Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những ngai vàng đẹp nhất của Sa hoàng Nga

(VTC News) -

Ngai vàng là một trong những biểu tượng của quyền Sa hoàng Nga và cũng là những tác phẩm nghệ thuật có một không hai.

Theo Russia Beyond, ngai vàng xuất hiện ở Nga vào giữa thế kỷ 16, sau khi Đại công quốc Moskva bắt đầu thống nhất các vùng xung quanh và cũng như việc Đại công tước Ivan IV Vasilyevich đưa ra danh xưng Sa hoàng.

Ngai vàng của nước Nga thường được sử dụng trong các lễ đăng quang và là biểu tượng của các cung điện Sa Hoàng. Qua mỗi thời kỳ, các đời Sa hoàng Nga thường tạo ra một mẫu ngai vàng độc nhất và rất ít trong số chúng tồn tại đến ngày nay.

Ngai vàng của Ivan Bạo chúa

Ở nước Nga cổ đại, nơi ngự triều của Sa hoàng được mô tả là một chiếc ghế đặc biệt đặt bên dưới tán cây trong các thánh đường nơi Sa hoàng cầu nguyện – chúng cũng được gọi là "ngai vàng".

Nổi tiếng nhất và lâu đời nhất trong số những ngai vàng còn sót lại là ngai vàng của Monomakh trong Nhà thờ Ký túc xá của điện Kremlin ở Moskva. Nó có từ năm 1551 và thuộc về Ivan Bạo chúa (Đại công tước Ivan IV Vasilyevich).

Ngai vàng của Sa hoàng Ivan "Bạo chúa". (Ảnh: RT)

Theo lưu truyền, ngai vàng đầu tiên của Sa hoàng được gửi đến Nga bởi Hoàng đế Byzantine Constantine Monomachos.

Ngai ngà voi của Ivan Bạo chúa

Chiếc ngai gỗ được bao phủ bởi những mảnh ngà voi, ám chỉ đến ngai vàng của Vua Solomon trong Kinh thánh. Các tấm ngà voi được chạm khắc mô tả lại cuộc đời của Vua David. Ngoài ra ngai vàng này cũng được trang trí bằng hình ảnh đại bàng hai đầu của Đế quốc Đông La Mã Byzantine.

Nhiều thông tin cho rằng ngai vàng ngà voi thuộc về Ivan Bạo chúa, nhưng những tài liệu tham khảo đầu tiên về nó chỉ xuất hiện vài thập kỷ sau khi ông qua đời - vào giữa thế kỷ 17. Thông tin về người chế tạo và ai đã sở hữu ngai vàng này vẫn chưa được tìm thấy.

Ngai ngà của Ivan Bạo chúa. (Ảnh: Shakko)

Ngai vàng của Boris Godunov

Ngai vàng này có lẽ là món quà của Shah Abbas - Đại đế Ba Tư - tặng Sa hoàng Boris Godunov, người trị vì sau khi triều đại Rurik kết thúc. Điều này giải thích cho phong cách lưng thấp kiểu phương Đông của nó.

Các thợ thủ công Ba Tư đã trang hoàng lộng lẫy ngai vàng bằng vàng và nạm lên đó một loạt đá quý: ngọc lam, đá tourmaline và hồng ngọc. Vải nhung dệt được trang trí bằng hoa văn hình lá phương Đông. Nó được coi là một trong những ngai vàng nghi lễ lâu đời nhất còn tồn tại ở Nga.

Ngai vàng của Sa hoàng Boris Godunov trong Bảo tàng kho vũ khí Kremlin.

Ngai vàng của Mikhail Romanov

Đây là một món quà khác từ Shah Abbas Đại đế - lần này là cho Sa hoàng đầu tiên của triều đại Romanov, Mikhail Fyodorovich (Michael của Nga). Nó được làm bởi các thợ thủ công Ba Tư vào đầu thế kỷ 17. Khung gỗ được phủ bằng vàng tấm và đá quý, bao gồm hàng trăm viên hồng ngọc, tourmaline và ngọc bích, cũng như ngọc trai.

Người ta tin rằng Sa hoàng Michael đã mang theo ngai vàng ở mọi nơi ông đến, kể cả trong các chuyến thám hiểm. Và đó là lý do tại sao một phần vàng và đá bị thất lạc.

Ngai vàng bằng gỗ đính đá quý của Sa hoàng Mikhail Romanov.

Trong một thời gian dài sau khi Sa hoàng Michael qua đời, ngai vàng vẫn nằm trong Nhà thờ ký túc xá của điện Kremlin và được sử dụng trong các lễ đăng quang (có thể là chỗ ngồi của Sa hoàng kế vị). Sa hoàng cuối cùng của nước Nga Nicholas II đã chọn ngai vàng này cho lễ đăng quang của ông vào năm 1896.

Ngai kim cương của Aleksey Mikhaylovich

Chiếc ngai xa hoa này được làm bởi những người thợ thủ công Ba Tư vào cuối thế kỷ 17. Các nhà sử học vẫn chưa thể xác định làm thế nào mà nó lại thuộc quyền sở hữu của Sa hoàng Aleksey Mikhaylovich (Alexis của Nga). Theo một giả thuyết, đó là một món quà từ Shah của Ba Tư.

Theo một giả thuyết khác, nó được tặng bởi một công ty thương mại Armenia hoặc được Sa hoàng Alexis mua lại từ một công ty thương mại.

Dù nguồn gốc của ngai vàng này chưa rõ ràng nhưng ngai vàng kim cương gắn liền các cuộc đàm phán cho phép các thương nhân Ba Tư thực hiện thương mại quá cảnh ở Nga trong thời gian Sa hoàng Alexis cai trị.

Ngai kim cương của Sa hoàng Aleksey Mikhaylovich.

Về chiếc ngai vàng này được tạo ra từ gỗ đàn hương, bao phủ bởi các tấm vàng và bạc và được trang trí bằng gần một nghìn viên kim cương. Mặt sau mô tả các nhân vật của Sứ đồ Peter và Thánh Nicholas. Nó được coi là ngai vàng có thiết kế và trang trí công phu nhất trong số các ngai vàng của Sa hoàng Nga.

Ngai vàng kép của Ivan V và Peter I

Chiếc ngai vàng khác thường này được làm vào năm 1682-1683 để đánh dấu một dịp đặc biệt: Lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Nga, hai sa hoàng cùng lên ngôi. Họ đều là con trai của Sa hoàng Aleksey Mikhaylovich nhưng khác mẹ.

Ngai vàng mạ vàng theo phong cách Baroque với các chi tiết bằng kim loại. Nó được tô điểm lộng lẫy với các biểu tượng của quyền lực - đại bàng hai đầu, sư tử, kỳ lân, vương miện và quả cầu có thánh giá. Trong khi đó, ghế ngồi được bọc nhung.

Ngai vàng kép của Ivan V và Peter I.

Ngai vàng Đại vương triều

Ngai vàng này được Nicholas Clausn chế tác ở London vào năm 1731 cho Hoàng hậu Anna Ioannovna (Anna của Nga). Nó được đặt trong phòng ngai vàng của Cung điện Mùa đông ở St. Petersburg, trên một giá đỡ đặc biệt dưới tán cây. Mặt sau của ngai vàng được trang trí bởi một con đại bàng hai đầu được thêu công phu.

Ngai vàng của Elizabeth Petrovna

Hoàng hậu Elizabeth Petrovna (Elizabeth của Nga) yêu thích sự tráng lệ và trang trí xa hoa và rất thích phong cách Baroque và Rococo. Chiếc ngai vàng được chế tác bằng gỗ sồi năm 1742 với hình chạm khắc mạ vàng và bọc nhung.

Ngai vàng của Paul I

Sa hoàng Paul I có yêu cầu khá khắt khe đối với các nghi lễ, hầu như tại mỗi cung điện ông ở đều đặt một chiếc ngai vàng khác nhau. Chiếc ngai vàng yêu thích của Paul I được trang trí với thiết kế Vương miện Maltese Cross và Maltese Cross và trong Cung điện Gatchina.

Ngoài ra Sa hoàng Paul I còn một ngai vàng khác được đặt tại Cung điện Mùa đông được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư Christian Meyer.

Cả hai ngai vàng trên thực tế đều được coi là bản sao của mẫu ngai vàng Great Imperial Throne năm 1731.

Các mẫu ngai vàng của Sa hoàng Paul I.

Ngai vàng của Alexander III

Hầu hết những ngai vàng của Sa hoàng Nga trong thế kỷ 19 đều mang phong cách thiết kế cổ điển của Châu Âu, ít phô trương sự xa hoa. Tuy nhiên đến thời Sa hoàng Alexander III, ông lại muốn sở hữu một ngai vàng đậm chất Nga hơn để nhớ đến cuội nguồn lịch sử của nước Nga.

Theo đó, Alexander III đã yêu cầu các nghệ nhân của mình tạo ra một chiếc ngai vàng có phần giống các Sa hoàng Nga thời kỳ đầu và đặt nó ở Cung điện Gatchina.

Ngai vàng của Sa hoàng Alexander III.

Ngai vàng của Nicholas II

Tính liên tục của lịch sử rất quan trọng đối với Sa hoàng Nicholas II, đặc biệt kể từ khi Vương triều Romanov tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm dưới sự cai trị của ông vào năm 1913. Một số chiếc ghế nghi lễ gần giống với ngai vàng dưới thời Đại công quốc Moskva được làm theo yêu cầu của Nicholas II.

Ví dụ, một trong số chúng đã trang trí sảnh của Dòng Thánh Andrew trong Cung điện Kremlin. Đối với lễ đăng quang của riêng mình, Nicholas đã chọn ngai vàng thực sự của người đầu tiên trong số những người Romanov - Sa hoàng Mikhail Fyodorovich.

Trà Khánh (Nguồn: Russia Beyond)

Tin mới