20/2/1965, Nguyễn Huy Hiệu hành quân bộ từ Hải Hậu tới ga tàu tại TP Nam Định, sau đó lên tàu đến Nghệ An. “Trước đó một năm, tôi được cử đi học lớp cảm tình Đảng sau thời gian hoạt động sôi nổi trong phong trào Đoàn. Trước ngày hành quân, mấy chục thanh niên trong xã mặc quân phục đến cửa hàng ảnh chụp chân dung. Bảo là kỷ niệm nhưng chúng tôi đều xác định đó là ảnh thờ nếu có hy sinh”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể.

 

Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đã ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức vị tướng, bởi đó là chặng đường chiến đấu gian khổ nhất, kéo dài gần 9 năm. Nguyễn Huy Hiệu đã cùng đồng đội trải qua năm tháng thanh xuân sung sức nhất, ngoan cường nhất tại mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa.

Cùng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tôi còn giao cho bản thân một nhiệm vụ lớn lao khác là phấn đấu vào Đảng Lao động Việt Nam. Thời điểm đó, quá trình phấn đấu vào Đảng hết sức quyết liệt vì tôi thuộc thành phần trung nông (những đối tượng nông dân ít bị bóc lột và có tài sản riêng để tự do lao động để sinh sống - PV) nên sự phấn đấu phải gấp nhiều lần so với thành phần bần cố nông”, ông Hiệu nói.

Từ anh binh nhì, Nguyễn Huy Hiệu phấn đấu lên tổ trưởng tổ ba người, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua rồi Chiến sĩ quyết thắng và chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 1967.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, trong lễ kết nạp Đảng, quan trọng nhất là lời tuyên thệ của đảng viên mới trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời điểm đó, chúng tôi tự viết Lời tuyên thệ. Tôi vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm lời thề của mình: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân…”. Đó là lời thề danh dự của đảng viên đối với tổ chức và nguyện xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Nhân dân”, ông Hiệu xúc động nói.

Lời thề đó, như tướng Hiệu nói, đã được ông cẩn trọng gìn giữ cho đến tận hôm nay. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng tự nhắc mình phấn đấu, rèn luyện theo lời thề được ông thể hiện trong giờ phút thiêng liêng đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám của năm 1967.

Giới thiệu với PV VTC News những hình ảnh gắn với một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và cuốn sách viết về khoa học quân sự, đường lối đối ngoại..., Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, ông luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, lý tưởng cao đẹp của Đảng và quyết tâm giữ trọn lời thề đã tuyên thệ năm xưa.

Lời thề đó đã được tướng Hiệu mang theo suốt 4 chiến dịch lớn gồm Chiến dịch Mậu Thân, Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh với 67 trận chiến đấu, trực tiếp đánh địch.

Việc thực hiện nghiêm cẩn lời thề đó đã khiến ông trở thành trường hợp đặc biệt trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam thời bấy giờ, từng trải qua hầu hết vị trí cấp trưởng trong quân đội rồi đảm nhận trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Đến nay, hơn 50 năm tuổi Đảng, dù đã nghỉ hưu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục làm việc, nghiên cứu cống hiến cho khoa học quân sự, môi trường và nhân đạo.

 

Vào Đảng là nhận trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân chứ không phải hưởng quyền lợi”. Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nhấn mạnh.

Chia sẻ về quá trình phấn đấu vào Đảng, ông Túc cho biết, những năm kháng chiến chống Pháp, ông theo học tại trường Trung học Nguyễn Bình Khiêm (tỉnh Hải Dương).  Tháng 1/1953, ông là một trong 3 học sinh của trường được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.

Đến tháng 10/1954, khi Thủ đô được giải phóng, ông Túc chuyển lên học tại trường Chu Văn An (Hà Nội) và vào đại học. “Suốt quá trình học tập, tôi luôn được tổ chức Đảng và các đảng viên theo dõi, giúp đỡ. Tháng 10/1957, khi tròn 20 tuổi, tôi được phân công về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dạy tiếng Nga cho sinh viên và tiếng Anh, tiếng Pháp cho cán bộ giảng dạy. Tôi là đối tượng xem xét vào Đảng”, ông Túc nói.

 

Vị trí thức cao tuổi vẫn nhớ là ngày đó sau quá trình nghiên cứu về Đảng, tự nguyện phấn đấu vào Đảng, ông đã viết Đơn xin vào Đảng và trong đó có lời tuyên thệ của mình.

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Nguyễn Túc chậm rãi, dứt khoát đọc lại theo trí nhớ lời thề năm xưa của trong buổi lễ kết nạp Đảng được tổ chức tại nhà Giám đốc điều hành khu học xá Đông Dương trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cách đây gần 60 năm:

Một, tuyệt đối trung thành với cương lĩnh của Đảng, với đường lối chính trị mà Đại hội ba của Đảng đã đề ra.

Hai, đã là đảng viên thì đối với Nhân dân phải làm những việc sau:

Là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Phải thực hiện đảng viên đi trước, làng nước đi sau; khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ;

Vì đất nước chúng ta đang ở trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, mỗi cán bộ và mọi đảng viên phải không ngừng học tập, phấn đấu để nâng cao trình độ về mọi mặt.

Để có thể thực hiện được nhiệm vụ đó, tôi mong muốn các cấp ủy Đảng, đặc biệt chi bộ của tôi sẽ sinh hoạt thì giúp đỡ tôi để tôi hoàn thành những cái điều mà tôi đã tuyên thệ”.

Nửa thế kỷ gắn bó với công tác Mặt trận, đến nay đã 85 tuổi nhưng vẫn luôn tâm huyết với công việc, bởi ông Túc tâm niệm, còn sức khỏe, còn trí tuệ thì còn phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Gần 17 năm làm Ủy viên thư ký của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt, ông Túc cũng là người có thâm niên cao nhất trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hơn 30 năm (từ khóa IV đến nay).

Dù đã về hưu, ông luôn nhiệt huyết, say mê với công việc, đóng góp cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn, chân tình.

Video: Lời thề trước cờ Đảng theo người lính suốt cuộc đời

 

Nguồn:

Tin mới