Dựa trên khảo sát từ 400 doanh nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin (Công nghệ thông tin), tài chính, ngân hàng, kiến trúc, y tế, giáo dục... và 1.200 người lao động, Vietnam Works vừa đưa ra báo cáo “Thị trường lao động trong làn sóng COVID-19 thứ 4 - năm 2021: Thực trạng và hướng đi”.
Theo báo cáo này, khoảng 49,9% doanh nghiệp không sa thải nhân viên, giữ nguyên lương, phúc lợi như trước đợt COVID-19. Trong đó, đa số là các doanh nghiệp trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và Công nghệ thông tin.
Đây là những lĩnh vực có khả năng duy trì hoạt động tốt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Hơn 56,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi hết giãn cách xã hội.
Tại TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin thời điểm này vẫn lớn nhất, lần lượt là 45,2% và 50%. Doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin quy mô từ 101-300 nhân sự có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng nhân sự hàng đầu. Các doanh nghiệp tại Hà Nội quy mô từ 10 - 50 nhân viên và 101 - 300 nhân viên cũng mong muốn tuyển đủ vị trí tại bộ phận bán hàng, kinh doanh.
Giáo dục phải đi đầu trong chuyển đổi số. (Ảnh: Nguyễn Thương)
Công nghệ thông tin, Chăm sóc sức khỏe, Quản trị du lịch
Theo các chuyên gia phụ trách công tác tư vấn tại các công ty du học, có những ngành học đang nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Đầu tiên là ngành Công nghệ thông tin.
Xếp sau là ngành Chăm sóc sức khỏe với sự hỗ trợ của công nghệ sinh học như Sinh học phân tử, Công nghệ hóa sinh, Khoa học sức khỏe, Hệ thống sức khỏe số. Các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế sẽ ngày càng được đầu tư rất lớn, không chỉ từ các công ty tư nhân mà cả các chính phủ.
Ngành Quản trị du lịch - khách sạn vẫn có sức hút và được dự báo sẽ càng thu hút nhân lực trong những năm tới khi đại dịch dần được khống chế.
Bên cạnh đó, cùng với xu hướng công nghệ 4.0 và hạn chế tiếp xúc giữa người với người, ngành Thương mại điện tử, Kỹ thuật số sẽ là nhóm nghề thực sự bùng nổ thời gian tới. Cuối cùng là nhóm ngành Hậu cần và Chuỗi quản lý cung ứng. Với xu thế hội nhập hóa các nền kinh tế, Chuỗi quản lý cung ứng đang dần trở thành một ngành nóng trên thế giới.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, nói rằng, nhân lực nhóm ngành Công nghệ thông tin dường như ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vì lĩnh vực này có hạ tầng, kỹ năng, tính chất yêu cầu công việc đặc thù nên không bị đóng cửa như các nhóm ngành khác.
Theo ông Tùng, dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội như giải pháp học trực tuyến, làm việc từ xa, phần mềm kiểm soát đi lại, tiêm chủng, khám bệnh trực tuyến.
Nhờ đó, khối lượng công việc dành cho nhóm ngành Công nghệ thông tin nhiều hơn. Thực tế này đòi hỏi sinh viên ngành Công nghệ thông tin nhiều kỹ năng mới liên quan trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… Do đó, chương trình phải thay đổi, nếu không, doanh nghiệp sẽ phải đào tạo lại, ông nhận định.
Theo ông Tùng, các ngành khác cũng đang có xu hướng chuyển đổi số. Ví dụ, với ngành Tài chính - Ngân hàng, ngân hàng truyền thống sẽ bị thay thế bằng ngân hàng điện tử, ví điện tử, tiền mã hóa. Như vậy, các ngành đều phải thay đổi nội dung đào tạo.
Bên cạnh đó, dự báo nhân lực lao động trực tiếp các ngành sẽ đều giảm khi có sự hỗ trợ của công nghệ. Vì vậy, các ngành đều phải nhúng Công nghệ thông tin trong đào tạo, nếu không sẽ lạc hậu.
Báo cáo của Vietnam Works khẳng định, đợt dịch lần thứ 4 này tác động lớn nhất đến các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, giáo dục và đào tạo. Có đến 25% đơn vị có quy mô nhân lực từ 10-50 đến 301-500 người thuộc các lĩnh vực này đã dừng hoạt động.