Thành phần dinh dưỡng của râu ngô
Râu ngô, vốn là phần thường bị loại bỏ khi chế biến bắp ngô, lại được xem như dược liệu quý hiếm, thậm chí còn được so sánh ngang hàng với nhân sâm về giá trị bổ dưỡng. Được biết đến với tên gọi ngọc mễ tu, râu ngô thường xuyên được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền để điều trị các bệnh liên quan đến gan và mật.
BS.CKI Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 cho hay, trong râu ngô chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin), vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, acid pantothenic, isotol, các saponin, các steroid như sytosterol và sigmasterol, các chất đắng, dầu béo, vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Có thể nói râu ngô chính là loại thuốc hỗn hợp của nhiều vitamin và các vi chất ở dạng tự nhiên cần thiết cho cơ thể chống oxy hoá tốt hơn bất cứ loại thuốc bổ nào.
Bác sĩ Yến Nhi cho biết, râu ngô tác dụng lợi thủy, tiết nhiệt bình can, thường dùng làm thuốc thông mật, trị vàng da, phù nề, tiêu phù, trừ thấp độc, làm thuốc lợi tiểu thông lâm, thanh huyết nhiệt, hạ áp.
Nước râu ngô tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể uống được
Trong dân gian, người ta thường sử dụng nước râu ngô như phương pháp hiệu quả để hạ nhiệt cơ thể, cân bằng chức năng gan. Để tăng cường hiệu quả, người ta thường phối hợp nước râu ngô với các loại thảo dược khác như mã đề, hoa cúc, rễ cỏ tranh, mía lau, pha chế thành thức uống giải khát, thanh nhiệt, có lợi cho sức khỏe.
Bác sĩ Nhi cho hay, trong nước râu ngô có các chất như saponin, flavonoid, giúp giãn mạch máu, giảm lượng dịch ngoại bào, tăng bài tiết natri. Uống nước râu ngô có thể làm giảm huyết áp, ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị lipid máu cao.
Những người không nên uống nước râu ngô
Nước râu ngô tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được. Bác sĩ Yến Nhi khuyến cáo những nhóm người dưới đây nên hạn chế khi sử dụng nước râu ngô:
- Người bị hạ đường huyết: Uống nước râu ngô có thể gây ra huyết áp thấp, gây chóng mặt, mệt mỏi và các triệu chứng khó chịu khác về đường tiêu hóa, thậm chí khiến tình trạng huyết áp thấp nặng thêm.
Đối với người bệnh đang hạ đường huyết, uống nước râu ngô có thể gây nặng thêm các triệu chứng hạ đường huyết như hồi hộp, run tay, đổ mồ hôi.
- Người bị dị ứng phấn hoa: Trong râu ngô chứa lượng phấn hoa nhất định có thể gây khó chịu cho những người bị dị ứng phấn hoa.
- Người đang dùng thuốc: Người bệnh đang dùng thuốc chống đông, không nên dùng nước râu ngô.
Bác sĩ Yến nhi cũng khuyến cáo, thể chất và thể trạng của mỗi người đều khác nhau, vì vậy trước khi sử dụng nước râu ngô, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để được tư vấn nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hơn nữa trong trường hợp bạn đang dùng các loại thuốc khác để trị bệnh có thể tương tác với nước râu ngô, nên việc hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn lại càng cần thiết.