Ngày 7/1/2019, Campuchia tổ chức kỷ niệm 40 năm thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Polpot (7/1/1979 – 7/1/2019). Ngay trong những ngày đầu năm 1979, nhiều cán bộ, chuyên gia Việt Nam, trong đó có các chuyên gia trong lĩnh vực phát thanh-truyền hình, đã có mặt ở đất nước Chùa Tháp giúp bạn xây dựng lại đất nước bị tàn phá dưới chế độ Khmer đỏ.
Riêng về phát thanh đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cử các biên tập viên các thứ ngữ Anh, Pháp, Thái Lan luân phiên nhau giúp bạn làm các chương trình phát thanh tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Thái Lan.
Thủ tướng Hun Sen chụp ảnh cùng các thành viên Đoàn chuyên gia Phát thanh-Truyền hình Việt Nam tại Campuchia năm 1988.
Ngày 23/4/1988, Tổng Biên tập Trần Lâm ký quyết định cử tổ chuyên gia Ban biên tập đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) gồm Nguyễn Thị Huệ (Phòng tiếng Anh), Nguyễn Thùy Minh (Phòng tiếng Thái Lan) và tôi (Phòng tiếng Pháp) sang công tác tại Đoàn chuyên gia Ủy ban Phát thanh-Truyền hình Việt Nam tại Campuchia, thời hạn một năm.
Năm đó, tôi mới 29 tuổi. Trước khi đi, mấy chị em ra cửa hàng miễn thuế mua quần áo theo tiêu chuẩn dành cho chuyên gia. Tôi sắm cho mình một bộ complet màu tím than, bộ complet đầu tiên trong đời. Trước kia cưới vợ mượn tạm của ông anh họ, làm gì có tiền mà thửa riêng. Bộ complet này nhiều năm sau tôi vẫn còn dùng trong những lần đi học và thực tập ở nước ngoài.
Từ Việt Nam sang Campuchia hồi đó thường đi bằng hai đường. Nếu đi đường bộ thì vào TP.HCM, đi Tây Ninh qua cửa khẩu Mộc Bài. Còn bằng đường hàng không thì bay từ sân bay Nội Bài. Chuyến đó tôi cùng các chị Huệ và Minh đi máy bay. Máy bay toàn của Liên Xô sản xuất như TU134A, TU134B, hoặc An 24.
Đây là lần đầu tiên tôi đi máy bay, cảm giác khi hạ cánh xuống sân bay Pochentong thật khó tả, vừa lạ lẫm vừa hồi hộp. Sân bay thưa thớt, vắng vẻ, chỉ thấy có mỗi chiếc máy bay của Vietnam Airlines. Ra đón có chị Đóoc May, chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế Đài phát thanh Campuchia.
Căn nhà của đoàn chuyên gia Việt Nam làm tại Đài phát thanh Phnom Penh là một tòa villa xây theo kiểu Pháp, có bảo vệ người Campuchia - anh Mon, canh gác đêm ngày. Tối đến vẫn phải đóng cửa sổ đề phòng tàn quân Pol Pot ném lựu đạn. Đường xá ngoài mấy trục đường chính là rải nhựa, còn chủ yếu là đường cấp phối. Trong vườn trồng mấy cây dừa, cây xoài... Xoài ở đây rất ngon, giống như xoài cát ở Việt Nam.
Cuối năm 1988, quân tình nguyện Việt Nam vẫn chưa rút hết. Tình hình ở Phnom Penh nói chung yên ổn, nhưng chúng tôi mỗi người vẫn được phát một khẩu súng AK hoặc K59 để tự vệ. Tôi được phát một khẩu K59, thỉnh thoảng tối đi bộ sang Phân xã chơi với các anh Phùng Huy Thịnh, Vũ Khánh... thì giắt theo phòng thân. Cũng chẳng phải dùng súng bao giờ, có chăng khi Tết đến có người nổ vài phát lên trời thay pháo cho đỡ nhớ nhà.
Nói chuyên gia cho sang chứ cuộc sống cũng còn vất vả. Bữa cơm thường có hai món, một món canh chua cá, món thịt rang mặn hay cá kho, cá rán. Lúc đầu còn thuê một chị người Campuchia giúp nấu nướng, sau mấy chị em tự nấu để tiết kiệm. Chị Huệ, chị Minh phụ trách nấu cơm, tôi thêm chức “chuyên gia rửa bát”. Các món ăn ở Campuchia cũng na ná như ở miền Nam, canh chua nấu hơi ngọt một chút so với ngoài Bắc.
Tôi mê bóng bàn, ở nhà chơi thường xuyên, sang Campuchia cũng cầm theo cây vợt. Vừa sang được mấy bữa có giải bóng bàn toàn Đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia, tôi lọt vào chung kết. Đối thủ là Thư ký của một lãnh đạo cấp cao Campuchia.
Trận đấu căng thẳng, mọi người đứng ngoài hò reo cổ vũ. Ván đầu, tôi dẫn 1/0, ván hai anh ấy gỡ hòa 1/1, séc chung kết tôi thắng 2/1 với tỷ số sát nút 21/18. Chú Hoàng Minh Phương, Trưởng đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam tại Campuchia, mừng lắm, mang xe ra đón. Giải thưởng chỉ có quyển sổ tay Campuchia và một quả bóng bàn lượm trong trận chung kết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia Khieu Kanharith (thứ 3 từ trái sang), Phó Tổng Giám đốc VOV Vũ Hải (thứ 4 từ phải sang) cùng các chuyên gia VOV từng làm việc tại Campuchia
Đài phát thanh quốc gia Campuchia phát 4 thứ tiếng đối ngoại là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái Lan và tiếng Việt. Mỗi chương trình có thời lượng 15 phút. Sáng sáng, có lái xe của bạn đưa đến đài, trưa đưa về. Công việc chủ yếu là hiệu đính các chương trình phát thanh, tham gia thể hiện trên sóng. Chiều hướng dẫn thêm cho các bạn cách biên dịch tin, bài theo phong cách phát thanh hoặc bồi dưỡng thêm từ vựng và ngữ pháp.
Tổng Giám đốc Đài phát thanh Campuchia khi đó là anh Kim Zin, Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Campuchia (nay là Đảng nhân dân CPP). Trước anh Kim Zin là anh Undara đã chuyển sang làm bên địch vận. Chúng tôi có gặp anh Undara một lần, ăn tối với nhau, anh cũng rất quý các chuyên gia Việt Nam.
Anh Kim Zin thường hay đến thăm chuyên gia Việt Nam, trong cốp xe của anh luôn có một khẩu AK47 và một khẩu súng ngắn. Anh Ton Dan làm Trưởng ban Đối nội, anh In Chay làm Trưởng Đối ngoại. Sau này, anh Ton Dan làm Tổng Giám đốc, anh In Chay làm Phó Tổng Giám đốc Đài phát thanh quốc gia Campuchia.
Phòng tiếng Pháp có chị Ti là Trưởng phòng, anh Muôi Ly làm Phó Trưởng phòng và hai người nữa. Anh Muôi Ly nghe nói sau này làm lên đến Trưởng ban Đối ngoại. Chuyên gia Việt Nam và các bạn đồng nghiệp Campuchia sống với nhau vui vẻ, chân thật, chẳng có khoảng cách.
Trong thời gian ở Campuchia, thỉnh thoảng chúng tôi lại được đón các anh từ bên nhà sang đưa tin rút quân tình nguyện như Trần Trọng Trủy, Đình Khải, Đinh Thế Lộc... Anh Đình Khải hồi đó bị bệnh dạ dày hành hạ, khổ lắm, chẳng ăn uống được gì nhưng vẫn phải đảm bảo đủ tin, bài gửi về.
Anh Trần Trọng Trủy, do máy ghi âm không có chân cao và để tránh vướng quay phim ghi hình, phải vất vả quỳ cả tiếng đồng hồ giữa sân bay Pochentong nắng như đổ lửa để thu tiếng động phát biểu của đại diện quân tình nguyện Việt Nam, của đại diện chính quyền Campuchia... Hình ảnh đó ám ảnh tôi mãi.
Ngoài chuyên gia Đài TNVN, còn có các anh Hoàng Thanh Hà, Vương Đức Khánh của Đài PT-TH Hà Nội, Đoàn Minh Tuấn, Trần Kiên, Văn Thành của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, sang mấy tháng giúp bạn làm chương trình văn nghệ, phim tài liệu, sửa chữa máy móc...
Đến cuối năm 1991, những chuyên gia cuối cùng của Đài TNVN làm tại Campuchia rút về nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp bạn trong những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ xây dựng một nước Campuchia mới.
Ngày 26/01/2005, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký quyết định tặng Huy chương về nghĩa vụ quốc tế cho 72 cán bộ của Đài TNVN sang giúp bạn Campuchia trong thời gian từ 1979-1989.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia Khieu Kanharith trao Huân chương của Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho các chuyên gia VOV
Năm 2017, ngài Khieu Kanharith, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia, sang trao Huân chương Công trạng hạng Tripadi và Huân chương Munisariapoan hạng Tripadi của Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho các chuyên gia Đài TNVN, ghi nhận công lao của họ đối với ngành phát thanh-truyền hình Campuchia. Chỉ tiếc nhiều người đã không còn nữa.
Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN