Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những mảnh vườn xanh nơi địa đầu Tổ quốc

(VTC News) -

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, 241 ha vườn tạp kém hiệu quả được thay thế bằng những vườn rau, cây ăn quả.

“Hồi trước, tôi chủ yếu trồng cam, ngô... nhưng không hiệu quả kinh tế, được cán bộ tuyên truyền nên đã chuyển sang trồng các loại rau củ, cây ngắn ngày”. Đó là lời chia sẻ của anh Phạm Mạnh Hùng (trú tại thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) khi tiếp chuyện PV VTC News tại khu vườn su su sai quả sắp đến ngày thu hoạch.

Điều gì biến đất khô cằn nơi địa đầu Tổ quốc thành những mảnh vườn xanh?

Thay đổi cơ cấu cây trồng

Trong khu vườn rộng hơn 1ha, trước đây, anh Hùng tận dụng khoảng 5.000m2 trồng một số loại cây như cam, ngô... mỗi năm thu nhập chỉ được vài chục triệu đồng, kinh tế bấp bênh nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Diện tích vườn còn lại gia đình anh để trống, cỏ dại mọc um tùm.

Năm 2021, dưới sức lan tỏa của chương trình cải tạo vườn tạp, nhờ sự định hướng của cấp ủy, chính quyền, gia đình anh Hùng quyết tâm thay đổi, đăng ký cải tạo lại khu vườn và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn vẽ sơ đồ, quy hoạch lại đất đai, lựa chọn cây giống.

Sau khi được cán bộ xã, thôn vận động, gia đình tôi đã quyết định cải tạo khu vườn để trồng các loại rau màu như bí xanh, dưa chột, mướp đắng, mướp ngọt, bầu, su su…”, anh Hùng nói.

Anh Hùng kể, ban đầu anh cũng chỉ dám canh tác khoảng 2.000 - 3.000m2. Thấy mô hình hiệu quả nên hàng năm gia đình mở rộng thêm diện tích, đến nay vườn rau của anh đã rộng hơn 7.000m2.

Việc cải tạo vườn tạp không chỉ phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng mà còn đem lại thu nhập cho gia đình. Bình quân vườn rau củ mang lại cho gia đình anh Hùng thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. 

Mướp, bí xanh, su su là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, sau 3 tháng trồng đã cho thu hoạch, thời gian thu kéo dài từ 5 - 6 tháng. Với hương thơm đặc trưng, dễ ăn, giá bán dao động 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Thương lái đến tận nhà thu mua số lượng lớn”, anh Hùng cho hay.

Điểm đặc biệt trong khu vườn, thay vì dựng giàn leo bằng tre truyền thống, anh Hùng dựng những dãy cột bê tông, trên ngọn buộc dây cước để tạo dàn.

Giàn leo của gia đình anh Hùng được dựng bằng cột bê tông và dây cước.

Lý giải về cách làm này, anh Hùng cho biết, trước đây làm giàn tre tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu nhưng không dùng được lâu dài, chỉ khoảng 1-2 năm sẽ hư hỏng, còn cột bê tông kết hợp dây cước sử dụng được khoảng 10 năm. “Một cột bê tông có chi phí 50.000 - 60.000 đồng, gia đình tôi có khoảng 900 cột đứng”, 

Đến thăm mô hình cải tạo vườn tạp của anh Lê Duy Đông (cũng thuộc thị trấn Việt Lâm), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khu vườn rộng hơn 10.000m2, được quy hoạch thành từng khu vực cụ thể để chăn nuôi và trồng trọt.

Gia đình anh Đông phát triển mô hình theo hướng vườn - ao - chuồng. Từ sự hỗ trợ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, khu vườn của anh được bố trí, quy hoạch thành các khu: chăn nuôi các loài động vật quý hiếm (chim công Ấn Độ, cầy vòi hương, gà lôi trắng…), ao thả cá, trồng rau ngắn ngày và cây ăn quả.

Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, tôi được các cán bộ vận động phá bỏ những cây già cỗi như cam, bưởi với giá trị kinh tế thấp để chuyển sang trồng cây, chăn nuôi thu lợi nhuận cao. Đời sống được cải thiện rõ rệt”, anh Đông nói.

Còn trong khu vườn rộng khoảng 3.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Nhình (thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê), các cây rau màu được trồng từ chương trình cải tạo vườn tạp cũng đang phát triển xanh tốt.

Trước đây, toàn bộ diện tích vườn để trồng ngô, năm 2021, sau khi được cán bộ xã, thôn vận động, gia đình ông Nhình đã quyết định cải tạo khu vườn để trồng các loại rau màu.

Ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, các loại rau muống, cải, xà lách… một tuần bán 1-2 lần được 100.000 - 200.000 đồng, kinh tế gia đình cũng cải thiện”, ông Nhình chỉ tay ra luống rau xanh, nói.

Để rau đủ dinh dưỡng, ông Nhình chỉ sử dụng phân chuồng và dùng chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt, gừng để diệt sâu bọ, côn trùng.

Cùng với rau ngắn ngày, ông Nhình canh tác một số loại cây ăn quả.

Nghị quyết 05 đã trúng và đúng

Trả lời PV VTC News, ông Lý Xuân Lù - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vị Xuyên, khẳng định: “Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 rất trúng và đúng, đi vào cuộc sống của người dân”.

Với quan điểm chỉ đạo “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Vị Xuyên đã ban hành trên 50 văn bản tổ chức triển khai thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Ông Lý Xuân Lù cho biết, cả hệ thống chính trị đã tham gia giúp người dân từ việc lập hồ sơ quy hoạch, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến việc thẩm định và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hỗ trợ vay vốn... nhằm đưa chương trình cải tạo vườn tạp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Nói về kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vị Xuyên nêu rõ, giai đoạn 2021-2022, toàn huyện có 1.021 hộ thực hiện cải tạo trên tổng số 1.034 hộ đăng ký, đạt 98% kế hoạch, tổng diện tích thực hiện trên 60ha. Trong đó có 95 hộ nghèo; 348 hộ cận nghèo; 382 hộ trung bình; 196 hộ cán bộ, công chức, bí thư chi bộ...

Số vườn hộ nghèo, cận nghèo vay vốn cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh đã cho hiệu quả kinh tế 369/443 hộ; trung bình mỗi vườn sau khi cải tạo cho thu nhập 1,3 triệu đồng/tháng; không chỉ có thu nhập từ cải tạo vườn, các hộ đã giải quyết được nguồn cung cấp thực phẩm xanh cho gia đình, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, đời sống gia đình thay đổi rõ rệt.

Nhờ việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 05, giai đoạn 2021-2023, 35 hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo, có mức sống trung bình, khá và 19 hộ từ hộ nghèo lên cận nghèo”, ông Lý Xuân Lù nói.

Những mảnh vườn xanh ngát được hình thành từ Nghị quyết 05 của Đảng bộ tỉnh Hà Giang.

Theo ông Lý Xuân Lù, trong năm 2023, huyện Vị Xuyên có 1.316 hộ đăng ký thực hiện cải tạo vườn tạp, trong đó có 999 hộ nghèo, cận nghèo; 99 hộ trung bình, khá, giàu; 218 hộ cán bộ, công chức xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn với tổng diện tích vườn tạp đăng ký cải tạo trên 39ha.

Mục tiêu của chúng tôi là từng bước thay đổi tư duy sản xuất, phong tục, tập quán canh tác của bà con, chuyển từ các loại cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn…”, lãnh đạo Huyện ủy Vị Xuyên nói thêm.

Chia sẻ về khó khăn trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 05 vào đời sống, bà Trần Thị Ngọc - Bí thư Đảng ủy của thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, nêu rõ, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; cấp ủy, chính quyền một số xã, phường trong lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt.

Đặc biệt, đa số các hộ nghèo, cận nghèo như người già cô đơn, ốm đau, tật nguyền… rất khó thực hiện vì thiếu nhân lực sản xuất. Quỹ đất ít, nhỏ lẻ, xa nhà không thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi...”, bà Trần Thị Ngọc nói.

Để khắc phục những khó khăn này, chính quyền thị trấn Việt Lâm tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu; huy động tối đa sự tham gia đóng góp công sức và nguồn lực của người dân. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Đến nay, qua 2 năm triển khai Nghị quyết 05, các hộ gia đình đã thay đổi tư duy, nhiều hộ đã cải tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần cải thiện thêm đời sống của nhân dân.

Bà Trần Thị Ngọc

Ngày 1/12/2020, Tỉnh uỷ Hà Giang ban hành Nghị quyết số 05 về Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây là Đề án lớn mang tầm chiến lược.

Với quan điểm cải tạo vườn tạp một cách thực chất, không chạy theo thành tích, sau hơn 2 năm, toàn tỉnh Hà Giang có trên 5.400 hộ thực hiện với tổng diện tích vườn cải tạo trên 241ha, vượt 192% so với chỉ tiêu giao cho cả giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ về cách triển khai Nghị quyết 05 của Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Để làm tốt điều này, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước., không phô trương, hình thức để bảo đảm tính bền vững, lâu dài. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sâu sát việc triển khai tại cơ sở với phương châm đến từng nhà, vào từng vườn để cùng làm với nhân dân.

Anh Văn - Đắc Huy - Hữu Dánh

Tin mới