Qua điện thoại, nhân viên cứu hộ sẽ yêu cầu người điều khiển cung cấp những thông tin cơ bản về xe như: thương hiệu, tên xe, đời xe. Những thông tin này sẽ giúp người làm công tác cứu hộ chủ động hơn khi chuẩn bị các dụng cụ kỹ thuật cũng như phụ tùng thay thế cần thiết cho xe.
Nếu là chủ xe thì mọi chuyện khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu đó là xe mượn từ người thân, bạn bè hoặc thuê từ bên thứ ba thì sẽ có chút trở ngại. Do đó, người điều khiển phương tiện nên nắm những thông tin cơ bản về xe trước khi bước vào ghế lái.
Trước khi gọi cứu hộ cần hiểu biết về các biểu tượng trên xe. (Ảnh minh họa).
Tương tự việc bệnh nhân mô tả chi tiết về triệu chứng bệnh của mình cho bác sĩ, lái xe cũng cần cung cấp những thông tin càng chi tiết càng tốt về tình trạng cũng như những triệu chứng của xe trước khi xảy ra sự cố.
Cụ thể hơn, nhân viên cứu hộ sẽ đưa ra cho tài xế nhiều câu hỏi đơn giản để có được hình dung tổng quát nhất về những sự cố mà xe đang gặp phải. Nhờ đó, họ có thể nhận biết tình trạng của xe cũng như lên phương án và chuẩn bị các dụng cụ cần thiết. Việc lái xe cần làm là mô tả chính xác và chi tiết theo yêu cầu của đội cứu hộ để quá trình diễn ra thuận lợi.
MID (Malfunction Indicator Lights) là hệ thống các biểu tượng với đèn cảnh báo hiển thị trên đồng hồ tốc độ ngay sau vô lăng. Mỗi biểu tượng thực chất chính là hình vẽ minh họa trực quan cho một tính năng đang gặp vấn đề trên xe.
Đội cứu hộ có thể tìm hiểu về tình hình và thậm chí đề xuất phương án tự khắc phục. Do đó, việc đọc hiểu các biểu tượng này là rất quan trọng và sẽ cực kỳ hữu ích nếu xe không may gặp vấn đề.
Hiện tại, các dịch vụ bảo hiểm và cứu hộ đều kèm theo điều khoản yêu cầu lái xe phải xác nhận lại chi phí sửa chữa trước khi cho phép họ thực hiện công tác cứu hộ.
Tuy nhiên, sẽ là khôn ngoan hơn nếu lái xe vẫn chủ động hỏi trước về chi phí sửa chữa của xe, vừa giúp chuẩn bị trước tâm lý khi cầm hóa đơn, vừa đảm bảo không xảy ra các rắc rối và phức tạp không đáng có sau quá trình sửa chữa.
Lựa chọn các phương án cứu hộ ô tô phù hợp. (Ảnh minh họa).
Nếu những vấn đề trên xe không thể khắc phục tại chỗ, đội cứu hộ sẽ buộc phải vận chuyển xe của về xưởng dịch vụ để tiến hành sửa chữa và thay thế linh kiện. Lúc này, tầm quan trọng của việc nắm thông tin về xe sẽ phát huy tác dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chọn phương án kéo hoặc chở.
Cụ thể hơn, chọn kéo hay chở phụ thuộc vào hệ dẫn động của xe cần cứu hộ. Hiện nay, trên ô tô có 3 loại dẫn động chính, đi cùng với đó là các phương án cứu hộ phù hợp:
Xe dẫn động cầu trước: có thể dùng cả hai hình thức là kéo hoặc chở nhưng trung tâm cứu hộ thường dùng biện pháp kéo.
Xe dẫn động cầu sau: loại xe này thường được các trung tâm cứu hộ sử dụng hình thức kéo và đẩy.
Xe dẫn động hai cầu (dẫn động bốn bánh): trung tâm cứu hộ thường ưu tiên lựa chọn hình thức chở. Còn nếu phải dùng biện pháp kéo, nhân viên cứu hộ sẽ phải có dụng cụ chuyên dụng (con lăn) để hỗ trợ 2 bánh còn lại.
Khi xe gặp trục trặc trên đường, tài xế phải luôn sử dụng đèn tín hiệu khẩn cấp (đèn hazard) dù xe có được tấp vào lề đường hay không. Việc này giúp các phương tiện giao thông sớm nhận biết chướng ngại vật và làm chủ tốc độ khi tới gần phương tiện, tránh những va chạm đáng tiếc.
Ngoài ra, tài xế cũng nên chuẩn bị sẵn các biển cảnh báo nguy hiểm, đặt trước và sau cách xe khoảng 100 m để đảm bảo an toàn cho mình và những người đang tham gia giao thông trên đoạn đường đó.