Những người không nên chạy bộ
Chạy bộ mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ nhưng không phù hợp với một số người. Những người dưới đây được khuyến cáo không nên chạy bộ:
Người có tầm nhìn kém
Theo trang Aboluowang cho biết, người có tầm nhìn kém vào ban đêm, điều kiện đường xá khó quan sát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vì vậy không nên chạy bộ vào ban đêm mà nên chạy bộ vào ban ngày.
Người béo phì
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, chạy bộ tác dụng giảm cân rất tốt, vì vậy người thừa cân thường chọn chạy bộ là bài tập ưu tiên để bắt đầu quá trình giảm cân của mình. Tuy nhiên, bác sĩ thường không khuyến khích người béo phì tập chạy bộ.
Những người không nên chạy bộ vì có thể gây hại cho sức khoẻ
Điều này là do khi chạy bộ, đôi chân của chúng ta sẽ phải chịu áp lực của toàn cơ thể, với người béo phì áp lực này lớn hơn người bình thường. Nếu duy trì trong thời gian dài thì áp lực từ trọng lượng cơ thể sẽ dồn nén xuống đôi chân, gây ảnh hưởng xấu tới xương khớp, đặc biệt là khớp gối.
Các huấn luyện viên khuyến cáo người béo phì thận trọng khi chạy bộ và nên bắt đầu với cường độ thấp, quãng đường ngắn và tăng dần theo thời gian.
Người bị chấn thương hoặc mắc bệnh về xương khớp
Chạy bộ có thể làm tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng lưng dưới. Do đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh chạy bộ hoặc chỉ chạy bộ với cường độ thấp, quãng đường ngắn và có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
Với người có tiền sử chấn thương khớp gối, chạy bộ có thể làm tái phát chấn thương. Do đó, họ cần tránh chạy bộ hoặc chỉ chạy bộ với cường độ thấp, quãng đường ngắn. Họ nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng hơn như đi bộ, yoga… thay cho chạy bộ cường độ cao.
Người cao tuổi
Nhiều người cho rằng chạy bộ là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng trên thực tế chạy bộ với cường độ cao không hề phù hợp với người lớn tuổi.
Nguyên nhân là do khi chúng ta già đi, các cơ bắp, dây chằng đã bị lão hóa và không còn đàn hồi tốt nữa. Việc chạy bộ với cường độ cao có thể làm tổn thương cơ bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng và yếu ớt, lâu ngày có thể ảnh hưởng không tốt tới khớp và xương chân, gây ra bệnh xương khớp.
Người cao tuổi nên lựa chọn đi bộ thay cho chạy bộ. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ nên đi bộ tối đa 30-45 phút mỗi ngày và luôn cần khởi động khoảng 5-10 phút để làm nóng các khớp trước khi đi bộ.
Lưu ý khi chạy bộ để tránh đột quỵ
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam, để phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ, người chạy cần thực hiện tốt các lưu ý dưới đây.
- Bạn cần khởi động đủ và toàn diện tất cả các nhóm cơ, không khởi động quá lâu vì sẽ làm oải cơ, tiêu hao quá nhiều năng lượng, khởi động đúng trình tự, từ các động tác nhẹ, dễ đến các động tác khó để làm nóng cơ dần dần. Khi thời tiết lạnh, bạn phải khởi động thật kỹ, tuân thủ nguyên tắc tăng cường độ và liều lượng các động tác lên từ từ vì rất dễ rách cơ.
- Bạn không nên dùng các loại dầu nóng xoa bóp để làm nóng thay thế khởi động vì biện pháp này chỉ làm nóng ngoài da do hóa chất chứ gân cơ, dây chằng chưa đủ ấm.
- Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, bạn cần phải kiểm tra thể lực xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp.
- Trong quá trình chạy, bạn cần điều chỉnh cường độ, không nên bắt đầu chạy quá nhanh hoặc quá mạnh, hãy tăng dần cường độ và khoảng cách khi cơ thể đã sẵn sàng. Bạn cần có kế hoạch tập luyện tăng dần cường độ và quãng đường chạy, ví dụ mỗi tuần chỉ nên tăng 200m quãng đường, không tự ý tăng đột ngột quãng đường chạy.
- Giữ cơ thể mát mẻ, bổ sung nước và điều chỉnh cơ thể tránh sốc nhiệt.
- Trong quá trình chạy bạn hãy lắng nghe cơ thể, khi cảm thấy không thoải mái hoặc quá mệt hãy dừng lại và nghỉ ngơi, nếu cần thiết hãy gọi trợ giúp.
- Khi hoàn thành quá trình chạy, bạn hãy dần dần giảm tốc độ và làm một số động tác co giãn giúp cơ thể phục hồi.
Trên đây là những người không nên chạy bộ. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa môn thể thao này nhé.